Bài học đau xót trong bảo quản bảo vật quốc gia

Tác phẩm sơn mài 'Vườn xuân Trung Nam Bắc' của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia đã bị hư hại nặng nề sau quá trình làm vệ sinh của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo quản, tu bổ, phục chế.

Bảo vật “Vườn xuân Trung Nam Bắc” trước khi gặp “tai nạn”.

Bảo vật “Vườn xuân Trung Nam Bắc” trước khi gặp “tai nạn”.

Không chỉ đề nghị một chế độ bảo quản đặc biệt, thái độ ứng xử mẫu mực cho các bảo vật quốc gia mà những người yêu di sản còn mong đợi sự thay đổi trong tư duy của các nhà quản lý văn hóa.

Báo động về bảo quản, phục chế

Năm 2014, Tấm bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) dựng năm 1121, cao 2,88m, rộng 1,40m, chạm khắc tinh xảo hình rồng và mây nước, cùng áng “thiên cổ diễm văn” nổi tiếng đã bị xâm phạm nghiêm trọng ngay trước thềm lễ vinh danh bảo vật.

Chưa đầy một năm được công nhận bảo vật quốc gia (năm 2013) tấm bia đã bị phá hoại. Chỉ vì muốn “tân trang” bia “sạch sẽ” trước ngày vinh danh, Ban quản lý di tích đã thuê một tốp thợ “làm sạch” bia bằng cách dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt...

Kết quả là những nét cổ kính rêu phong của tấm bia cổ bị xóa sạch, không thể phục hồi.

Trước đó, tại Thanh Hóa, vạc đồng Cẩm Thủy từ thời Lê Trung Hưng, sau khi được công nhận là bảo vật quốc gia lại bị bỏ lăn lóc ở hành lang Bảo tàng Thanh Hóa khiến dư luận rất bức xúc.

Sự việc tương tự, hai trong số ba khẩu thần công của triều Nguyễn do ngư dân Hà Tĩnh trục vớt từ một con tàu dưới đáy biển đã giao nộp cho chính quyền địa phương và sau đó được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013.

Nhưng chỉ có một khẩu được trưng bày và bảo quản trong phòng có cửa khóa cẩn thận, còn lại hai khẩu đặt trên đế gỗ tạm bợ, nằm chỏng chơ ngoài hành lang của Bảo tàng Hà Tĩnh…

Dù đã từng có những bài học “nhãn tiền” đó, nhưng mới đây vụ việc bảo quản bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của cố danh họa Nguyễn Gia Trí lại gióng lên hồi chuông báo động về sự tắc trách trong công tác quản lý hiện vật văn hóa.

Việc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM giao việc bảo quản bảo vật quốc gia cho một người thợ sơn mài làm vệ sinh đã cho thấy có quá nhiều khoảng trống trong bảo quản, phục chế.

Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông Lưu Minh Phụng đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh...

Đoàn kiểm tra của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm gửi báo cáo lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đã đánh giá: Xét ở góc độ hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm đã bị hư hại khoảng trên 30%. Ở góc độ hư hại về vật chất bề mặt tác phẩm khoảng 15%.

Bức tranh là hiện vật gốc, độc bản, được xếp vào “bảo vật của quốc gia” được xem là tác phẩm tiêu biểu của nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Năm 1991, tác phẩm được UBND TPHCM mua với giá 100.000 USD để trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM, tranh được trưng bày và lưu giữ tại đây từ đó đến nay.

Đan không tày dặm

Chia sẻ nỗi trăn trở của mình, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bùi ngùi: Sự cố mà bảo vật “Vườn xuân Trung Nam Bắc” phải hứng chịu thật quá đau xót. Trước đây, tác phẩm sơn dầu “Những lời dạy bảo” của họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ Bác Hồ với bộ đội bị bong tróc, xuống cấp, Bảo tàng Mỹ thuật đã liên hệ nhờ chính tác giả phục chế giúp.

Thế nhưng, họa sĩ Mai Văn Hiến cũng không thể làm gì được với “đứa con tinh thần” của mình, đành phải gửi lại và đề nghị bảo tàng giữ nguyên hiện trạng.

“Vườn xuân Trung Nam Bắc” cũng vậy, giờ điều quan trọng là phục hồi bức tranh trở về gần với bản gốc và phong cách của họa sĩ Nguyễn Gia Trí bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Việc “chữa bệnh” cho bức tranh phải được các chuyên gia giỏi về mỹ thuật cùng “hội chẩn”, chỗ nào giữ, chỗ nào sửa, phục tạo từng cm.

Có thể vài năm mới xong và tốn kém nhưng những người có trách nhiệm vẫn phải “chung lưng đấu cật” tìm nguồn hỗ trợ để làm. Nếu không có một kế hoạch tổng thể, khoa học, chuyên tâm và chi tiết thì bảo vật lại biến thành tranh mới, tranh giả thì càng tai hại hơn.

Theo bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đây là bài học đau xót của ngành bảo tàng trong việc bảo tồn, phục chế tác phẩm mỹ thuật. Rút kinh nghiệm sâu sắc về sự đơn giản, tùy tiện trong công tác bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm, thái độ ứng xử với bảo vật hay hiện vật ở bảo tàng… là điều cần thiết và cấp thiết.

“Những ngày qua chúng tôi như ngồi trên đống lửa vì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ 9 bảo vật quốc gia, trong đó có 3 tác phẩm điêu khắc và 6 bức tranh. Cho dù trong những năm qua chúng tôi đã rất coi trọng công tác chuyên môn và Bảo tàng được đầu tư nhiều, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị song việc trùng tu, phục chế các tác phẩm mỹ thuật vô cùng khó khăn.

Nhiều tác phẩm có giá trị, bị hư hỏng chúng tôi đã phải mời chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ tu sửa”, bà Nguyễn Thu Hương cho biết.

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, công tác bảo quản cực kỳ quan trọng bởi tác phẩm mỹ thuật dù được sáng tạo tốt, nhưng nếu không biết gìn giữ, bảo quản và tu sửa thì giá trị của chúng sẽ giảm đi theo năm tháng.

“Yêu cầu, đòi hỏi đối với người làm công việc phục chế các tác phẩm hội họa không chỉ là phải có tay nghề cao, sự nhạy cảm mà còn phải am hiểu về mỹ thuật, hiểu phong cách sáng tác theo từng giai đoạn của tác giả. Làm sao để tác phẩm sau trùng tu vẫn giữ được thần thái, màu thời gian, cảm giác thân quen… là thử thách không đơn giản”, bà Hương nói.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/bai-hoc-dau-xot-trong-bao-quan-bao-vat-quoc-gia-4003346-b.html