Bài học đắt giá khi ký tên, điểm chỉ

Người dân không nên ký tên vào giấy trắng; thậm chí cần gạch chéo phần trong văn bản còn bỏ trống khi ký tên

Mới đây, TAND huyện Cần Đước (tỉnh Long An) buộc gia đình ông H.K.A (bị đơn) trả số nợ 142 triệu đồng cho ông H.V.K (nguyên đơn) trong vụ kiện đòi tiền môi giới đất. Giá trị tranh chấp không lớn nhưng chứng cứ chứng minh việc mượn tiền mà ông K. cung cấp có nhiều điểm đáng ngờ.

Tình ngay, lý gian

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả 42 triệu đồng tiền môi giới khi ông giới thiệu người mua đất cho gia đình bị đơn. 100 triệu đồng còn lại là tiền ông A. mượn trước khi bán đất.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, ông K. đưa ra "Biên bản làm việc" (đề ngày 14-7-2018) có nội dung ông A. xác nhận có mượn và cam kết trả đủ 142 triệu đồng. Ngoài chữ ký, điểm chỉ của ông A. và K., văn bản có ông H.H.T ký tên làm chứng. Tuy nhiên, ông A. trình bày ngày 19-7, một thanh niên đi ra từ cổng TAND huyện Cần Đước. Mặc trang phục giống cán bộ tòa án, người này giới thiệu mình công tác tại tòa, đang tìm ông để gửi giấy mời hòa giải. Hoảng hốt, lo sợ khi biết tin mình bị kiện, ông A. ký tên và lăn tay vào tờ biên bản làm việc nói trên. "Tôi hoảng quá nên làm theo hướng dẫn mà không kịp suy nghĩ. Lúc đó, tờ giấy chưa ghi nội dung gì. Về đến nhà, tôi mới nghĩ mình bị lừa nên đến công an trình báo" - ông A. khẳng định.

Biên bản làm việc "độc, lạ" trong vụ kiện giữa ông K. và ông A.

Biên bản làm việc "độc, lạ" trong vụ kiện giữa ông K. và ông A.

Cơ quan công an tại địa phương phúc đáp theo quy định, công an có khả năng xem xét vụ việc khi tòa án giải quyết xong vụ kiện.

Tại tòa, một vị hội thẩm thắc mắc: "Sao hai bên không làm giấy ghi nợ mà làm biên bản làm việc?". Nguyên đơn trả lời do thiếu hiểu biết pháp luật. Riêng người ký tên làm chứng trong văn bản trên có đơn xin vắng mặt, không đến tòa đối chất. TAND huyện Cần Đước nhận định bằng chứng trong hồ sơ đủ căn cứ kết luận nguyên đơn thắng kiện. Đây là trường hợp khi "biên bản làm việc" có nội dung như giấy ghi nhận nợ là chứng cứ vụ kiện.

Hãy nhớ trọng chứng hơn cung

Luật sư Đoàn Quí Lễ, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận xét vụ việc hy hữu này trở thành bài học cho nhiều người.

Từ kết quả vụ án, luật sư Đoàn Quí Lễ phân tích theo thông lệ, tòa án trọng chứng cứ hơn trọng lời khai khi xét xử. Khi nguyên đơn có "bảo bối" - tờ giấy có chữ ký, dấu điểm chỉ rõ ràng thì bị đơn sẽ là bên yếu thế. Toàn bộ lời khai của ông A. là lời khai từ một phía. Chưa kể, ông A. không thể chứng minh lời khai trên là có căn cứ. Do đó, tòa rất khó xem xét.

Pháp luật quy định giao dịch dân sự được lập thành văn bản, có chữ ký và điểm chỉ của các bên, chữ ký của người làm chứng. Như vậy, chứng cứ nguyên đơn cung cấp là hợp pháp. "Người dân không nên cả tin, tuyệt đối không ký vào giấy trắng. Thậm chí, người dân nên gạch chéo phần trống giữa, cuối nội dung, chữ ký để người khác không thể chèn thêm nội dung theo ý mình. Trong trường hợp các bên đồng thuận ký giấy tờ, cách an toàn nhất là lập thành 2 bản. Mỗi bên giữ một bản để đối chiếu khi cần thiết" - luật sư Lễ lưu ý.

Tương tự, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bình Chánh, cho rằng văn bản có chữ ký, dấu lăn tay có thể gây phiền toái khi trở thành tài liệu, chứng cứ nếu có tranh chấp. Khi giao kết hợp đồng, tham gia giao dịch dân sự hoặc ký tên trên văn bản, giấy tờ tài liệu mà không đọc kỹ nội dung hoặc ký vào văn bản không có nội dung (ký khống) thì người ký có nguy cơ trở thành bị hại, nạn nhân trong một vụ án, vụ việc. Trên thực tế, việc lừa ký tên vào giấy tờ, tài liệu "trống" xảy ra khá nhiều. Thông thường, các đối tượng lừa ký văn bản với mục đích qua mặt các cơ quan có thẩm quyền nhằm chiếm đoạt tài sản một cách hợp pháp, gây khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ.

Cẩn thận với người xưng là… cán bộ!

Từ trường hợp của ông A., luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý khuyến cáo nếu gặp người tự xưng cán bộ nhà nước, người dân cần yêu cầu xuất trình giấy tờ trước khi làm việc. Đặc biệt, dù cơ quan chức năng yêu cầu thì người dân nhất quyết không ký tên, điểm chỉ vào văn bản "trống" hoặc nội dung mập mờ. "Cần hết sức cảnh giác khi giao dịch với những người chưa rõ nhân thân, lai lịch. Nếu nghi ngờ, bà con nên đến cơ quan công an trình báo ngay" - luật sư Ý nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia dự đoán bất động sản tiếp tục biến động, kéo theo những tranh chấp liên quan đến đất đai. Ăn theo, những hình thức giao dịch bất minh, lừa đảo tương tự sẽ "tung hoành" nếu cơ quan chức năng không tuyên truyền, khuyến cáo kịp thời.

Bài và ảnh: Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/bai-hoc-dat-gia-khi-ky-ten-diem-chi-20180729211742559.htm