Bài học trong quản lý xây dựng từ những vụ sập tường

Từ vụ sập tường ở Vĩnh Long năm 2019 rồi gần đây là vụ sập tường ở Đồng Nai, đặt ra yêu cầu bức thiết phải quy định thật cụ thể trong bản vẽ thiết kế nội dung buộc ba bên thiết kế, thi công và giám sát có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế TÂN về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế TÂN

Ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế TÂN

PV: Thưa ông, vì sao có hiện tượng sập đổ những bức tường vừa cao và dài trong quá trình thi công?

Ông Nguyễn Văn Đực: Trong quá trình thi công các tường - cột kho xưởng, có thể là 2, 3 hay 4 hàng tường - cột… mỗi tường - cột đều chịu lực gió đẩy A cộng thêm lực gió hút B.

Thí dụ nhà xưởng - nhà kho đơn giản nhất có 1 nhịp tức là 2 hàng cột, khi thi công từng hàng tường - cột riêng biệt thì lực gió tác dụng vào mỗi hàng tường - cột này là A + B, thì vô tình "2 hàng tường - cột này chịu lực đẩy 2A cộng thêm chịu lực hút 2B". Nhưng sơ đồ tính toán của thiết kế khi "công trình hoàn tất" thì "cả 2 hàng tường - cột chỉ chịu lực đẩy 1A+lực hút 1B".

Điều đó có nghĩa, khi chúng ta làm một công trình có một cái kèo - giằng - mái hoàn chỉnh thì chúng ta chỉ chịu lực gió 1A+1B. Nhưng thực tế khi thi công thì chúng ta thi công 2 hàng tường - cột riêng biệt và độc lập, không có liên kết. Do đó, khi có gió, mỗi hàng tường-cột đều chịu một lực đẩy 1A cộng một lực hút 1B. Như vậy, trong thực tế, phải chịu lực gió gần "gấp 2 lần sơ đồ tính toán trong thiết kế".

Bảng minh họa lúc gió tác động.

Trong thiết kế, nếu trường hợp có 2 hoặc 3 nhịp… tương ứng với có 3 hàng cột, 4 hàng cột… Giả sử là 3 nhịp và 4 hàng cột, thì 4 hàng cột này chỉ phải chịu lực đẩy 1A cộng lực hút là 1B. Như vậy có nghĩa mỗi một cột chỉ chịu gần như "lực đẩy A/4 + lực hút là B/4" . Nhưng trong khi thực tế, mỗi cột phải chịu lực đẩy A + lực hút B. Do đó, công trình này nếu có 1 nhịp thì khi lực gió lên tăng gần gấp 2 so với tính toán trong thiết kế, nhưng nếu công trình này là 3 nhịp 4 hàng cột thì lực tăng gần gấp 4 lần.

Nói cách khác, sơ đồ tính trong sử dụng (thiết kế) khác với sơ đồ tính trong biện pháp thi công, trong biện pháp thi công nó tăng lên gần gấp 2-4 lần và công trình có thể sập từ đây.

Như vậy, không nên xây quá 50-70% chiều cao bức tường, rồi ngừng lại để làm xong hệ kèo - giằng đứng - giằng ngang - lợp xong mái, mới xây 30-50% còn lại của bức tường.

PV: Những kinh nghiệm này có được đơn vị thiết kế trao đổi cụ thể về biện pháp thi công hay khuyến nghị đơn vị thi công trong bản vẽ thiết kế không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đực: Hiện nay bản vẽ thiết kế không đi sâu vào câu chuyện này. Nhưng, là người thiết kế chuyên nghiệp và có kinh nghiệm, phải có ghi chú rõ ràng và hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, nếu không có kinh nghiệm về nhà xưởng nhà kho, đơn vị thi công cũng như giám sát phải bàn lại với thiết kế.

Với những trường hợp đáng tiếc xảy ra thời gian gần đây, tôi cho rằng đã không có sự phối hợp giữa thiết kế, thi công và giám sát. Người thiết kế thì quên ghi chú sơ đồ của mình và cảnh báo đơn vị thi công, còn người thi công thì cứ làm theo tiến độ, bất chấp sơ đồ thiết kế là gì, còn người giám sát cũng không hiểu sơ đồ thiết kế khác với sơ đồ thi công thế nào và cũng không hỏi lại đơn vị thi công, đơn vị thiết kế xem hai sơ đồ có phù hợp với nhau không. Như vậy là lỗi của cả 3.

PV: Vậy, vai trò, trách nhiệm quản lý của Nhà nước ở đây là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đực: Không thể ép Nhà nước quản lý tất cả mọi việc. Qua những bài học này, Nhà nước nên quy định đơn vị thiết kế theo sơ đồ nào thì phải ghi chú rõ ra sơ đồ tính trên bản vẽ thi công, để đơn vị thi công biết mà dự phòng, phải có quy định: "Thiết kế phải có sơ đồ tính trong bản vẽ thi công, yêu cầu đơn vị thi công tuân thủ đúng sơ đồ tính". Khi đó, đơn vị thi công làm được hay không phải có biện pháp hoặc phản hồi lại, có sự phối hợp giữa hai bên.

PV: Trong trường hợp là nhà thiết kế cho công trình dạng này, ông sẽ khuyến nghị đơn vị thi công như thế nào và bằng cách nào?

Ông Nguyễn Văn Đực: Khi tôi làm thiết kế cho một công trình có tường bao cao và dài, tôi sẽ chi chú trong bản vẽ thiết kế: “Không được xây 100% bức tường khi chưa lợp kèo, giằng dọc, giằng ngang, chỉ được xây không quá 50-70% chiều cao bức tường”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga (thực hiện)

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-hoc-trong-quan-ly-xay-dung-tu-nhung-vu-sap-tuong-280818.html