Bài học lên đỉnh, xuống đáy của 'vàng đen' Việt Nam

Giá hồ tiêu đang tăng mạnh hiếm có. Tuy nhiên, nông dân ở các thủ phủ hồ tiêu Việt Nam vẫn bất an vì không biết mức giá này sẽ giữ được trong bao lâu

Gía hồ tiêu đang tăng mạnh hiếm có. Tuy nhiên, nông dân ở các thủ phủ hồ tiêu Việt Nam vẫn bất an vì không biết mức giá này sẽ giữ được trong bao lâu, hay lại lao dốc “chạm đáy” dẫn đến thua lỗ nặng như trước đó.

Hướng đi mới

Trái ngược với sự thấp thỏm của toàn thị trường, anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai) bình thản, không quan tâm cơn sốt giá. Bởi nhiều năm nay, kể cả khi hồ tiêu gặp khủng hoảng thì hạt tiêu nhà anh luôn có giá cao ngất ngưởng.

Bí quyết là anh Công không trồng hồ tiêu giống như hầu hết nông dân trong vùng mà liên kết thâm canh hữu cơ, làm hàng chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Anh Công kể, năm 2016, khi giá tiêu ở đỉnh cao hơn 200.000 đồng/kg, bà con đổ xô trồng tiêu, bỏ phương pháp canh tác tự nhiên, chuyển qua bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Hậu quả là dịch hại tràn lan, nhiều vườn tiêu bị xóa sổ, nhiều hộ nông dân bị phá sản, tỷ lệ các lô hàng xuất khẩu bị trả về tăng lên. Ngay sau đó, giá tiêu lao dốc do cung vượt cầu, toàn ngành tiêu Việt Nam lao đao.

Trong bĩ cực ấy, anh Công quyết định tập hợp những người yêu nông nghiệp sạch thành lập HTX để tìm hướng đi mới, học hỏi những mô hình canh tác hữu cơ để cùng làm.

Khi mới thành lập, HTX chỉ có 15 thành viên với diện tích canh tác 50ha tiêu và 40ha cà phê. Đến nay, HTX có 100 thành viên, diện tích hồ tiêu lên tới 100ha. Trong đó, một phần diện tích tiêu trồng đạt tiêu chuẩn an toàn, một phần trồng theo hướng hữu cơ theo chuẩn của Mỹ. Nhờ đó, hàng làm ra của HTX có giá ổn định. Đặc biệt, tiêu hữu cơ của gia đình anh luôn bán được giá cao gấp rưỡi so với tiêu thường.

Anh báo tin vui: “Cách đây mấy ngày, nhà máy chế biến tiêu của tôi với công suất 1 tấn/giờ đã đi vào hoạt động. Nhà máy sẽ liên kết với thành viên của HTX để đưa tiêu vào chế biến sâu, xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu”.

Tương tự, ngay từ khi thành lập, HTX Nông nghiệp Lâm San (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đã khuyến khích nông dân sản xuất hồ tiêu sạch, tạo vùng nguyên liệu bền vững để đưa hàng ra thế giới. Hiện diện tích trồng tiêu của HTX có khoảng 1.600ha với hơn 1.200ha sản xuất an toàn, và khoảng 300ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San, giá tiêu sạch của HTX luôn cao hơn so với tiêu bình thường 7-10%, đầu ra cũng ổn định hơn.

Từ đầu 2020, HTX còn đầu tư nâng cấp nhà xưởng để tạo thêm sản phẩm tiêu sọ mới giúp nâng giá trị cao hơn 50% so với xuất khẩu hạt tiêu đen hiện nay.

Chuỗi giá trị mới cho vàng đen” Việt Nam

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, hơn 20 năm qua, hồ tiêu Việt nam luôn giữ vị trí số 1 thế giới về năng suất và xuất khẩu. Năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu nước ta chiếm 60% thị phần thế giới với lợi thế thơm ngon hơn so với hàng Brazil, Ấn Độ.

Song, điều đáng buồn, người nông dân trồng loại cây này những năm gần đây trải qua cuộc khủng hoảng về giá chưa từng có. Từ cây làm giàu, được ví như “vàng đen” giờ thành thua lỗ nặng, ôm nợ nần.

