Bài học từ vụ sập đường hầm ở Ấn Độ

Vụ sập Đường hầm Silkyara ở miền Bắc Ấn Độ mở ra chiến dịch cứu hộ quy mô lớn nhằm tiếp cận 41 công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại đây sau sự cố xảy ra ngày 12-11 vừa qua. Chính phủ Ấn Độ cũng đang thực hiện các bước nhằm tránh những sự cố tương tự trong tương lai.

Ấn Độ vẫn đang nỗ lực tiếp cận 41 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm sau sự cố ngày 12-11-2023

Rà soát toàn bộ các công trình đường hầm

Cơ quan Đường cao tốc Quốc gia Ấn Độ (NHAI) đã được lệnh kiểm tra tất cả các dự án xây dựng đường hầm trên toàn quốc. “Để đảm bảo an toàn và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất trong quá trình xây dựng, NHAI sẽ thực hiện kiểm tra an toàn đối với tất cả 29 đường hầm đang được xây dựng trên toàn quốc”, thông báo mới đây của cơ quan này cho biết. Được biết, cơ quan chức năng sẽ xem xét 12 đường hầm ở bang Himachal Pradesh thuộc dãy

Himalaya và 6 đường hầm ở khu vực Jammu và Kashmir đang gặp khó khăn. Họ cũng sẽ kiểm tra các dự án ở Uttarakhand, bang phía Bắc Himalaya nơi Đường hầm Silkyara bị sập và các bang khác của Ấn Độ.

Xét về mặt an toàn, rõ ràng có một số khía cạnh trong xây dựng đường hầm ở Ấn Độ cần được cải thiện. Ví dụ, Đường hầm Silkyara dường như không có lối thoát hiểm, điều này đặt ra thách thức cho lực lượng cứu hộ khi phải vật lộn với máy móc bị hỏng và địa hình có thể không ổn định. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, vụ sập hầm này là dấu hiệu của một vấn đề rắc rối lớn hơn khi các công trình xây dựng ở dãy Himalaya có quy hoạch kém, dẫn đến tần suất và cường độ của các sự cố, thậm chí thảm kịch tăng lên. Bang Uttarakhand thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lở đất, động đất và lũ lụt. Một số chuyên gia và người dân đã cảnh báo rằng, những ngọn núi ở đó không ổn định về mặt địa chất.

Vụ sập hầm khiến hơn 40 công nhân Ấn Độ bị mắc kẹt ở dãy Himalaya cho thấy sự cần thiết phải đảm bảo yếu tố an toàn trong xây dựng nhưng cũng báo hiệu cần phải tôn trọng hơn đối với môi trường mong manh của khu vực.

Lo ngại sự cố nếu vấn đề môi trường không được quan tâm

Đường hầm Silkyara dài 4,5km nằm trên tuyến đường hành hương Char Dham, hiện là một trong những dự án đầy tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Dự án nhằm mục đích liên kết 4 địa điểm quan trọng của đạo Hindu ở miền Bắc Ấn Độ gồm Gangotri, Yamunotri, Badrinath và Kedarnath bằng con đường 2 làn, dài 890km, chi phí dự tính 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà môi trường và giới chuyên gia cho rằng, các dự án phát triển tràn lan tại khu vực này đã khiến hệ sinh thái địa phương càng dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu. Hậu quả của nhiều năm xây dựng không kiểm soát, phát triển thủy điện và thiếu hệ thống thoát nước phù hợp đã khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn. Chỉ riêng trong năm nay, khu vực Himalaya đã trải qua một số thảm họa như vụ chìm thị trấn Joshimath ở Uttarakhand; lũ lụt và lở đất ở Himachal Pradesh; vụ dâng ngập hồ băng ở Sikkim vào tháng 10-2023 và vụ sập đường hầm tháng 11-2023.

Nhà môi trường học Shekhar Pathak cho rằng, đường hầm Silkyara được khởi công trước khi thực hiện khảo sát địa chất kỹ lưỡng. Theo ông Pathak, người ta không nhớ bài học cảnh báo về trận lũ lụt năm 2021 ở thung lũng Rishi Ganga và Dhauli, cướp đi sinh mạng của hơn 200 người, bao gồm cả nhiều người bị mắc kẹt bên trong đường hầm của Nhà máy thủy điện Tapovan Vishnugad. Ông Pathak, đồng thời là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội nhân dân nghiên cứu khu vực Himalaya, cho biết các biện pháp an toàn tiên tiến cho đường hầm ngay từ đầu đã thiếu, việc thực hiện sơ tán khẩn cấp đã không được tính toán kỹ lưỡng.

Cùng với đó, ông Sunita Narain, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Môi trường ở Thủ đô Ấn Độ, cảnh báo rằng biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng như mưa trái mùa và cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn. Nhiều nghiên cứu khác nhau đã phát hiện ra rằng, các sông băng ở dãy Himalaya đang tan chảy đáng kể, có khả năng làm tăng nguy cơ lũ lụt và lở đất. Năm 2019, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã chỉ định một ủy ban cấp cao để đánh giá thiệt hại tiềm tàng về môi trường và xã hội của dự án và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động. Nhà môi trường kỳ cựu Ravi Chopra được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban nhưng đã từ chức vào năm 2022, cho rằng các khuyến nghị của họ chưa được thực hiện.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quy trình đánh giá tác động môi trường bắt buộc đối với các dự án dài hơn 100km đã bị bỏ qua. Thực tế, cả công trình được chia thành 53 dự án nhỏ, đó là lý do tại sao nó có thể được tiến hành chỉ sau một đợt đánh giá môi trường mang tính hình thức. Ông RaviChopra nhấn mạnh, sẽ còn nhiều sự cố hơn như sập đường hầm chừng nào vấn đề môi trường bị gạt sang một bên. Phát triển bền vững đòi hỏi những cách tiếp cận phù hợp cả về mặt địa chất và sinh thái.

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-hoc-tu-vu-sap-duong-ham-o-an-do-post559397.antd