Bài học từ vết xe đổ của tập đoàn Tewoo

Việc tập đoàn Tewoo vỡ nợ đang trở thành một trong những sự kiện đình đám nhất trong hai thập kỷ qua của Trung Quốc.

Việc Tewoo vỡ nợ cho thấy các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc đang bộc lộ nhiều yếu điểm

Sự sụp đổ của Tewoo

Tập đoàn Tewoo có trụ sở tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc thuộc sở hữu và được vận hành bởi chính quyền địa phương sẽ vỡ nợ với khoản thanh toán 300 triệu USD trái phiếu USD đáo hạn ngày 16/12/2019. Trái chủ sẽ có 2 tuần để quyết định liệu có chấp nhận chịu lỗ khoảng 64% hoặc chấp nhận trả chậm với coupon giảm giá hơn rất nhiều với khoản trái phiếu trị giá 1,25 tỷ USD.

Những khó khăn về tài chính của Tewoo bắt đầu lộ diện từ tháng 4 năm nay, khi công ty tìm cách thuyết phục các ngân hàng cho gia hạn nợ và phải bán đồng dưới giá thị trường do khan hiếm tiền mặt. Cũng trong tháng đó, Fitch Ratings hạ 6 bậc xếp hạng tín nhiệm của công ty, với lý do là thanh khoản yếu và tỷ lệ đòn bẩy cao hơn dự báo.

Công ty đã thông báo sẽ không thể trả lãi cho 500 triệu USD trái phiếu, buộc Ngân hàng công thương Trung Quốc phải chuyển 7,875 triệu USD cho các trái chủ do đã phát hành bảo lãnh tín dụng cho số trái phiếu này. Tuy nhiên số 1,6 tỷ USD còn lại sẽ không được chuyển dưới hình thức tương tự.

Trước đó, Tewoo đã đề xuất cho nhà đầu tư 2 phương án lựa chọn: lỗ tới 64% hoặc chấp nhận thanh toán chậm với tỷ lệ chiết khấu lớn đối với số trái phiếu niêm yết bằng USD trị giá 1,25 tỷ USD. Các trái chủ chỉ có hơn 2 tuần để quyết định. Thậm chí, các công ty con của Tewoo đã không thể trả nợ cho địa phương đúng hạn.

Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp nhà nước đưa ra kế hoạch tái cấu trúc nợ như vậy trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này giảm tốc mạnh nhất trong 3 thập kỷ. Judy Kwok-Cheung - Giám đốc nghiên cứu thu nhập cố định của Ngân hàng Singapore cho biết, việc đề xuất tái cơ cấu nợ của Tewoo đang làm tăng sự hoài nghi của các nhà đầu tư xung quanh sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh đã ngày càng dựa vào các doanh nghiệp này để thúc đẩy nền kinh tế. Khi quốc gia này phải đối mặt với nạn thất nghiệp và áp lực để thúc đẩy tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh không có lựa chọn nào tốt hơn là đẩy mạnh sự phát triển các doanh nghiệp nhà nước lớn.

Mặc dù sự kích thích đó đã kết thúc vào đầu những năm 2010, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục đặt các doanh nghiệp nhà nước vào vai trò lãnh đạo quá trình chuyển đổi kinh tế của đất nước. Kể từ năm 2013, các doanh nghiệp nhà nước đã nhận được hơn 60% tất cả các khoản vốn vay mới ở Trung Quốc vào mỗi năm và đạt mức cao nhất là 78 % trong năm 2016.

Chính vì vậy, khu vực doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc đã không ngừng thu hút đầu tư nhờ khả năng tiếp cận nguồn tài trợ từ các ngân hàng và từ các thị trường vốn do các chính sách ưu đãi của chính quyền.

Tuy nhiên, việc thẩm định doanh nghiệp yếu kém cũng dẫn đến hệ quả các công ty hoạt động kém hiệu quả nhất của Trung Quốc cũng nhận được nguồn vốn đầu tư. Chính vì vậy, khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tăng trưởng giảm xuống dưới mức tiềm năng, đồng thời cũng làm gia tăng rủi ro do tỷ lệ nợ rất cao, đặc biệt là sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số vụ vỡ nợ trong các doanh nghiệp nhà nước đang tăng lên rất nhanh.

Bài học cho Trung Quốc?

Mặc dù vậy, việc Tewoo chuẩn bị vỡ nợ bên cạnh dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng cứng rắn hơn trong chuyện giải cứu các doanh nghiệp yếu kém, thì mục tiêu không phải là làm suy yếu vai trò của khu vực nhà nước.

Thay vào đó, họ đang tìm cách củng cố khu vực này thông qua tái cấu trúc để giữ lại những tập đoàn có sức mạnh. Mục tiêu đó được chính quyền Trung Quốc liên tục nhấn mạnh trong năm năm qua khi yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước "mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn". Điều này đã buộc hàng ngàn doanh nghiệp "ma" tại địa phương phá sản và ráo riết tìm cách sáp nhập với các doanh nghiệp nhà nước lớn để củng cố sự thống trị của họ.

Giới quan sát nhận định, Trung Quốc cần tiếp tục thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước nếu muốn làn sóng cải cách kinh tế tiếp theo thành công. Hiện nay khoảng 40% ngành sản xuất của Trung Quốc là thuộc sở hữu của nhà nước, trong khi 70% vốn hóa của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán của Trung Quốc cũng thuộc về doanh nghiệp nhà nước.

Các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thường thiếu khả năng vượt qua các cơn bão cải cách, và họ cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các mối đe dọa khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và một cuộc chiến thương mại kéo dài.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/bai-hoc-tu-vet-xe-do-cua-tap-doan-tewoo-162283.html