Bài tập cho người suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng hệ thống tĩnh mạch ngoại biên bị giãn rộng, khiến cho việc lưu thông máu bị rối loạn, ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch cục bộ. Việc luyện tập phù hợp đóng vai trò quan trọng trực tiếp hoặc gián tiếp giúp giảm nhẹ các triệu chứng và kiểm soát tình trạng bệnh.

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh suy giãn tĩnh mạch

Điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch là một quá trình lâu dài với sự kết hợp của nhiều hình thức bao gồm từ việc thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt lao động, luyện tập, dược phẩm, vật lý trị liệu, mang vớ y khoa chống suy giãn tĩnh mạch và các phương tiện hỗ trợ điều trị khác.

Nội dung

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh suy giãn tĩnh mạch

2. Những bài tập phù hợp cho người suy giãn tĩnh mạch

3. Những lưu ý khi tập luyện

Việc luyện tập phù hợp đóng vai trò quan trọng trực tiếp hoặc gián tiếp giúp giảm nhẹ các triệu chứng và kiểm soát tình trạng bệnh:

- Máu tĩnh mạch trở về tim là nhờ sự co bóp của thành mạch và có liên quan mật thiết với sự vận cơ. Tập luyện giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp, tăng cường khả năng co bóp của cơ tạo sức ép lên thành mạch, nhờ đó tăng cường lưu thông máu trong lòng mạch, hạn chế ứ trệ tuần hoàn gây giãn mạch.

- Tập luyện đều đặn giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm nhẹ tải trọng cơ thể lên hai chân, giảm áp lực máu tĩnh mạch hồi lưu về tim.

- Tập luyện cũng góp phần tăng cường sức đề kháng, giảm mỡ máu, chống xơ vữa mạch, cải thiện năng lực hoạt động của các cơ quan và nâng cao thể lực chung của cơ thể. Thay đổi lối sống tĩnh tại, xây dựng và duy trì thói quen tập luyện đều đặn, thường xuyên góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm bớt áp lực cuộc sống, công việc, xua tan mệt mỏi, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào, người bị suy giãn tĩnh mạch nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để lựa chọn chương trình tập luyện phù hợp và an toàn cho tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi người.

Bơi là loại hình vận động tốt cho người suy giãn tĩnh mạch.

2. Những bài tập phù hợp cho người suy giãn tĩnh mạch

- Đi bộ là loại hình vận động đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với hầu hết các lứa tuổi nên được nhiều người yêu thích tập luyện. Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn suy giãn tĩnh mạch chi dưới có nên tập đi bộ không. Thực tế cho thấy với bài tập đi bộ trong thời gian khoảng 30 phút, có thể cải thiện các triệu chứng ở người bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Đối với những người suy tĩnh mạch có dấu hiệu "đi cách hồi" hoặc đau, tê khi đi bộ dài sẽ phải bắt đầu tập với quãng đường và thời gian dưới ngưỡng đau, sau đó tăng dần khi tình trạng bệnh cải thiện. Người bệnh nên mang vớ chống suy giãn tĩnh mạch nếu thấy đau bắp chân khi tập.

- Đạp xe đạp, bơi là hai loại hình vận động phù hợp hơn với những người suy giãn tĩnh mạch bị đau khi tập đi bộ, những người có các bệnh lý khác như thoát vị đĩa đệm, đau do thoái hóa khớp gối, người thừa cân, béo phì không phù hợp với tập đi bộ. Đây là hai loại hình vận động giúp làm giảm áp lực cho đôi chân trong khi cơ khớp vận động đều đặn, đồng thời nhờ áp lực của nước khi bơi tác động lên da cơ tạo điều kiện thuận lợi cho máu tĩnh mạch lưu thông dễ dàng hơn.

- Các bài tập ở tư thế nằm:

+ Gấp - duỗi cổ - bàn - ngón chân: Nằm ngửa, duỗi thẳng hai chân thực hiện động tác gấp cổ - bàn - ngón chân hướng về phía đầu, duy trì tư thế khoảng 20 - 30 giây, nghỉ thả lỏng khoảng 2 - 3 giây. Sau đó duỗi cổ - bàn ngón chân, duy trì 20 - 30 giây rồi thả lỏng 2 - 3 giây. Tiếp tục lặp lại toàn bộ các động tác 5 - 10 lần tùy thuộc mỗi người.

Bài tập nâng cao: Luân phiên nâng từng chân cách mặt giường 30 - 60 độ, duy trì tư thế đó và thực hiện các động tác gấp - duỗi cổ - bàn - ngón chân tương tự như trên.

+ Xoay cổ chân: Xoay cổ chân từ trái qua phải (thuận chiều kim đồng hồ) 5 -10 lần, sau đó xoay ngược lại.

