Bài thuốc nam điều trị rôm sảy mùa hè

Rôm sảy là một bệnh lý phổ biến trong mùa hè khí hậu nóng ẩm. Bệnh xảy ra khi mồ hôi không thoát ra bên ngoài bề mặt da, do tắc nghẽn các tuyến mồ hôi ở các lớp sâu hơn của da.

1. Các loại rôm sảy

Là một thể bệnh phát ban do nhiệt, tuy nhiên có thể dẫn đến viêm, nổi mụn nước, mẩn kèm theo ngứa hoặc cảm giác châm chích, sưng nhẹ; nặng hơn là bội nhiễm vi trùng…

Xếp theo mức độ từ nhẹ đến nặng, rôm sảy được chia thành 3 loại chính:

- Rôm trắng: Nốt rôm là những mụn nước nhỏ li ti, màu trắng, thành mỏng, chung quanh không có quầng đỏ, dễ vỡ, hay mọc trên cổ và rải rác trên mình; là loại tổn thương không viêm, nói chung không gây cảm giác gì khác thường, sau 1-2 ngày tự lặn, có thể để lại trên da chút vẩy mỏng.

Rôm sảy là một thể bệnh phát ban do nhiệt.

Rôm sảy là một thể bệnh phát ban do nhiệt.

- Rôm đỏ:Dạng nốt sần hoặc mụn nước nhỏ, xung quanh có quầng đỏ, mọc dầy đặc thành từng mảng, có cảm giác nóng rát và nhấm nhói ngứa; hay mọc ở trên trán, cổ, ngực và lưng, trên đầu, mặt trẻ nhỏ. Khi trời chuyển mát thì rôm lặn, có chút vẩy bong ra.

- Rôm mưng mủ: Nốt rôm mưng mủ nông, hay phát ở vùng da nhiều nếp nhăn và trên đầu trẻ nhỏ.

2. Điều trị rôm sảy

- Thuốc uống trong - dùng 1 trong số bài thuốc sau:

Bài 1: Trúc diệp tươi 30g, kim ngân hoa 8g, hoắc hương 5g, cam thảo 5g, gừng tươi 3 lát, sắc uống thay nước hàng ngày.

Lá sài đất trị rôm sảy

Lá sài đất trị rôm sảy

Bài 2: Sài đất 30g, kim ngân hoa 10g (hoặc dây 15g), khúc khắc 10g, bồ công anh 15g, ké đầu ngựa 10g, sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Thổ phục linh 30g, dây kim ngân (nhẫn đông đằng) 20g, ké đầu ngựa 15g; sắc nước uống hàng ngày.

Công dụng: Mát huyết, thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp… phòng ngừa và chữa rôm sảy, mụn nhọt, lở ngứa; có thể dùng thường xuyên trong những ngày hè thời tiết nóng ẩm.

- Thuốc dùng ngoài: Gừng tươi, rửa sạch, thái lát; xát nhè nhẹ mặt cắt lát gừng lên khắp những chỗ da có rôm mọc.

Gừng tươi tuy là một vị thuốc "cay nóng", nhưng do có tính sát trùng, làm thông tuyến mồ hôi, nên có thể dùng để trừ rôm. Thông thường, sau khi xát gừng 2-3 giờ, rôm đã lặn hết.

Ngoài ra, với những trường hợp rôm mọc quá nhiều, có thể kết hợp với thuốc tắm: Dùng 100g cành lá cây bọ mẩy, hoặc 50g cây chó đẻ răng cưa (diệp hạ châu), hoặc cành lá sài đất, nấu nước tắm hàng ngày.

Mời bạn xem thêm video:

Làm gì để giảm huyết áp?

Lương y Huyên Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-nam-dieu-tri-rom-say-mua-he-169230611212716273.htm