Bài học nhãn tiền không bao giờ cũ!

Hội cà phê biển râm ran chuyện rằng đêm trăng thượng tuần có ông bạn xóm trên, bình thường đạo mạo chỉnh tề. Nhưng khi đi qua nhà nàng tuổi cập kê, gió biển hây hây thổi tung áo nàng trên chiếc võng. Ổng không chịu nổi, cũng không có điểm dừng, chậc lưỡi đã ghé thăm võng giở bài liều mạng… hãm hiếp. Thế là ổng bị kết tội cưỡng bức trẻ vị thành niên, bị tuyên phạt tù, ô nhục một đời.

Lại xin được lan man mấy chuyện về stop - điểm dừng để lạm bàn đạo đức thời cuộc… ngoa ngôn, lộng ngôn. Cái miệng làm khổ cái thân, trước bàn dân thiên hạ, ăn nói phải có điểm dừng, cần uốn lưỡi 5-7 lần cho nó chắc. Văn hóa lễ nghĩa mà cha ông ta dạy rằng ăn phải xem nồi, ngồi phải xem hướng; biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe là vậy. Những điều cốt lõi ấy, trẻ nhỏ chưa được học hành nên chưa biết thì đã đành, nay đến cả một số người lớn tướng, học hành cả bồ chữ rồi mà cũng quên ráo, điếc đặc!

Rằng các bị can này đều vi phạm Điều 331 Bộ Luật Hình sự, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tiến sĩ luật, đi giảng luật, thông kim bác cổ về luật lệ, nói làu làu các luật hình sự, luật dân sự mà rốt cuộc cũng phải tra tay vào còng, khốn khó lắm thay, do các vị liên quan đến vụ án đại gia Nguyễn Phương Hằng, ngoa ngôn!

Cuối tháng 2/2023, 3 bị can Đặng Anh Quân, Trần Văn Sỹ, Đặng Thị Hàn Ni bị cơ quan điều tra ra lệnh bắt tạm giam, khám nhà. Đặng Anh Quân là tiến sĩ luật, giảng viên Đại học Luật. Trần Văn Sỹ là luật sư, từng làm chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long. Bị can nhà báo - thạc sĩ luật Đặng Thị Hàn Ni nắm luật như lòng bàn tay. Vậy mà các vị to gan, nhà luật lại coi thường luật.

Từ bị can Nguyễn Phương Hằng đến các bị can Đặng Anh Quân, Trần Văn Sỹ, Đặng Thị Hàn Ni đều đã lên mạng xã hội mạt sát người khác như hát hay, chẳng có bằng chứng gì. Bịa chuyện đời tư của người, cả những chi tiết tưởng tượng ra, do ngủ mê mà thấy cũng đem ra bêu riếu. Nhiều thông tin chỉ là “nghe người ta đồn” không có kiểm chứng; rằng chuyện nghe từ đẩu từ đâu rồi tự suy diễn ra để bêu riếu người khác cho sướng miệng. Kể cũng lạ, không sao có thể hiểu nổi.

Thêm chuyện không thể hiểu, do lòng tham mà biến chất không biết điểm dừng. Một quan chức nắm luật, thuộc luật, được giao trọng trách bảo vệ luật pháp, đó là chuyện của một vị tướng, cựu giám đốc công an một thành phố lớn, bị bắt tạm giam can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng chạy án. Vị tướng tự chuyển hóa đó có trọng trách canh giữ cho pháp luật được thượng tôn, chữ đầy bồ, có tới 4 bằng đại học tự cho phép mình đứng trên pháp luật.

Trên đây là mấy ví dụ nóng hổi về cái sự làm gì cũng cần biết điểm dừng trước lúc quá muộn. Quá đà, ngạo mạn không kiểm soát được hành vi do lối sống, sự ham hố dục vọng; hoặc do háo danh, hiếu thắng được thua quá đà, ngoa ngôn cho sướng mồm, giỏi luật mà lại thành mù luật; hoặc do lòng tham, sự tham lam - hám tiền bất chấp tất cả. Gieo gió thì gặt bão, vi phạm pháp luật sẽ bị pháp luật trừng phạt.

Học luật, am tường luật lệ, càng phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Cộng đồng và chính tự mỗi cá thể rất cần những giải pháp về pháp luật, đạo đức học, sự trui rèn và chế ngự về điểm dừng trong mọi hành xử, ứng xử về đời sống pháp luật, xã hội.

QUỐC TOÀN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/202303/bai-hoc-nhan-tien-khong-bao-gio-cu-972616/