Bài học từ sự tiến bộ của V-League

Bóng đá Việt Nam vừa nhận một vinh dự bất ngờ khi V-League được Liên đoàn Bóng đá châu Á trao tặng giải vàng của hạng mục 'Giải đấu phát triển nhất châu Á 2018'.

Tất nhiên, hạng mục này dành cho các giải vô địch quốc gia nằm trong dạng “kém phát triển” đã có những tiến bộ trong năm qua. Nói cách khác, V-League vẫn chưa được xếp cùng hàng với Giải ngoại hạng Thái Lan, chưa nói đến những K-League, J-League quá nổi tiếng.

Việc được ghi nhận về sự tiến bộ cũng đã giúp cho những nhà điều hành bóng đá Việt Nam có thêm động lực. Nói như vậy là bởi trên thực tế, quá trình tổ chức giải đấu số 1 quốc gia hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề. Ví dụ như khâu trọng tài vẫn chưa thay đổi lớn theo hướng tích cực. Phần cuối giải vẫn phải thuê trọng tài ngoại thổi các trận đấu nhạy cảm. Chất lượng các trận đấu không đồng đều. Số khán giả đến sân tăng ở con số tổng, nhưng giảm mạnh ở nhiều CLB, cho thấy bóng đá nội chưa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Các công tác về truyền thông, tài chính hầu như dậm chân tại chỗ. Nguồn thu từ truyền hình vẫn là dấu hỏi…

Nhưng tại sao V-League vẫn được xem là tiến bộ trong con mắt của những nhà điều hành bóng đá châu Á? Có hay không mâu thuẫn so với những nhìn nhận từ trong nước? Có lẽ dưới góc nhìn khách quan từ bên ngoài, V-League đã có những chuyển biến mang tính căn bản.

Đầu tiên đó là sự ổn định của thị trường chuyển nhượng. Không còn cảnh “lạm phát” giá trị cầu thủ, cũng không còn việc ồ ạt mua sắm ngoại binh như cách đây một thập niên. 2/3 đội bóng ở V-League hiện nay đang sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Kế đến, đó là hệ thống đào tạo dài hạn do chính các CLB đầu tư đã có những kết quả tốt mà bằng chứng là sự trẻ hóa gần như triệt để của đội tuyển quốc gia.

Một số đội bóng như Hà Nội hay HA.GL làm công tác truyền thông khá tốt, thu hút lượng khán giả trên khắp cả nước, cũng là những nét thay đổi mang tính căn bản trong việc phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Cuối cùng, ở góc độ chuyên môn, các đội bóng được đầu tư tốt thì có thành tích cao, ngược lại, những đội hoạt động theo kiểu “nửa tư nhân - nửa bao cấp” như Cần Thơ thì phải xuống hạng. Điều này tạo sự ổn định về chất lượng của giải đấu, giúp các nhà đầu tư yên tâm khi “bỏ vốn” làm bóng đá.

Nhìn chung, nếu so với giai đoạn cách đây 10 năm từng lọt vào tốp 50 giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới thì hiện nay V-League không “hoành tráng” bằng nhưng lại phát triển ổn định và mang tính nền tảng hơn. Câu hỏi đặt ra: Với sự tiến bộ ấy của V-League thì bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì và liệu V-League có thể tác động đến những môn thể thao khác không?

Hiện nay, bóng đá là môn có được sự kế thừa mang tính dài hạn nhất so với nhiều môn khác tại Việt Nam. Hiện các lứa tuổi từ U.16 trở lên của VFF đều đạt được trình độ tiệm cận tốp 10 châu Á, đó là nhờ hệ thống thi đấu đầy đủ ở mọi lựa tuổi, tạo điều kiện cho các CLB yên tâm đầu tư công tác đào tạo. Trong khi lứa cầu thủ tài năng trong tay HLV Park Hang-seo hiện nay có thể thi đấu cho đội tuyển quốc gia khoảng 5-7 năm nữa thì ở phía sau, đã có sẵn các đội U.19, U.22 tiếp nối, tránh tình trạng phải dùng một nhóm cầu thủ đá ở nhiều vai trò khác nhau như trước đây.

Trong khi đó, nhiều môn thể thao từng được xem là thế mạnh của Việt Nam hiện hụt hẫng tuyến kế thừa, chủ yếu là do không có giải vô địch quốc gia mạnh. Nếu như bóng đá thi đấu suốt năm, xe đạp tổ chức gần chục giải quốc gia, quốc tế thì các môn khác chỉ thi đấu mỗi năm không quá 1 tháng. Tập nhiều, đấu ít thì thu nhập VĐV không tăng, công tác đào tạo lệ thuộc vào ngân sách nhà nước ít ỏi, lãng phí cơ sở vật chất…

Qua những ghi nhận mà Liên đoàn Bóng đá châu Á dành cho V-League, những người làm thể thao Việt Nam, đặc biệt là giới hữu trách của Tổng cục Thể dục thể thao cũng có thể tìm ra được một phần đáp án cho bài toán tổ chức thi đấu và phát triển các giải vô địch quốc gia.

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bai-hoc-tu-su-tien-bo-cua-vleague-561048.html