Bài học phía sau phiên điều trần của ông chủ Facebook

Ngay cả sự riêng tư của Giám đốc điều hành Facebook cũng dễ bị tổn thương như của tất cả chúng ta và mạng xã hội sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý.

Mark Zuckerberg - đồng sáng lập, CEO của Facebook vừa trải qua 2 phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, vào ngày 10-11/4, với hàng loạt câu hỏi khó khăn. Tuy nhiên, phần thể hiện của ông chủ Facebook tiếp tục nhận được phản hồi tích cực từ các chuyên gia và giới đầu tư.

Trang The Guardian đã có bài phân tích về những bài học mà chúng ta rút ra được từ những câu trả lời sắc sảo của CEO Facebook hay thực tế về mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

CEO Mark Zuckerberg của Facebook trong phiên điều trần ngày 10/4 tại Quốc hội Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

CEO Facebook cũng như chúng ta mà thôi!

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, trả lời cho câu hỏi của nghị sĩ đảng Dân chủ Anne Eshoo, Mark Zuckerberg thừa nhận rằng, chính dữ liệu của mình cũng bị bán cho một bên thứ ba.

Tuy nhiên, Facebook đang từ chối xác nhận rõ ràng rằng bên thứ ba này chính là GSR, công ty được sáng lập bởi nhà nghiên cứu Alexsandr Kogan của Đại học Cambridge. Nhưng như Zuckerberg nhắc lại nhiều lần, kể từ khi các cuộc điều tra về các công ty khác vẫn chưa có kết quả, thật khó có thể nghĩ được công ty khác là “thủ phạm” mà không phải là GSR.

Trong phiên điều trần kéo dài 2 ngày trước Quốc hội Mỹ, sự thừa nhận của Mark Zuckerberg rằng bản thân ông cũng bị bán thông tin cá nhân làm cho Facebook khó có thể tuyên bố rằng nền tảng mạng xã hội này phù hợp với mục đích sáng lập ban đầu. Nếu ngay cả CEO của Facebook cũng không bảo mật được thông tin của mình thì ai có thể?

Lời tuyên chiến với Đại học Cambridge

Trong câu trả lời của mình, Zuckerberg ngụ ý, Facebook chỉ mới phát hiện ra rằng Trường Đại học Cambridge (Anh) có một nhóm nghiên cứu tâm lý học lớn và ông đã bị sốc.

Mark cho biết, "có một chương trình hoàn chỉnh liên quan đến Cambridge, với một số nhà nghiên cứu đang xây dựng các ứng dụng tương tự". Cambridge cũng liên quan đến lệnh đình chỉ công ty thống kê dữ liệu CubeYou (hôm 9/4) vì thu thập thông tin người dùng bằng các bài kiểm tra. Công ty này hoạt động cũng giống cách Cambridge Analytica, có quyền truy cập vào dữ liệu từ 87 triệu người dùng Facebook với mục đích chính trị.

Cambridge Analytica đã mua dữ liệu từ Aleksandr Kogan, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge. Kogan thu thập dữ liệu thông qua ứng dụng mà ông phát triển trên Facebook từ 2013.

CEO Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước Ủy ban Thương mại và Tư pháp của Thượng viện Mỹ, ngày 10/4. (Nguồn: The New York Times)

Zuckerberg cho biết, Facebook đang tìm hiểu xem "cái gì đó tồi tệ" đang diễn ra tại Đại học Cambridge và ngụ ý rằng nếu phát hiện ra một điều gì đó không ổn, Facebook có thể xem xét khởi kiện tổ chức giáo dục này.

Quy định rất nhiều nhưng không hiệu quả

Tại phiên điều trần, Quy định về bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu - EU (General data protection regulation - GDPR) là điều các nghị sĩ Mỹ quan tâm. Thỉnh thoảng, các thượng nghị sĩ lại “cảnh báo” với ông chủ Facebook rằng, sẽ có những quy định thêm nữa từ thực tế vụ bê bối này.

