Bài Thơ cuối cùng của cụ Phan Bội Châu qua hồi ký của Nhà báo Quang Đạm (1913 - 1999)

Biết tôi là người chuyên nghiên cứu về cụ Phan Bội Châu nên anh Tạ Quang Ngọc (con trai của Nhà báo Tạ Quang Đệ tức Quang Đạm) đã tặng tôi mẩu hồi ký của cụ thân sinh viết về người anh của mình là cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu dưới đề mục 'Tưởng nhớ anh (nhân lần anh đến thăm cụ Phan)'.

cụ Phan Bội Châu

Nhận thấy đây là một tư liệu quý hiếm giúp chúng ta hiểu rõ thêm về bài thơ mà chúng ta từng biết đến, tức là bài “Từ giã bạn bè lần cuối cùng”, Chúng tôi xin phép được trích đăng lại sau đây, mong giúp mọi người hiểu được “người bạn” mà cụ nói trong bài thơ phải chăng là thế hệ “anh tài” như Tạ Quang Bửu. Nguyên văn mẩu hồi ký như sau:

Tưởng nhớ Anh

(nhân lần anh đến thăm cụ Phan)

Chiều hôm ấy, một chiều tháng 10 năm 1940, tôi đến thăm anh tại phòng anh ở, tầng 2 trường Thiên Hựu (Providence) nơi anh đang dạy và ở nội trú. Tôi ngạc nhiên thấy một nét buồn hiện trên mặt anh, khác với mọi lần, cái bắt tay trái của anh luôn luôn được điểm theo một nụ cười hồn nhiên, thẳng thắn.

Như đoán được ý nghĩ của tôi, anh nói: Tôi vừa đi thăm lại cụ Phan, cụ yếu lắm rồi!

Tôi hỏi: Sogny (Chánh sở mật thám Trung Kỳ) bổ lưới mật thám cô lập cụ, anh làm sao vào gặp được cụ?

Khó gì đâu, người Pháp bao vây cụ thì tôi đi với một người Pháp vào thăm cụ, tiếc rằng không nói chuyện được lâu như ý muốn. Tôi rủ Langrand đi dạo hướng về dốc Bến Ngự ( Langrand là Giáo sư và hướng đạo Công giáo Pháp, giảng dạy và nội trú tại trường Thiên Hựu, Huế). Đi ngang nhà cụ Phan, tôi nói với Langrand: “Trong này có nhà chí sĩ Phan Bội Châu, một học giả uyên thâm, cốt cách phi thường, ta vào thăm ông ấy đi!”. Tôi vừa nói vừa bước vào ngõ. Langrand chỉ còn việc đi theo tôi. Anh Bửu nói tiếp: “ Khi được biết tôi cũng là dân Nghệ An, xuất dương du học. Từ ngày về nước, dạy hoc tại các trường tư thục, và người Pháp cùng đi là đồng nghiệp, cụ tỏ vẻ vui mừng, hỏi thăm về các bậc tiền nhân của gia đình tôi”.

Anh Bửu kể đến đây thì một người bước vào phòng. Ông này cũng là bạn giáo sư ở nội trú, xin lỗi cần gặp anh về một việc gấp và quan trọng.

Tôi đứng dậy kiếu từ và lấy làm tiếc không nghe nốt được nội dung trao đổi giữa anh và cụ Phan.

Vài ngày sau, báo Tiếng Dân xuất bản ở Huế do cụ Huỳnh Thúc Kháng là chủ nhiệm đăng một bài thơ của cụ Phan Bội Châu, thể văn hát nói như sau:

Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,

Thiên hạ thùy nhân bất thức quân.

Bảy mươi tư tuổi trót phang trần,

Mừng gặp bạn mới tinh thần hoạt hiện.

Những ước anh em đầy bốn biển,

Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian!

Sống xác thừa mà chết cũng xương tàn,

Câu tâm sự gửi chim ngàn cá biển,

Mừng được đọc bài Văn sinh vãn,

Chữ đá vàng ghi mấy đoạn tâm can.

Tiếc mình nay sức mỏng trí thêm khan,

Lấy gì đáp khúc đàm tri kỷ?

Nga nga hồ, chí tại cao san,

Dương dương hồ, chí tại lưu thủy.

Đàn Bá Nha mấy kẻ thưởng âm?

Bỗng nghe qua khóc thảm lại nghe thầm,

Chung Kỳ chết, e quăng đàn không gẩy nữa!

Nay đang lúc tử thần chờ trước cửa,

Có vài lời ghi nhớ về sau:

Chúc phường hậu tử tiến mau!

Sau buổi tới thăm anh hôm ấy, tôi không hề hỏi gì về cuộc gặp gỡ giữa anh và cụ Phan. Tôi nghĩ rằng đây là một sự trao đổi những lời tâm huyết, tôi không muốn tỏ ra tọc mạch.

Bài thơ trên đây sau này dã được anh Chương Thâu giới thiệu (có khác vài chữ) với đầu đề: “ Từ giã bạn bè lần cuối cùng

Còn theo nhà thơ Lê Thị Ngoc Sương, thì cụ Phan làm bài thơ trên là để trả lời “bài văn sinh vãn” mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đọc trước cho cụ Phan nghe.

Theo tôi thì cụ Phan trả lời cụ Huỳnh, nhưng chắc chắn cụ Phan còn nhắc đến người bạn mới gặp trong câu: Mừng gặp bạn mới tinh thần hoạt hiện

Người bạn mới gặp, tinh thần hoạt hiện đó là anh Bửu, người đến thăm cụ trước đó mấy ngày. Qua bài thơ ghi trên đây, ta cũng đoán được anh đã nói những gì, đã hứa hẹn những gì để làm yên lòng nhà chí sĩ về “phường hậu tử”.

Với lòng yêu nuớc sẵn có, được nung nấu thêm qua cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với nhà chí sĩ họ Phan, anh đã sống và hoạt động để đạt được chí hướng đó. Anh đã đem hết tâm trí và tài năng ra phụ tá nhà đại cách mạng Hồ Chí Minh và đóng góp vào công cuộc giành lại độc lập cho nước Việt Nam”.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn gia đình cụ Quang Đạm đã cung cấp cho mẫu Hồi Ký về cuộc gặp gỡ giữa cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu và nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu trên đây.

Giáo sư Chương Thâu

* Bài này đã được in trong cuốn Với Huế năm 1911 của Câu lạc bộ Văn hóa Huế tại Hà Nội, do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế ấn hành.

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/bai-tho-cuoi-cung-cua-cu-phan-boi-chau-qua-hoi-ky-cua-nha-bao-quang-dam-1913-1999-a273098.html