Bài học lịch sử của Lào trong ứng phó thủy điện

Một tuần sau trận lũ từ sự cố vỡ đập Thủy điện Xepian-Xenamnoy, hàng nghìn người dân mất nhà cửa được đưa về trung tâm huyện Sanamxay để tạm trú.

Người dân được đưa về nơi tạm trú tại trung tâm huyện Sanamxay trong tình trạng đói, rét.

Chị Nang Chăn (23 tuổi, trú bản Hinlat) ngồi ở một góc phòng học chau mày nhìn những đứa trẻ con ngây thơ chơi đùa. Trong số những người tá túc tại phòng học này, chị là một trong những người mất mát lớn nhất khi chồng và hai con (một đứa 4 tuổi, một đứa 2 tuổi) bị nước lũ cuốn trôi ngay trước mặt. “Lúc ấy cả nhà vừa ăn tối xong thì nước đến ồ ạt, lọt qua mọi kẽ hỡ của căn nhà. Rồi nước xô đổ nhà, cuốn trôi vài trăm mét. Chồng và con cũng trôi theo…”, chị Chăn nhớ lại.

Cạnh đó, anh Sithat Chanthanongsay (32 tuổi, cùng bản) cho biết: “Nước lũ nhanh quá. Không ai báo cho chúng tôi một tiếng nào để đến nơi an toàn. Bây giờ con tôi và cháu tôi không biết có tìm thấy được nữa không”.

Anh Sithat và chị Nang Chăn đều cho biết, không hề nghe thông báo phải chạy lũ. “Từ bản Hinlat đi đến nơi an toàn phải ít nhất 40 phút. Giờ thì nhà cửa chẳng còn, gia đình tay trắng phải làm sao để sống tiếp. Con chúng tôi chết ai sẽ đền? Bây giờ cho chúng tôi về nhà cũng không muốn về nữa. Về đó sợ lắm…”, Sithat cho biết.

"Sau vỡ đập Thủy điện Xepian-Xenamnoy, mới đây ở Thủy điện Xekaman cũng lan truyền thông tin xả lũ khiến người dân rất hoảng sợ. Nhiều bản đã di chuyển người và tài sản lên núi để lánh nạn. Nhưng sau đó cơ quan chức năng thông báo không sao nên người dân mới yên tâm quay trở về nhà".

Ông Phonsamay Mienglavan, Phó tỉnh trưởng Attapeu

Anh Khăm Bon (32 tuổi, bản Thahin) khi được hỏi về việc quay trở về nhà đã lắc đầu: “Trận lụt này làm mình chỉ còn mỗi bộ quần áo trên người thôi. Trôi hết sạch rồi. Chỗ này về làm gì nữa, có an toàn đâu mà về. Biết đâu lúc nào đó lại vỡ đập thủy điện nữa. Lúc ấy, lại mất hết trâu bò, lúa gạo, lại trôi nhà nữa làm sao mà có cái ăn, có cái nhà cho con mình ở”.

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng Lào về sự cố vỡ đập Thủy điện Xepian - Xenamnoy ở tỉnh miền Nam Attapeu hôm 23/7, số lượng người chưa tìm thấy là 1.126 người. Trong đó, người mất tích theo khẳng định của gia đình có 131 người. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 29/7, Thiếu tướng Khanh Yal, Tỉnh Đội trưởng Attapeu cho biết, nhiều thi thể đã được tìm thấy. Hiện, vẫn còn 122 người mất tích.

Thiếu tướng Khanh Yal cho biết, công tác cứu hộ vẫn rất khó khăn vì lượng bùn đất quá lớn, các phương tiện di chuyển trên mặt đất rất khó. Khả năng nhiều người tử vong bị chôn lấp dưới lớp bùn hoặc trôi theo dòng sông Sekong về phía hạ lưu. Hiện, lực lượng quân sự cứu hộ của nhiều nước đang tham gia tìm kiếm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phonsamay Mienglavan, Phó tỉnh trưởng Attapeu cho biết: “Hiện, Chính phủ Lào đã chỉ đạo xử lý vụ việc. Cơ quan điều tra cũng vào cuộc để làm rõ nguyên nhân thảm họa này.

Đề cập đến việc tái thiết để nhân dân yên ổn làm ăn, ông Phonsamay Mienglavan cho biết, sự việc này chưa từng xảy ra nên việc ứng cứu vô cùng lúng túng. Đặc biệt, tái thiết của người dân là một vấn đề rất lớn và sẽ có những cuộc họp để bàn về việc này. “Chúng tôi sẽ có một cuộc khảo sát nhà cửa, tài sản của người dân ở khu vực chịu hậu quả của vụ vỡ đập trên. Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ có những cuộc họp rút kinh nghiệm trong ứng phó, phòng ngừa và làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư thủy điện”, Phó tỉnh trưởng Attapeu nói và cho biết: Công ty thủy điện có thông báo là “dự định vỡ đập”, “có thể vỡ đập” và cảnh báo người dân cảnh giác, không cảnh báo cho người dân di cư. Nếu nói rõ là thủy điện vỡ thì đã đưa người dân đi lên chỗ này, chỗ kia để tránh, đâu thiệt hại lớn thế.

Tạ Vĩnh Yên (Từ Attapeu, Lào)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bai-hoc-lich-su-cua-lao-trong-ung-pho-thuy-dien-d266240.html