Thượng nghị sĩ Frank Pallone, đại diện Ủy ban năng lượng và thương mại, phát biểu trong buổi điều trần đầu tiên rằng, sự kiện này lại một lần nữa cho thấy luật pháp chưa thực sự hiệu quả. "Tôi vui mừng khi nghe ông Zuckerberg thừa nhận rằng doanh nghiệp của ông cần được điều chỉnh. Chúng tôi cần có luật bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo vệ một cách toàn diện".

Theo nghị sĩ Fred Upton, "một môi trường pháp lý có thể ngăn chặn các nền tảng mới, có thể làm giảm cạnh tranh và có thể Facebook sẽ không vui vì điều này”.

Nhưng trong thời gian nước Mỹ chờ đợi một hệ thống văn bản quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân mới, các nhà lập pháp châu Âu đột nhiên trở thành người hùng. Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã hỏi Zuckerberg, liệu ông có thực thi được GDPR đối với người Mỹ hay không? Và, Mark đã né tránh bằng cách trả lời rằng, GDPR "kiểm soát" chứ không phải là "bảo vệ".

Facebook đề cao giá trị Mỹ

Tại cuộc điều trần của ông chủ Facebook, nghị sĩ Greg Walden cũng phải thừa nhận rằng: “Câu chuyện thành công của Mark là câu chuyện thành công ở Mỹ, thể hiện các giá trị như tự do ngôn luận và tự do kinh doanh”. Ông Walden nói như vậy bởi trong phiên điều trần đầu tiên, Zuckerberg đã trả lời câu hỏi về việc đóng cửa Facebook bằng cách lưu ý các nghị sĩ Quốc hội rằng, làm như vậy sẽ làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của Mỹ trên thế giới.

Trên thực tế, Zuckerberg đã thu hút người dùng trên toàn cầu, khoảng 85 - 90% người dùng Facebook nằm ngoài nước Mỹ. Đằng sau những cánh cửa khép kín, Facebook rõ ràng là một công ty toàn cầu, chứ không phải là một công ty Mỹ. Bản thân ông chủ Facebook cũng cho biết, sự phát triển trong tương lai của Facebook phụ thuộc vào những người dùng quốc tế mới.

Những câu hỏi không/chưa có lời đáp

Vào cuối buổi điều trần thứ hai, người ta đã có thể nhìn rõ hơn những lĩnh vực mà Facebook muốn tránh. Chẳng hạn như các câu hỏi về mục đích của việc lấy thông tin người dùng thường được Zuckerberg trả lời theo kiểu “đánh lạc hướng”.

Facebook sẽ chịu trách nhiệm trước tất cả người dùng. (Nguồn: qz.com)

Khi được hỏi ai thực sự sở hữu những thông tin trên trang cá nhân của chính mình, câu trả lời “yêu thích” của Zuckerberg chính là “Bạn sở hữu tất cả nội dung bạn tải lên và có thể xóa nó theo ý thích”. Và tất nhiên, ông chủ Facebook cũng né tránh một thực tế rằng, hồ sơ quảng cáo mà Facebook xây dựng về người dùng không thể bị xóa và người dùng không thể kiểm soát nó.

Tương tự, Zuckerberg cũng tránh trả lời việc Facebook có bao nhiêu dữ liệu về hành vi duyệt web của người dùng. Trả lời trước Quốc hội Mỹ, Zuckerberg đã “tảng lờ” câu hỏi này trước khi thừa nhận rằng Facebook theo dõi thông tin về hành vi duyệt web của người dùng. CEO Facebook lập luận rằng, hầu hết người dùng đều hiểu và mong muốn điều đó để được phục vụ những thông tin phù hợp hơn.

Trong những câu trả lời, ông chủ Facebook cũng “cẩn thận” lưu ý các nghị sĩ rằng, thông tin duyệt web không phải là một phần trong "những thông tin của người dùng" (cái mà Zuckerberg nói người dùng được sở hữu). Điều này là đúng, bởi người dùng có đăng tải điều gì về hành vi duyệt web của mình đâu!?

Dương Liễu

(theo The Guardian)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/bai-hoc-phia-sau-phien-dieu-tran-cua-ong-chu-facebook-69518.html