Bài tham khảo viết thư UPU lần thứ 47 năm 2018 về bất bình đẳng giới

Nếu đến lúc này mà bạn học sinh nào còn chưa có bài dự thi UPU 2018 thì cũng có thể cân nhắc viết theo chủ đề khá thời sự liên quan đến ý nghĩa Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Thời hạn nộp bài 10/3 của cuộc thi viết thư quốc tế UPU 2018 đã sắp đến. Nếu đến lúc này mà bạn học sinh nào còn chưa có bài dự thi thì cũng có thể cân nhắc viết theo chủ đề khá thời sự liên quan đến ý nghĩa Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cụ thể là về tình trạng bất bình đẳng giới. Đây cũng là một đề tài đáng quan tâm và có nhiều nguồn tài liệu.

Năm nay cuộc thi có đề bài là: "Hãy tưởng tượng em là một bức thư có khả năng du hành vượt thời gian, khi đó thông điệp nào em muốn truyền tải tới người đọc". Trong đó có 4 yếu tố cơ bản để một bức thư đoạt giải, đó là: Đảm bảo cấu trúc bài thi như một bức thư, Tôn trọng tuyệt đối chủ đề, Thể hiện sự sáng tạo và khả năng hành văn, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn (xem chỉ dẫn cụ thể ở đây).

Lịch sử và chủ đề UPU lần thứ 47 năm 2018

Một lời khuyên khác là các bạn học sinh nên đọc nhiều các bài mẫu dự thi để tham khảo qua sách báo, qua mạng và từ đó chọn ra cho mình cách viết tốt nhất, thích hợp nhất.

Nếu đến lúc này mà bạn học sinh nào còn chưa có bài dự thi UPU 2018 thì cũng có thể cân nhắc viết theo chủ đề khá thời sự liên quan đến ý nghĩa Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cụ thể là về tình trạng bất bình đẳng giới (ảnh minh họa trên mạng).

Bài tham khảo viết thư UPU lần thứ 47 năm 2018 về bất bình đẳng giới

Xin chào

Tôi trông giống như cuộn da thú nhưng bạn cũng chớ vội ngạc nhiên khi thấy tôi biết nói nhé. Vì thực ra tôi cũng là một mẫu lá thư thông minh có khả năng tự hành xuyên thời gian được sản xuất vào những năm 3.000, chất liệu của tôi hoàn toàn bảo vệ thiên nhiên động vật hoang dã, nhưng tôi phải trông giống một bức thư vào thời cổ xưa để dễ dàng truyền thông điệp hơn.

Thông điệp mà tôi được lập trình để truyền tải là về vấn đề bình đẳng giới. Tôi chắc là bạn cũng đã đọc qua các tài liệu lịch sử và biết rằng vấn đề bất bình đẳng giới trong các thời kỳ cổ xưa trầm trọng như thế nào, vì thế tôi nhất thiết phải can thiệp vào thời kỳ đó.

Khi đến thăm thời kỳ của các bạn, tôi thấy mọi thứ đã có khá hơn. Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng đang được hướng đến bởi Việt Nam và các nước trên thế giới, giờ đây đó là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Theo quan điểm của Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.

Nhiều năm qua, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã nỗ lực để mang lại bình đẳng giới cho con người. Và Việt Nam là một trong số các nước có nhiều thành tựu về thực hiện bình đẳng giới đã được ghi nhận như: xây dựng và ban hành văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Đây là một trong các Mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam phấn đấu đạt tới.

Mặc dù vậy ngay ở đất nước Việt Nam xinh đẹp của các bạn, bên cạnh các thành tựu đạt được về bình đẳng giới, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là tình trạng bất bình đẳng giới còn diễn ra trên một số lĩnh vực, tồn tại dưới một số hình thức khác nhau, ở những vùng miền khác nhau.

Sau khoảng 10 năm các bạn áp dụng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, số liệu thực tiễn cho thấy tình trạng bạo lực gia đình vẫn đang tồn tại, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện vẫn tăng cao trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già.

