Bài toán chỗ học cho trẻ ở khu công nghiệp, khu chế xuất

Cả nước có 17 tỉnh, thành tập trung nhiều khu công công nghiệp, khu chế xuất, đi cùng với đó là sinh cư của người lao động. Phát triển trường mầm non công lập, tư thục và các nhóm trẻ độc lập nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn khách quan vì quỹ đất và sức hấp dẫn trong đầu tư mở trường.

Các trường mầm non Vĩnh Phúc đang đáp ứng tốt việc nuôi dạy trẻ ở các KCN.

Các trường mầm non Vĩnh Phúc đang đáp ứng tốt việc nuôi dạy trẻ ở các KCN.

Thấy gì từ thực tế?

Thực tế cho thấy, đến nay cho dù đã phát triển mạnh nhưng hệ thống các trường mầm non công lập chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân trong bối cảnh nhu cầu lao động tại các địa phương đang phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng lớn. Không đáp ứng được đủ chỗ học ở trường công cả về số lượng lẫn thời gian giữ trẻ không phù hợp với lịch làm việc theo ca của công nhân là điều dễ nhận thấy nhất.

Nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của người lao động, tại nhiều địa phương đã nở rộ các trường mầm non tư thục, đặc biệt là các nhóm trẻ gia đình. Các trường mầm non tư thục và nhóm trẻ gia đình đã và đang chia sẻ gánh nặng rất lớn về nuôi dạy trẻ cho con em công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp này.

NGƯT Đặng Lộc Thọ - nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP mẫu giáo Trung ương, chuyên gia về giáo dục mầm non, chia sẻ: “Không phải các trường công không gánh vác trách nhiệm này vì thực tế là nhiều trường có điều kiện và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, tính chủ động của các trường công là không có và bị dàng buộc bởi nhiều quy định không dễ gì vượt qua, về giờ lao động, độ tuổi cho trẻ đến trường.

Đơn cử như việc thực hiện trông giữ trẻ ngoài giờ. Nếu thực hiện thì trường sẽ vi phạm quy Luật Lao động vì để giáo viên làm quá giờ. Đây là khó khăn không dễ tháo gỡ. Tôi cho rằng, cần ưu tiên tăng biên chế giáo viên ở những trường quanh khu công nghiệp, khu chế xuất. Và cũng cần có những quy định để các trường có thể tổ chức giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân mà không bị vi phạm Luật Lao động”.

Còn với các trường ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình cho dù đang chia sẻ gánh nặng cho các trường công, tuy nhiên đã bộc lộ những nhược điểm. Đó là giáo viên chưa qua đào tạo, hạn chế về năng lực nghiệp vụ, điều này dẫn đến những sự cố đáng tiếc nhất là với những nhóm trẻ gia đình. Thêm nữa, đối với những trường mầm non tư thục chất lượng, nhưng đồng lương của người lao động thấp nên họ cũng không thể lựa chọn những trường này vì mức phí cao. Việc xây dựng các trường mầm non do doanh nghiệp sử dụng lao động xây dựng phục vụ con công nhân, người lao động của doanh nghiệp mình là cách làm được cho là hiệu quả nhất.

Các trường mầm non tư thục và nhóm trẻ gia đình đã và đang chia sẻ gánh nặng rất lớn về nuôi dạy trẻ cho con em công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp này. Ảnh minh họa/ INT

Chia sẻ gánh nặng cho trường công

Trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc có sự phát triển kinh tế vượt bậc thu hút đông đảo người lao động đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Với 7 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện: Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương. Là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhất trên cả nước, xác định việc lo chỗ học cho con em người lao động là quan trọng nên Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện rất tốt.

Đó là việc mở thêm các trường lớp gần khu vực người lao động sinh sống. Đa dạng các loại hình trường lớp, tạo điều kiện cho các trường mầm non ngoài công lập phát triển và mở các nhóm trẻ gia đình. Hệ thống trường tư thục và nhóm trẻ gia đình đã và đang chia sẻ tốt việc nuôi dạy trẻ cho con em công nhân.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh phát triển các trường mầm non ở KCN. Mới đây, tại TP Hạ Long điểm trường Mầm non Khu Công nghiệp Cái Lân là điểm trường mầm non đầu tiên phục vụ con công nhân trong KCN được đưa vào hoạt đông. Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Cho dù địa phương không có nhiều khu công nghiệp, nhưng áp lực gửi con của người lao động trong các trường công là rất lớn. Chúng tôi đã phát triển mạnh các trường tư thục để chia sẻ gánh nặng cho trường công. Với các KCN, quan điểm của tỉnh là bảo đảm chỗ học cho con em công nhân.

Nói về việc đáp ứng nhu cầu ra lớp của trẻ mầm non tại các khu công nghiệp, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện quy hoạch, tách các trường mầm non và đầu tư xây dựng trường mầm non trong các khu công nghiệp; xây dựng thêm phòng học cho các trường mầm non tại các KCN.

Như trong KCN Cái Lân và khu vực lân cận hiện có trên 10.000 công nhân, chủ yếu là lao động trẻ, nhu cầu lớn về nơi giữ trẻ. Hiện điểm trường đã đi vào hoạt động đáp ứng nuôi dạy các cháu. Năm 2019 - 2020 tiếp tục mở thêm 2 lớp, nâng tổng số trẻ lên khoảng 130 cháu với đủ các nhóm tuổi. Ở các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh có đông con em người lao động có nhu cầu gửi trẻ, quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT là tạo mọi điều kiện thu nhận và nuôi dạy tốt nhất trẻ cho các gia đình”.

Đến nay, KCN Khai Quang, TP Vĩnh Yên có 5 trường mầm non; KCN Bình Xuyên, Bá Thiện, huyện Bình Xuyên có 7 trường mầm non công lập và các khu, cụm công nghiệp khác đã phát triển thêm các nhóm, lớp độc lập tư thục phù hợp; xây dựng 29 phòng học cho các trường mầm non trong cụm KCN TP Phúc Yên và 18 phòng học cho các trường mầm non trong cụm KCN Bình Xuyên. Tỉnh cũng sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ về kinh phí, đất đai, thuế, chính sách cho GV để phát triển giáo dục mầm non tại các KCN. Tiếp tục hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm, lớp trẻ độc lập tư thục ở KCN theo Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), trên cả nước mới chỉ có 6/17 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đầu tư xây dựng trường mầm non cho người lao động – TS Đặng Lộc Thọ phân tích.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-toan-cho-hoc-cho-tre-o-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-4046267-b.html