Bài học 'đầu ra' của cây mận Bắc Hà

Những ngày này, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bản Phố, Lùng Cải, Tả Van Chư, Lùng Phình, Hoàng Thu Phố, Bản Già (Bắc Hà, Lào Cai) rất phấn khởi vì mận - loại cây trồng truyền thống của địa phương năm nay 'trúng' giá. 'Niềm vui kép' của bà con là vụ mận năm nay, tuy các giống mận hậu, Tả Hoàng Ly, Tả Van, mận tím đều được mùa, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường và khách du lịch lên thăm Bắc Hà.

Chị Lường Thị Bún thu hoạch mận trong vườn nhà mình.

Chị Lường Thị Bún thu hoạch mận trong vườn nhà mình.

Nguồn thu nhập lớn

Với diện tích trồng mận gần 36ha, xã Tả Van Chư là một trong những "vương quốc" mận lớn nhất vùng cao Bắc Hà. Loại cây này đã thực sự trở thành cây "xóa đói, giảm nghèo", đem lại cho người dân nơi đây một cuộc sống no ấm. Chia sẻ về niềm vui được mùa mận, chị Lường Thị Bún, nhà ở bản Sừ Mừn Khang, xã Tả Van Chư cho biết: "Nhà mình có khoảng 3 sào mận hậu. Cây mận rất phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và dễ trồng, có thu nhập kinh tế cao hơn các loại cây ăn quả khác, lại ít công chăm sóc so với cây lúa, cây ngô...".

Theo chị Bún, bản Sừ Mừn Khang là nơi có diện tích trồng mận nhiều nhất xã, đặc biệt là giống mận Tam Hoa. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ quy hoạch cải tạo chất lượng giống, trồng thay thế diện tích mận già cỗi, chất lượng kém, hơn 2 sào mận của nhà chị sai trĩu cành. "Từ đầu vụ đến nay, mận bán được giá, ổn định với mức từ 15-20 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân Tả Van Chư. Điều may mắn là, thời điểm chính vụ, mận chín rộ vào đúng thời điểm nhiều khách du lịch lên Bắc Hà nên rất dễ tiêu thụ" - Chị Bún chia sẻ.

Theo hướng dẫn của chị Bún, chúng tôi tìm đến vườn mận của anh Tẩn A Tằn, ở cùng bản Sừ Mừn Khang, một trong những hộ trồng mận chín sớm đầu tiên và có diện tích mận nhiều nhất nơi đây. Đưa chúng tôi đi thăm vườn mận Tam Hoa đang cho thu hoạch, anh Tằn chia sẻ: "Cách đây gần 4 năm, gia đình tôi tham gia mô hình phục tráng giống mận Tam Hoa, chăm sóc và tỉa cành đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông. Năm nay, diện tích 3 sào mận trồng mới bắt đầu cho thu hoạch. Với gần 120 gốc mận chín sớm, thương lái tìm đến tận vườn để mua, trung bình mỗi ngày, tôi bán được từ 1-2 triệu đồng…".

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Seo Vảng, Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư cho biết: "Địa phương hiện có gần 36ha đất trồng mận. Để mở rộng diện tích cây mận, UBND xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn nhân dân các bản trồng và chăm sóc, phòng chống dịch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Với triển vọng khả quan, cây mận đã trở thành sản phẩm kinh tế hàng hóa, góp phần giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo...".

Cũng theo Chủ tịch Lò Seo Vảng, do thời tiết thuận lợi và sự chăm sóc chu đáo của bà con nông dân nên mùa mận năm nay có sản lượng khá cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân. Hơn thế, năm nay hầu như không có tình trạng "được mùa riêng" đối với một số khu vực, một số gia đình mà hầu như tới đâu cũng thấy những vườn mận trĩu quả. Điều đáng mừng là, những lứa mận đầu tiên của xã Tả Van Chư xuất hiện đúng thời điểm khách du lịch lên Bắc Hà rất đông nên bà con rất phấn khởi, bởi khách du lịch thường mua mận về làm quà.