Trong vòng 5 năm (từ 2011-2015), trung bình mỗi năm xảy ra hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình. Năm 2012 thậm chí xảy ra tới 50.766 vụ bạo lực gia đình, gấp hơn 1,5 lần con số bình quân hàng năm. Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam (2010), 58% phụ nữ từng kết hôn cho biết rằng họ đã từng bị ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần trong cuộc đời.

Ở vùng sâu vùng xa thì phụ nữ dân tộc thiểu số càng là nhóm đối tượng yếu thế. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Sau khi kết hôn, nam giới vẫn được ưu tiên đi học, còn phụ nữ phải ở nhà thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ. Vì thế, nam giới dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết cao hơn nhiều so với nữ giới. Một số dân tộc thiểu số như Mông, Hà Nhì, La Hủ, Lự,… chỉ có khoảng 20-30% phụ nữ biết đọc, viết.

Đáng lo ngại hơn, 40/53 dân tộc thiểu số ở nước ta có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, thậm chí một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn lên tới 50-60%. Trong nhóm tảo hôn, trẻ em gái dưới 16 tuổi kết hôn cao gấp 3, 4 lần trẻ em trai. Nạn tảo hôn tồn tại dai dẳng, phổ biến dẫn đến nhiều hệ lụy.

Trên toàn cầu theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì tình trạng bất bình đẳng trong lao động và thu nhập tại các công ty ở Châu Âu đang tăng mạnh và đó cũng là biểu hiện của bất bình đẳng giới. Ở Châu Âu trung bình phụ nữ thu nhập ít hơn 14,5% so với nam giới, trong khi đó, ở Mỹ khoảng cách này là 22,4%, ở Đức là 21,6%, ở Canada là 27,5%, ở Nhật Bản là 33,4%... và ở các nước Châu Á và Mỹ La-tinh, khoảng cách này còn lớn hơn nữa.

Trong khi đó vẫn còn rất nhiều điểm đen về bất bình đẳng giới ở khắp mọi nơi, ở Châu Phi, Trung Đông hay Nam Á... Ở Bangladesh, theo một thống kê tội giết vợ chiếm 50% trong số vụ giết người, như vậy bạo lực gia đình đã vi phạm nghiêm trọng tới quyền sống của người phụ nữ.

Ở Ấn Ðộ, mỗi năm có khoảng hơn 5.000 phụ nữ bị cướp đi mạng sống của mình có thể chỉ vì nhà chồng cho rằng của hồi môn không đủ.

Vậy chúng ta cần phải làm gì? Ông Koichiro Matsuura, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO từng khuyến cáo: "Không nên xem bình đẳng giới một cách thiển cận như là vấn đề chỉ của riêng phụ nữ, nó đặt ra cho chúng ta những câu hỏi cơ bản về bản chất các mối quan hệ trong xã hội chúng ta. Đó là vấn đề đòi hỏi cả nam giới và phụ nữ cùng ngồi lại với nhau tìm ra các giải pháp sao cho vừa mang tính thực tiễn vừa phải dựa trên các nguyên tắc. Nhưng các giải pháp trên sẽ không được chấp nhận hay bền vững nếu sự bình quyền, chân giá trị, công việc của nam giới và nữ giới không được tôn trọng".

Tôi biết các bạn đang có những nỗ lực tuyệt vời, với các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia và các hành động cụ thể để đẩy lùi bất bình đẳng giới. Vì thế hãy tiếp tục cố gắng với những giải pháp toàn diện và sáng tạo để mang đến bình đẳng giới cho khắp mọi miền đất nước, và hãy góp tiếng nói để cải thiện thực trạng trên toàn cầu.

Mong chúng ta sẽ góp phần khiến xã hội tương lai thực sự tốt đẹp và bình đẳng.

Thân ái, xin chào tạm biệt.

Anh Hào (Tổng hợp)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/internet/xa-hoi/bai-tham-khao-viet-thu-upu-lan-thu-47-nam-2018-ve-bat-binh-dang-gioi-164933.ict