Năm 2015, giá đạt đỉnh đưa hồ tiêu Việt Nam lên thời hoàng kim lịch sử. Đến cuối 2016, tiêu bắt đầu giảm giá và đến 2020 giá “chạm đáy” còn 35.000 đồng/kg, trong khi giá thành lên tới 60.000 đồng/kg. Nông dân lỗ nặng, kiệt sức, không còn vốn để đầu tư. Người còn vốn cùng không dám đầu tư vì giá tiêu quá thấp.

Theo ông Bính, hồ tiêu hiện đang bước vào chu kỳ tăng giá mới. Tuy nhiên, nhìn cả một quá trình tăng trưởng “nóng” rồi khủng hoảng vừa qua, chúng ta cần thay đổi, chọn đi con đường bền vững hơn. Mà giải pháp quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị.

Dư địa trên thị trường thế giới còn rất lớn, nhưng tiêu chuẩn đã thay đổi. Các thị trường đều đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng. Vì thế, nếu vẫn trồng theo cách truyền thống, tự phát sẽ không đáp ứng được. Trong khi, tổ chức sản xuất theo chuỗi, nông dân tham gia vào các HTX sẽ được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn nào là phù hợp với xu thế của thị trường. Nông dân sản xuất - HTX cầu nối nông hộ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp là đơn vị thu mua, chế biến, làm thương hiệu và thị trường.

Ông Bính cho biết, hồ tiêu bây giờ không chỉ để ăn mà còn làm mỹ phẩm, nước hoa, làm dược liệu… Hiện nay, nhu cầu dùng hồ tiêu làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác trên thế giới rất lớn nhưng tất yếu đòi hỏi tiêu chuẩn cao.

Con đường duy nhất là sản xuất an toàn, làm hữu cơ, liên kết theo chuỗi để đi ra thế giới. Có như thế, hồ tiêu Việt mới sớm trở lại thời hoàng kim, tránh được khủng hoảng, vững vàng ngôi số 1 thế giới. Đây cũng là con đường chung cho ngành nông sản Việt Nam chứ không riêng gì ngành hồ tiêu, ông Bính khẳng định.

Ông Phan Minh Thông –Tổng giám đốc một doanh nghiệp có thị phần sản xuất hồ tiêu xuất khẩu lớn ở Việt Nam, thừa nhận, nghịch lý của ngành tiêu Việt là tình trạng trồng tiêu một cách tự phát, không có định hướng và kiểm soát. Đến năm 2020, Việt Nam chỉ cần khoảng 50.000ha tiêu nhưng trong năm 2014-2015 đã có 200.000ha tiêu trồng. Vượt cung, chất lượng kém thì giá giảm và không thể cứu được nông dân. Hiện xu hướng trên thế giới là sản xuất nông sản đều quan tâm đến an toàn thực phẩm và đã xây dựng chuỗi sản xuất sạch.

Vì vậy, ông Thông cho rằng, muốn tăng thêm giá trị gia tăng cho hồ tiêu, doanh nghiệp Việt phải thay đổi chính mình và cùng tham gia vào chuỗi sản xuất sạch, nếu không sẽ khó tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, “Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu. Thay vì trồng theo phương thức truyền thống, phải chuyển đổi sang trồng VietGap, hữu cơ để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu”.

Với giải pháp mạnh, ông Thông cho rằng, phải quy hoạch lại giảm một nửa sản lượng trồng tiêu. Tập trung làm hàng hữu cơ, chất lượng. Khi đó, trong vòng một năm, giá tiêu có thể tăng từ 2.500 USD/tấn lên 7.000 USD/tấn hoặc 8.000 USD/tấn.

Đặc biệt hơn, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, phải tính đến các sản phẩm thế hệ mới ghi danh nguồn gốc tiêu Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta hoàn toàn có thể hướng những dòng chữ chỉ dẫn đầy tự hào trên nước hoa hay mỹ phẩm: hương liệu từ hạt tiêu Việt Nam. Hay trên thực phẩm chức năng, dược liệu: từ hạt tiêu organic Việt Nam… Lúc đó, hương thơm hạt tiêu mới thực sự thăng hoa.

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Cây tiêu tạo sinh kế cho gần 200.000 nông hộ ở Tây Nguyên và miền Nam. Năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đạt 288 nghìn tấn, thu về 665 triệu USD. 95% hạt tiêu của nước ta dùng cho xuất khẩu, 5% tiêu thụ ở nội địa. Hiện tiêu Việt Nam chủ yếu xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/bai-hoc-len-dinh-xuong-day-cua-vang-den-viet-nam-n-474508.html