Bài học thị trường...

Việc Bộ trưởng Bộ Công thương ra quyết định thành lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Cục Quản lý thị trường của chính Bộ này trong việc kiểm tra đối với Công ty cổ phần Con Cưng, đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh. Không chỉ vậy, Tổ rà soát còn có trách nhiệm đánh giá lại hoạt động của Tổ Công tác triển khai quyết định số 334/QĐ-BCT của Bộ Công thương.

Cán bộ Chi cục QLTT TP HCM kiểm tra cửa hàng “Con Cưng”.

Vậy, Quyết định 334 của Bộ Công thương là gì? Diễn biến của Vụ “Con Cưng” ra sao? Thiết nghĩ cũng cần phải nói qua.

Quyết định số 334/QĐ-BCT được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký ban hành ngày 24/1/2018, nội dung chính là phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020. Được biết, Tổ Công tác 334 được thành lập cùng ngày với Quyết định kể trên (28/1/2018). Tổ trưởng là ông Trần Hùng- Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT).

Còn diễn biến vụ “Con Cưng” có thể vắn tắt như sau: Xuất phát từ việc một khách hàng tại TP Hồ Chí Minh phản ánh về sai phạm của Công ty cổ phần Con Cưng, sau khi mua một số sản phẩm dành cho bé ở một siêu thị thuộc hệ thống của Công ty này, tại địa chỉ 788 Âu Cơ (phường 14, Q.Tân Bình, TP HCM).

Theo đó, người mua hàng phát hiện một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion), có ghi xuất xứ từ Thái Lan. Mặc dù “Con Cưng” đã xin lỗi và đề nghị bồi thường cho vị khách trên, nhưng không nhận được sự đồng ý nên khách hàng gửi khiếu nại đến Cục QLTT và Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương).

Sau đó, cơ quan chức năng QLTT, chống buôn lậu, hàng giả vào cuộc. Trong những ngày cuối tháng 7/2018, nhiều cuộc thanh, kiểm tra Con Cưng được tiến hành đối với hệ thống bán lẻ của Con Cưng. Từ đó, nhiều thông tin được coi là sai phạm của Con Cưng được công bố rộng rãi.

Tuy nhiên, kết luận mới nhất của Bộ Công thương về quá trình kiểm tra “Con Cưng” cho thấy vi phạm không “nghiêm trọng” như thông tin đã loan báo, sau đó nhiều ý kiến cho rằng “Con Cưng” bị xử ép.

Chính vì thế mới dẫn dến việc Bộ trưởng Bộ Công thương ra quyết định thành lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Cục QLTT đối với Công ty cổ phần Con Cưng; đánh giá lại hoạt động của Tổ Công tác triển khai Quyết định số 334/QĐ-BCT của Bộ Công thương.

Mọi chuyện đâu sẽ có đó, hạ hồi phân xử. Nhưng việc Bộ trưởng Bộ Công thương ra quyết định thành lập Tổ Công tác rà soát lại hoạt động của chính Tổ Công tác được thành lập trước đó, cũng như hoạt động của Cục QLTT cho thấy trong câu chuyện “Con Cưng” có vấn đề.

Tới ngày 30/8 này, mọi chuyện sẽ có kết luận. Ai đúng, ai sai sẽ rõ. Mọi người cùng đợi kết luận ấy. Nhưng ở đây, qua câu chuyện “Con Cưng”, thiết nghĩ nhiều vấn đề liên quan tới QLTT, tới doanh nghiệp cũng cần phải được làm rõ.

Việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng, trong đó QLTT đóng vai trò chủ công là cần thiết, để tránh nạn hàng gian hàng giả, hàng buôn lậu trốn thuế. Đây cũng là việc làm để bảo đảm một thị trường lành mạnh, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm. Chính vì thế, với những người được giao nhiệm vụ, quyền hạn lĩnh vực này càng cần phải được đề cao.

Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đã lạm dụng quyền lực được giao để ép doanh nghiệp. Cụ thể hơn, một số cán bộ trong cơ quan đó đã tìm mọi cách để làm tiền doanh nghiệp. Kiểm tra, thanh tra là cần thiết để phát hiện và xử lý sai phạm; nhưng không thể vì thế để tranh thủ “hạ” doanh nghiệp này, nâng doanh nghiệp khác lên. Đó chính là cách lợi dụng công quyền để tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Thông tin về một doanh nghiệp nào đó hoạt động vi phạm pháp luật là cần thiết. Nhưng ở góc nhìn khác, nếu thông tin đó thiếu trung thực, mang ý đồ xấu sẽ làm vẩn đục môi trường kinh doanh. Thực tế cho thấy, khi thông tin thiếu cẩn trọng, thông tin sai về doanh nghiệp, về một ngành hàng nào đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất kinh doanh.

Ở đây cũng cần lưu ý đến quy chế phát ngôn trong quá trình thanh tra, kể cả sau thanh tra. Ai được quyền công bố kết quả kiểm tra, thanh tra là vấn đề quan trọng.

Vì rằng, kết quả thanh tra sai, hoặc nặng nề hơn là công bố kết quả với mục đích xấu, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì vấn đề sẽ là nghiêm trọng.

Trở lại vụ “Con Cưng”, thông tin qua kết quả kiểm tra ban đầu với thông tin sau đó có độ vênh không nhỏ. Vậy, vấn đề ở đây là gì? Kết quả nào đúng, kết quả nào sai và mục đích của nó- đó là những vấn đề cần phải được làm sáng tỏ. Niềm tin của người tiêu dùng bị thử thách khi những kết luận về chất lượng hàng hóa, sai phạm khác nhau.

Vì thế, trong vụ việc của “Con Cưng” và không chỉ của “Con Cưng”, xã hội chờ đợi sớm có kết luận rõ ràng của cơ quan có trách nhiệm. Đây cũng là “bài học thị trường” dù không mới nhưng cũng không bao giờ cũ. Và đó cũng chính là bài học về đạo đức của người thực thi công vụ trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/bai-hoc-thi-truong-tintuc413244