+ Nâng hạ hai chân, bắt chéo chân: Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, nâng hạ hai chân luân phiên theo chiều thẳng cách mặt giường khoảng 30 - 60 độ. Cũng tư thế đó tiến hành bắt chéo chân nọ qua chân kia và đổi bên. Tốc độ vừa phải, thực hiện 20 lần mỗi động tác.

+ Đạp xe đạp ngược: Nằm ngửa, nâng hai chân lên và tiến hành thực hiện động tác như khi đạp xe đạp ở các góc độ 30 - 60 độ so với mặt giường. Thực hiện động tác này 20 lần.

Đạp xe là loại hình vận động giúp làm giảm áp lực cho đôi chân trong khi cơ khớp vận động đều đặn.

- Các bài tập khi ngồi trên ghế:

+ Nâng đùi: Ngồi thẳng lưng trên ghế, hai gối gấp vuông góc, hai bàn chân đặt nằm trên sàn. Thực hiện nâng hai đùi, bàn chân nhấc khỏi mặt sàn lần lượt từng chân, luân phiên hai chân đồng thời cả hai bên, mỗi động tác 10 lần.

+ Nhón chân: Vẫn tư thế ngồi như trên, thực hiện luân phiên giữa việc nhón chân trái, chân phải 10 lần. Tiếp theo nhón cả hai chân cùng lúc thêm 10 lần nữa.

+ Gấp duỗi cổ bàn ngón chân: Ở tư thế ngồi, thực hiện các động tác gấp duỗi cổ - bàn - ngón chân tương tự như khi nằm.

+ Xoay cổ chân: Thực hiện tương tự các động tác xoay cổ chân như khi nằm.

+ Di chuyển hai chân lên xuống: Ở tư thế ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt song song, bước một chân lên trước để gót chạm đất và mũi của chân sau chạm đất, luân phiên đổi chân. Thực hiện động tác này 20 lần.

+ Nâng chân lên và đạp ra xa: Đầu tiên cần nâng chân lên, gập bàn chân lại, nâng gối và sau đó duỗi thẳng chân, thực hiện luân phiên cho mỗi bên chân 10 lần.

- Các bài tập khi đứng:

+ Dậm chân tại chỗ: Thực hiện động tác này 20 lần.

+ Ngồi xuống và đứng lên nhón chân: Đầu tiên người bệnh đứng với tư thế thẳng lưng, ngồi xuống trong khoảng 3 giây rồi đứng dậy, nhón chân và giữ nguyên tư thế này trong 3 giây, sau đó trở về với tư thế ban đầu, thực hiện động tác này khoảng 20 lần.

+ Đi bằng mũi chân, gót chân: Đi bằng mũi chân (nhón chân) 20 - 30 bước, sau đó chuyển đi bằng gót chân khoảng 20 - 30 bước.

+ Gấp duỗi cổ - bàn ngón chân; xoay cổ chân: Thực hiện các động tác tương tự như khi nằm và ngồi.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Trước khi tập nên được tư vấn của bác sĩ để hiểu rõ tình trạng bệnh của bản thân, lựa chọn bài tập phù hợp và đảm bảo tập đúng cách. Nếu có thể, tốt nhất nên bắt đầu tập dưới sự hướng dẫn và giám sát của chuyên gia vật lý trị liệu. Chọn địa điểm, thời gian tập luyện phù hợp với điều kiện thời tiết, nhiệt độ. Môi trường tập luyện vệ sinh, an toàn.

- Thảm tập, ghế ngồi, trang phục tập luyện phù hợp với mỗi người tập. Đặc biệt chú ý giầy tập phải đúng cỡ chân. Chú ý chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ tập luyện nếu cần thiết. Người suy giãn tĩnh mạch nếu có đau, tê chân được khuyên mang vớ chống suy giãn tĩnh mạch khi tập.

- Thời gian, số lần, tốc độ thực hiện các động tác của mỗi bài tập tùy thuộc khả năng của người bệnh, tránh tập quá sức; không cố gắng tập khi đang có các vấn đề về sức khỏe được khuyến cáo cần nghỉ ngơi.

- Sau khi tập, ngâm chân nước lạnh khoảng 15 - 20 phút là phương pháp hồi phục vừa đơn giản dễ thực hiện vừa hiệu quả. Người bệnh cũng được khuyên nên ngâm chân nước lạnh vào cuối ngày cũng như sau lao động, vận động. Không ngâm nước nóng vì không có bằng chứng khoa học nào cho thấy hiệu quả điều trị bệnh giãn tĩnh mạch của các loại nước lá cây theo các công thức dân gian truyền miệng.

Hiệu quả điều trị chỉ có thể có được khi tập luyện một cách có hệ thống, đúng phương pháp, tuần tự tăng dần, kiên trì, đều đặn, phù hợp với đặc điểm cá thể và tình trạng bệnh của mỗi người.

Người phụ nữ suy giãn tĩnh mạch lầm tưởng mình bị thiếu canxi.

BS. Phạm Quang Thuận

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-suy-gian-tinh-mach-169240325151359102.htm