Bài học về mất cân bằng giới tính khi sinh

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) vẫn là nỗi ám ảnh của các quốc gia đông dân trên thế giới, kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng trật tự cấu trúc xã hội. Chính phủ các nước này phải vào cuộc điều chỉnh các chiến lược dân số, với nhiều giải pháp hao tiền tốn của và thời gian, công sức. Đó cũng chính là bài học kinh nghiệm để nước ta chủ động phòng tránh MCBGTKS trong bối cảnh hiện nay.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tự nhiên về giới tính khi sinh của con người là 100 bé trai/100 bé gái. Nếu số bé trai quá ngưỡng 105 sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong tương lai. Do định kiến trọng nam khinh nữ và chính sách một con kéo dài hơn 3 thập kỷ, đất nước đông dân nhất thế giới đang gánh chịu hậu quả của tình trạng MCBGTKS. Thông tin từ Tạp chí Dân số và phát triển, tình trạng MCBGTKS của Trung Quốc ở mức khá cao, mặc dù quốc gia này triển khai nhiều giải pháp tổng thể mạnh mẽ về chính trị, pháp luật, kinh tế - xã hội. Năm 1990, tỷ số giới tính khi sinh ở Trung Quốc là 111 bé trai/100 bé gái, đến nay, tỷ lệ này đã vượt trên 120 bé trai/100 bé gái. Mặc dù việc chọn lựa giới tính thai nhi bị nghiêm cấm, nhưng nhiều gia đình ở Trung Quốc vẫn “khát” con trai và bất chấp rủi ro, đặc biệt ở vùng nông thôn.

MCBGTKS gây nhiều hệ lụy kéo dài cho đất nước. Ảnh minh họa: Nhóm trẻ ở một trường mầm non.

MCBGTKS gây nhiều hệ lụy kéo dài cho đất nước. Ảnh minh họa: Nhóm trẻ ở một trường mầm non.

Ấn Ðộ cũng là quốc qua đối mặt với tình trạng MCBGTKS. Theo truyền thống Ấn Độ, mỗi gia đình phải có ít nhất một con trai. Ấn Độ còn có tập tục con gái muốn lập gia đình phải có của hồi môn cho nhà chồng - đây cũng chính là một trong những lý do khiến phụ nữ phá thai. Ở Ấn Ðộ, phá thai là hợp pháp nên không chỉ phụ nữ thuộc tầng lớp nghèo mà phụ nữ ở vùng thành thị giàu có hơn cũng liên tục phá thai để cố sinh con trai. Kết quả từ cuộc điều tra dân số mới nhất của Ấn Độ cho thấy, tỷ lệ trẻ em nữ so với trẻ em nam đã xuống thấp kỷ lục kể từ khi nước này độc lập vào năm 1947, đó là 914 trẻ em nữ so với 1.000 trẻ em nam ở độ từ 0 - 6 tuổi.

Trước thực trạng nhức nhối trên, các nước đã thực thi nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu hệ lụy đến cấu trúc dân số cũng như trật tự xã hội. Từ đầu thập niên 1990 đến nay, chính quyền Trung Quốc nỗ lực thực hiện nhiều chương trình làm giảm tình trạng MCBGTKS và áp dụng các biện pháp cứng rắn để kiểm soát, nghiêm cấm các hình thức phá thai lựa chọn giới tính. Những trường hợp siêu âm xác định giới tính thai nhi, người hành nghề bị phạt tiền, tịch thu phương tiện và rút giấy phép hành nghề. Người vi phạm là viên chức nhà nước sẽ bị cách chức, vi phạm quá 3 lần bị khởi tố hình sự. Trung Quốc ban hành những chính sách ưu tiên cho nữ giới như miễn học phí cho trẻ em gái, có chế độ hỗ trợ cho những cặp vợ chồng về già mà chỉ có con gái, tăng tiêu chuẩn nhà… Trung Quốc cũng cải cách và tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em gái. Chiến dịch “Chăm sóc trẻ em gái’’ được áp dụng đảm bảo sự bình đẳng nam nữ. Bên cạnh đó, Trung Quốc gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với hiệu quả của chính sách dân số cũng như tình trạng MCBGTKS.

Mặc dù có các biện pháp rất tích cực và liên tục trong hơn 20 năm qua, nhưng do định kiến coi trọng con trai nên hiện nay thực trạng MCBGTKS ở Trung Quốc vẫn chưa được đẩy lùi. Ở một số tỉnh, tỷ lệ MCBGTKS lên tới 140/100. Theo các nguồn dữ liệu khác nhau, hiện nay có khoảng 30 - 40 triệu nam giới Trung Quốc đến tuổi trưởng thành nhưng khó có cơ hội tìm được cô dâu...

So với Trung Quốc, Ấn Độ cũng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp can thiệp về MCBGTKS. Năm 2003, Ấn Độ ban hành luật để nghiêm cấm việc chẩn đoán giới tính thai nhi. Hai năm sau, trường hợp bác sĩ đầu tiên của Ấn Độ bị tuyên án 2 năm tù và bị phạt 120 đô la Mỹ vì vi phạm luật. Bên cạnh đó, Ấn Độ chú trọng các chiến dịch tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục cho các nhóm đối tượng đích. Mặt khác, tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam - nữ. Ngoài các biện pháp kỹ thuật, Ấn Độ còn có các chính sách xã hội nhằm nâng cao địa vị phụ nữ, như ở một số vùng trẻ em gái đi học được miễn phí, mỗi trẻ em gái sinh ra được 1 khoản tiền tiết kiệm.

Ở Việt Nam, vấn đề MCBGTKS diễn ra muộn, từ năm 1999, nhưng tốc độ gia tăng nhanh, trở thành thách thức lớn trong công tác dân số. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các nước về vấn đề này, thời gian qua, nước ta đã có nhiều biện pháp nhằm giảm tình trạng MCBGTKS. Đó là điều chỉnh, thông qua các chính sách dân số phù hợp với tình hình mới của đất nước; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cùng với ngành chức năng, vào cuộc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng về vấn đề MCBGTKS.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bai-hoc-ve-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-a115342.html