Bài thi viết 'Việt Nam - vẻ đẹp bất tận': Tìm về miền ký ức Huế

Ở Huế hơn 1 tuần, tôi chợt phát hiện ra, nếu đến đây rồi đi du lịch theo kiểu những địa điểm được giới thiệu, đường lên bản đồ hẳn hoi thì... thật chán. Hãy chọn cách là một lãng tử đa sầu đa cảm như thời tiết xứ này sẽ thấy ngay một Huế khác hẳn.

Linh Tinh Môn thuộc quần thể Văn Miếu Huế nhìn từ bến sông Hương.

Ồn ào

Hẳn nhiên, tìm về miền ký ức là nhu cầu thiết yếu của nhiều người, nhất là khi khoảng thời gian du lịch eo hẹp, lại đi cùng nào vợ, nào con. Vậy thì, cứ đến thẳng Huế, rồi hỏi anh “Gu Gồ” vậy.

Vậy là chẳng thiếu, từ chùa Thiên Mụ, Huyền Không Sơn Thượng hay Đại Nội…

Tới Huế rồi, nhìn vào cách tu bổ hiện thời, mới thấy, những chi tiết tinh xảo hay sự ghi dấu của thời gian sẽ chẳng còn là mấy. Cứ nhìn cách Đại nội với những lớp ngói đỏ ươm, những kèo cột được sơn son thếp vàng ánh màu của kỹ nghệ thời này thì rõ... Ấy là chưa kể, nếu chọn cách du lịch “để biết với đời” hẳn nhiên bạn phải chấp nhận cảnh “ở đâu cũng đông du khách”.

Ghé chùa Thiên Mụ sẽ rõ, rất khó khăn để có thể chụp được tòa tháp mà không có hình người khác lố nhố. Hoặc bạn cũng đừng quá ngạc nhiên khi nhà chùa vốn lấy thanh tịnh và an nhiên làm đầu lại phải cử một chú tiểu cầm chổi liên tục quét và nhắc khách bỏ dép ngoài chánh điện hay những chiếc trống bị du khách cố ý vẽ bẩn... Huế cũng không thiếu màn chèo kéo, trả giá loạn xạ như ở nhiều nơi...

Và một Huế lắng sâu

Có người nói: Vậy thì, đừng đi du lịch Huế! Nhưng khoan đã nào. Nghe kể tiếp nhé.

Ra Huế hơn 1 tuần, chợt phát hiện ra, nếu ra ở Huế rồi đi du lịch theo kiểu những địa điểm được giới thiệu, đường lên bản đồ hẳn hoi thì... chán lắm. Hãy chọn cách là một lãng tử đa sầu đa cảm như thời tiết xứ này sẽ thấy ngay một Huế khác hẳn.

Lang thang đi về hướng thôn Vỹ Dạ, chẳng phải để “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” vì ai đi du lịch mà dậy sớm bao giờ. Hãy cứ đi một cách vô định, thấy một con hẻm, quẹo đại vào để gần sông Hương hơn. Để rồi cảm thấy như đang cầm trên tay “chiếc vé về lại tuổi thơ”.

Chỉ cách đường chính một cây cầu thôi. Cầu Phú Lưu. Ở đó, bọn trẻ con vẫn ríu rít chạy xe đạp lon ton đi học. Trước cửa trường vẫn có những người bán hàng ăn vặt, có bà dắt cháu đến trường, mua cho đứa nhỏ đồ ăn vặt như bà ngoại, bà nội mình ngày xưa...

Và vẫn còn những khoảnh đất trống để bọn trẻ nít tranh thủ chơi bắn bi trước khi chạy vội vào trường khi nghe tiếng trống. Rồi có tiếng rao ngọt ngào, tiếng dép loẹt quẹt như thuở chưa có loa đài trên những chiếc xe ầm ĩ. Những mảng tường rêu xanh rì cứ như thể được ai đó tô màu.

Chỉ cách một con đường thôi mà ở đó, thời gian như dừng lại. Có một Huế xưa.

Mấy lần dụi mắt, cứ ngỡ như mơ khi cảnh tượng quá kỳ ảo. Nhưng hóa ra đó là thật...

Đói bụng, vào ăn đại một quán bên đường hai tô cơm hến, một khô một ướt, làm thêm ly trà đá. Kêu tính tiền, tổng cộng 15 nghìn đồng. Tưởng nghe nhầm, đưa 30 nghìn đồng. Chị bán cơm thối lại 15 nghìn đồng.

Ôi, tô cơm hến 7 nghìn đồng. Đúng là thời gian ở đây dừng lại thiệt rồi Huế ơi. Thời buổi này kiếm đâu ra tô cơm ngon, no mà rẻ nhẹ nhàng đến thế, như là chuyện của hàng chục năm trước vậy...

No rồi, lại đi, trên đường đi, mắt nhìn được những công trình xưa hoang vắng. Một trong số đó là Linh Tinh Môn thuộc quần thể Văn Thánh Miếu. Nói ngắn gọn, nơi này là Văn Miếu của xứ Đàng Trong. Trong đó có văn bia thờ các cụ như: Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khuyến, Vũ Phạm Hàm, Chu Mạnh Trinh, Phan Thanh Giản... Nhưng sao buồn. Một chỗ hay ho như vậy, ý nghĩa như vậy mà lạnh tanh, vắng vẻ khách du lịch quá!

Tôi nhìn cái bảng, Ba Lan tài trợ cho tôn tạo lại hồi năm 2011, tìm trên mạng thấy cũng cắt băng khánh thành rình rang, nhưng giờ hiu quạnh chẳng một bóng người. Có một bến, từ sông Hương dẫn thẳng lên cổng Linh Tinh Môn.

Trời chiều, gió hiu hiu, Huế lại thoang thoảng buồn sau ngày mưa, cảm nhận một điều đó thật đẹp, gợi nhiều suy tư.

Chạy về Huế khi trời đã chạng vạng, tôi tự nhiên thầm nghĩ, đến Huế, nói thiệt, nếu phải đi với gia đình thì đành chịu, chứ “chớ dại” đi du lịch theo kiểu đoàn này đoàn nọ. Hãy đi, một mình thôi, để tự cảm nhận, bởi ở Huế còn quá nhiều di tích cổ xưa. Có thể so với tưởng tượng ban đầu khi chưa tới Huế, Huế không đẹp, không hoành tráng, nhưng đó là dấu tích của thời gian, của lịch sử thăng trầm...

Nhưng giữ Huế, muốn người ta đến Huế thì cái cần giữ hồn Huế, cốt cách Huế chứ không phải bằng cách như người ta đang làm hiện nay là “tô màu”, “làm mới” cho những di tích...

Như vậy thì thật thương Huế, Huế thương.

ĐẶNG TẤT ĐẠT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/du-lich/bai-thi-viet-viet-nam-ve-dep-bat-tan-tim-ve-mien-ky-uc-hue-596192.ldo