Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

56 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của quân viễn chinh Pháp. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh một chân lý thời đại: Một dân tộc dù nhỏ, nếu quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại bất cứ cuộc chiến tranh xâm lược nào. Đó là đường lối kháng chiến kiến quốc đã khơi dậy và phát huy sức mạnh của "thế trận lòng dân".

Về tính chất cuộc kháng chiến, Đảng ta khẳng định: Đây là cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, chiến tranh chính nghĩa, có tính chất toàn dân, toàn diện, lâu dài. Trung ương Đảng chủ trương liên hiệp với dân tộc Pháp, chống phản động, thực dân Pháp, đoàn kết với Miên, Lào và các dân tộc yêu chuộng tự do, công lý và hòa bình. Phương châm kháng chiến: Tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện “kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính”.

Trong đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, điều cốt lõi nhất và cơ bản nhất là chiến lược toàn dân kháng chiến. Đảng tổ chức cả nước thành một mặt trận, tạo nên thế trận cả nước đánh giặc, phát huy sức mạnh của toàn dân và khối đoàn kết toàn dân tộc tham gia kháng chiến với những biện pháp đa dạng, phong phú, phù hợp. Từ đó làm cho quần chúng nhân dân trên khắp cả nước xác định trách nhiệm và quyết tâm đứng lên cứu nước.

Dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm ra Mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Đường lối kháng chiến của Đảng là sự kế thừa và nâng lên tầm cao mới tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc; là sự vận dụng lý luận chiến tranh cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm nước ngoài vào điều kiện Việt Nam. Đường lối đó là ngọn cờ dẫn dắt và là động lực chính trị, tinh thần đưa quân, dân ta tiến lên chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp xâm lược. Với đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ngày càng phát triển, giành thắng lợi vẻ vang.

Sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường, Nhà nước dân chủ nhân dân ngày càng vững mạnh, Mặt trận Việt Minh, Liên Việt và các đoàn thể cách mạng đã tập hợp rộng rãi khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, trên mặt trận quân sự, Quân đội và nhân dân Việt Nam lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh lớn của thực dân Pháp, tiêu biểu là Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra giai đoạn mới cho lịch sử dân tộc, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hướng đến mục tiêu độc lập, thống nhất đất nước.

Chuẩn bị toàn diện ở tiền tuyến và hậu phương

Thực hiện quyết tâm: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”, công tác dân vận được tổ chức chặt chẽ nhằm huy động tối đa các nguồn lực phục vụ Mặt trận Điện Biên Phủ. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được huy động ở mức cao nhất.

Quân và dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả Ngạn, đến Bình Trị-Thiên, Liên khu 5, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn-Gia Định, Nam Bộ... đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán chủ lực. Các lực lượng thanh niên, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi đến đồng bằng tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh chính trị, phá tề, trừ gian. Đây là những hoạt động phối hợp kịp thời của cả nước, tác động tích cực tới chiến trường Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới đường giao thông chiến lược hầu như chưa có; miền Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển. Vì thế, bảo đảm hậu cần, y tế, kỹ thuật cho chiến dịch lớn, dài ngày gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược. Khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” được nhân dân hưởng ứng cả ở vùng tự do cũng như ở nhiều vùng tạm bị chiếm.

Các đoàn dân công lên đường với tinh thần hăng hái, phấn khởi được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả với niềm tin nhất định thắng lợi. Nhờ đó, trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260.000 dân công (với hơn 14 triệu ngày công), hơn 25.000 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Bộ đội và dân công đã sử dụng gần 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên cung đường dài hàng nghìn ki-lô-mét. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên Phủ là điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử, trở thành nhân tố quan trọng bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng.

Cùng với việc tích cực chuẩn bị cho chiến trường chính, ở hậu phương, trong lĩnh vực kinh tế tại vùng mới giải phóng, Đảng ta tiến hành chủ trương triệt để giảm tô, thực hiện cải cách ruộng đất. Từ tháng 4-1953 đến 7-1954, Đảng đã lãnh đạo tiến hành 5 đợt giảm tô và một đợt cải cách ruộng đất. Chủ trương kịp thời đó đã động viên được các tầng lớp nhân dân ở vùng tự do, vùng mới giải phóng và sau lưng địch, thậm chí cả cán bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực dồn sức người, sức của bảo đảm sự toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp cũng như trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng và Chính phủ đã thành công trong việc vận động nhiều địa chủ, tư sản dân tộc cùng con em, gia đình họ tham gia kháng chiến. Điều này là một minh chứng khẳng định rõ, muốn bảo đảm và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc thì phải khơi dậy, phát huy những lợi ích chính đáng của từng cá nhân, từng tầng lớp, từng giai cấp để tạo ra khối đoàn kết thật vững chắc, sự đồng thuận của tuyệt đại đa số nhân dân.

Mở rộng và tăng cường sức mạnh Mặt trận Dân tộc thống nhất

Để phát huy sức mạnh tổng hợp, Đảng ta chủ trương kháng chiến toàn dân, toàn diện, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tiến công địch trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Về chính trị, phải đoàn kết toàn dân chống Pháp xâm lược, thống nhất toàn dân, làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất ngày càng vững chắc và rộng rãi.

Xây dựng bộ máy kháng chiến vững mạnh, thống nhất quân-dân-chính trong toàn quốc, phát triển các đoàn thể cứu quốc, củng cố bộ máy lãnh đạo kháng chiến toàn dân. Phải cô lập kẻ thù, tranh thủ thêm nhiều bạn, làm cho nhân dân Pháp và nhân dân các thuộc địa Pháp tích cực ủng hộ ta, chống lại thực dân phản động Pháp. Coi trọng xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước và Mặt trận Dân tộc thống nhất vững mạnh.

Ngày 3-3-1951, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt đã động viên sức mạnh toàn dân, toàn quân tập trung sức người, sức của đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Mặt trận Liên Việt là vũ khí chính trị không thể thiếu, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện hiện nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc...”. Thực tiễn thành tựu của đất nước qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo là minh chứng sinh động về xây dựng “thế trận lòng dân”.

Qua đó đã khơi dậy, quy tụ được lòng yêu nước, ý chí quyết tâm cao của toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới, tinh thần của Điện Biên Phủ anh hùng 70 năm trước giờ đây vẫn hiện hữu. Trong đó, việc phát huy tinh thần đại đoàn kết, “thế trận lòng dân” trong đẩy lùi dịch bệnh, phòng, chống thiên tai, chung sức, đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn... tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trước hết cần phải phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Trong quá trình đó, MTTQ Việt Nam đóng vai trò nòng cốt tập hợp, vận động thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, tôn giáo, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hành dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội; phát động và triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, MTTQ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, như: Thực hiện Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các tỉnh Tây Bắc; tổ chức các hoạt động tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ... Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và nhân dân trong cả nước.

Qua đó, tạo được sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, làm cơ sở củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bai-hoc-ve-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-dan-toc-5007383.html