Bài học trong khâu tiêu thụ

Những năm trước, cùng với niềm vui được mùa, người dân ở vùng mận Bắc Hà thường xuyên phải đối mặt với bài toán "đầu ra" của quả mận. Ở nhiều thời điểm, người trồng mận không thể lường trước việc giá mận xuống thấp và biến động theo từng ngày. "Năm ngoái, vào đầu vụ, giá mận mua tại gốc, chọn quả đẹp cũng chỉ bán được 10 nghìn đồng/kg, còn lại chỉ xuất được với giá 5-7 nghìn đồng/kg. Gần 150 gốc mận nhà tôi chỉ bán được khoảng 30 triệu đồng, trong khi chi phí đầu vào đã chiếm khoảng một nửa số đó…" - Ông Sùng A Tráng, chủ một vườn mận ở bản Sín Chải kể.

Theo lý giải của ông Tráng, sở dĩ người trồng mận phải bán với giá "cho không" như vậy là do phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, thay vì có những "kênh" bán trực tiếp. Năm nay, được sự hướng dẫn, khuyến cáo của UBND xã, ngoài việc bán mận tại vườn cho người thu mua theo giá thỏa thuận, bà con đã chủ động đem mận ra chợ Lùng Phình, thậm chí mang ra thị trấn Bắc Hà bán trực tiếp cho khách du lịch, thu lợi nhuận cao hơn…

Người trồng mận ở Bắc Hà chủ động trong giải quyết bài toán “đầu ra” cho cây mận.

Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng được biết, để chủ động trong việc tiêu thụ mận cho bà con, các ban, ngành chức năng huyện Bắc Hà đã đề ra nhiều biện pháp như quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường các hoạt động du lịch, lễ hội để thu hút khách du lịch đến với vùng trồng mận, đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích bà con đưa mận đến các điểm tiêu thụ...

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo xây dựng vùng trồng mận tại một số xã nhằm từng bước đưa thương hiệu "mận Bắc Hà" phát triển mạnh trên thị trường. Đây không chỉ là điều kiện thuận lợi giảm bớt những áp lực cho những mùa mận, mà còn là dấu hiệu tốt lành của một sự thay đổi về nhận thức đối với việc tiêu thụ mận, loại cây đặc sản nổi tiếng của huyện miền núi này.

Một bài học khác, theo chúng tôi là rất hiệu quả đối với việc giải quyết "đầu ra" cho cây mận Bắc Hà, đó là việc UBND huyện áp dụng các chính sách uyển chuyển, linh hoạt trong việc trồng các loại cây ôn đới, trong đó có cây mận. Theo đó, huyện chủ trương không khuyến khích mở rộng quá nhiều diện tích trồng mận mà chuyển sang trồng thâm canh theo quy trình kỹ thuật mới, vừa đảm bảo có vùng mận đặc sản truyền thống, vừa dành diện tích để chuyển đổi trồng các cây có giá trị kinh tế cao khác, tạo đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Bên cạnh đó, để người trồng có nguồn thu ổn định từ cây mận, huyện cũng tổ chức xúc tiến, triển khai mô hình cải tạo, trồng thay thế diện tích mận già cỗi theo chương trình cải tạo, phục tráng giống. "Cái thuận khi thực hiện chủ trương này là phần lớn các hộ trồng mận đều nhận thức sự cần thiết phải "giúp" cây mận sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng quả được bảo đảm, giữ được sự khác biệt trong hương vị.

Theo tôi, đây chính là lời giải mang tính lâu dài để vùng mận Bắc Hà giữ vững được thương hiệu, đồng thời, nhờ đó, người trồng mận cũng bám trụ và trung thành với loại đặc sản quý của mình..." - Anh Nguyễn Văn Hưng, một cán bộ của Trung tâm giống cây trồng Lào Cai chia sẻ.

Phan Mạnh Hưng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bai-hoc-dau-ra-cua-cay-man-bac-ha/