Bài học từ điện ảnh Hàn Quốc

Trong bối cảnh u ám của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra, khúc khải hoàn của bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) với 4 tượng vàng Oscar danh giá nhất, giống như ánh mặt trời lóe sáng, xua tan những nghi ngại về một châu Á chỉ biết cam chịu, oằn mình chống chọi với những con virus. Parasite của đạo diễn Bong Joon-ho khiến cả thế giới phải trầm trồ rằng đã chấm dứt kỷ nguyên vàng của điện ảnh Hollywood, và sự sáng tạo giờ đây đã lệch về phương Đông.

Nhìn lại, chiến thắng của đạo diễn Bong Joon-ho không phải là chiến thắng ngẫu nhiên xét trong bối cảnh điện ảnh xứ Hàn 20 năm qua có mặt trên thị trường điện ảnh thế giới và tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế có tiếng nhất. Điểm quy chiếu là phim Oldboy của đạo diễn Park Chan-wook đã giành Grand Prix tại LHP Cannes những năm đầu thế kỷ 21; tiếp sau phim Pieta của đạo diễn Kim Ki Duk đoạt giải Sư tử vàng LHP Venice. Từ các bệ phóng này, điện ảnh Hàn Quốc từng bước gia tăng sự hiện diện và chiếm dần từng cm² thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

Năm 2018, Hàn Quốc đã “thặng dư mậu dịch” khi xuất khẩu phim chiếu rạp đạt con số 41,6 triệu USD. Ngay lập tức, các ông lớn Netflix và Amazon liền lao tới xứ Hàn mời chào làm phim, bao tiêu cả gói các phim từ dài đến ngắn, từ phim lẻ đến phim bộ. Cùng với điện thoại di động, ti vi, xe hơi…, giờ nói tới Hàn Quốc là phải nói tới K-pop và điện ảnh, giống như tấm card visit về một đất nước sáng tạo, ở đỉnh của cách mạng 4.0.

Vì sao Hàn Quốc có bước tiến thần kỳ như vậy trong sáng tạo nghệ thuật? Thứ nhất, không thể không nói tới vai trò của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) trong việc quảng bá, giới thiệu phim, bán bản quyền phim tại các hội chợ phim quốc tế. KOFIC còn tổ chức các LHP trong nước như Jeonju và Pusan, làm vai trò bà đỡ cho các ý tưởng sáng tạo độc đáo. Để bảo vệ và thúc đẩy công nghiệp điện ảnh nội địa, cũng như nhiều nước, từ sau khi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt vào năm 1997, Hàn Quốc cũng áp dụng chế độ hạn ngạch với phim ngoại nhập, như bắt buộc các rạp chiếu phim phải chiếu phim nội ít nhất 73 ngày trong năm. Thống kê cho thấy hệ thống “quota” này hoạt động có hiệu quả: năm 2019, trong 50 phim chiếu rạp có doanh thu cao nhất, có tới 30 phim Hàn chễm chệ trong danh sách. Đứng đầu bảng là phim Extreme Job của đạo diễn Lee Byeong-heon, một bộ phim hài hành động với doanh thu 117 triệu USD (kinh phí làm phim chưa tới 10 triệu USD), xếp sau mới tới các bộ phim bom tấn của Hollywood là Avengers: Hồi kết và Nữ hoàng băng giá 2. Bộ phim Parasite đứng thứ 5 với doanh thu nội địa 72 triệu USD. Điều đáng chú ý nữa, để khuyến khích sự tiếp cận của khán giả đối với dòng phim độc lập, Chính phủ Hàn Quốc còn phạt nặng các hãng phát hành nếu có “hành vi độc quyền” khi tổ chức các suất chiếu chiếm hơn 50% thị phần rạp chiếu.

Thứ hai, bảo hộ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng phim với một chuỗi cung ứng cho giá trị gia tăng, từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến hậu kỳ quảng bá và phát hành. Đối với Parasite, từ ý tưởng ban đầu về một “tuyên ngôn chống chủ nghĩa tư bản” với sự phân hóa giàu nghèo, với sự hủy hoại của đồng tiền cả với người có tiền và không có tiền, đạo diễn Bong Joon-ho đã cắt cử một đồng nghiệp trẻ “3 cùng” sống và trải nghiệm 3 tháng tại các khu ổ chuột và khu nhà giàu, thực hiện các cuộc phỏng vấn với các giai tầng để thu thập chất liệu sống cho khâu kịch bản, làm nổi bật tâm lý các nhân vật sẽ xuất hiện trong phim. Bởi vậy, khi xem phim, ta có cảm giác như bỗng lọt vào một cái tủ đầy bụi có một cánh cửa bí ẩn. Và nơi đó hóa ra là một chỗ trú ẩn lý tưởng, khiến ta không phải xây dựng kế hoạch cho cuộc đời, không phải ngồi trước cái tivi màn hình rộng, không phải hí hoáy lướt phây như đã lập trình trong cuộc sống nhàm chán. Thật sự là đời thi thoảng có những giấc mơ đẹp, mà một trong số đó chính là Parasite.

Thứ ba, xã hội Hàn Quốc có cái nhìn bao dung, không khắt khe, kỳ thị với những sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Họ không có cái hội đồng phim hở ra là phán chung chung, rằng phim này, phim kia “nhạy cảm” và “không hợp với thuần phong mỹ tục”.

Một đạo diễn khi xem Parasite tại LHP Cannes vào năm 2019 đã kể lại rằng phim tác động đến não, đến trái tim và cả dạ dày người xem. Có lúc không chịu nổi anh muốn ra khỏi rạp nhưng không thể ra nổi vì ám ảnh bởi Parasite. Cuối buổi chiếu, trong tiếng vỗ tay không dứt, đạo diễn Bong Joon-ho cầm micro và chỉ nói: “Các bạn hãy về nhà đi. Tôi rất mệt”.

…Và cũng có ngày một đạo diễn Việt thấy mệt mỏi như vậy. Còn sống là còn hy vọng…

BÍCH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bai-hoc-tu-dien-anh-han-quoc-645756.html