Bài toán của Nga

Đối mặt sự cô lập của phương Tây, Nga đang hướng sang phương Đông tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược và thị trường mới để bán vũ khí

Khi quân đội Nga tiến hành cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều thập kỷ ở miền Viễn Đông trong tháng 9 này, đối tác Trung Quốc cũng có mặt ở đó với họ.

Dù quân đội 2 quốc gia này vẫn đều đặn tập trận chung, quyết định mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vostok 2018 của Nga đã khiến một số nhà phân tích quốc phòng kinh ngạc. Trước đây, cuộc tập trận thường niên này không có mặt lực lượng vũ trang nước ngoài và trong một số trường hợp còn đưa kịch bản xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.

Trong khi cả 2 quốc gia tìm cách kiềm chế tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, việc Nga mời Trung Quốc tập trận là một bước đi mạnh mẽ trong mối quan hệ quân sự vốn đã gần gũi giữa 2 nước - biểu hiện qua các cuộc tập trận cũng như sự trao đổi công nghệ và thông tin mật thời gian qua. Động thái này cũng có thể được xem là dấu hiệu cho thấy Nga khao khát trở thành một đấu thủ đẳng cấp ở phương Đông.

Xét cho cùng, Moscow không chỉ hướng đến Bắc Kinh. Khắp châu Á - Thái Bình Dương, sự gắn kết quân sự của Nga đang tăng, thể hiện qua các thương vụ bán vũ khí cho những quốc gia xa xôi như Fiji. Moscow cũng đang tăng cường lực lượng tại các căn cứ ở phương Đông.

Hoạt động nhộn nhịp này đã khơi gợi sự đồn đoán về một nước Nga trỗi dậy và quyết đoán trở lại ở châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng, giới chuyên gia quốc phòng cho rằng Điện Kremlin ít quan tâm đến chuyện làm xáo trộn hiện trạng an ninh trong khu vực. Thay vào đó, Moscow đang tìm kiếm đồng minh mới và tiếp thêm sinh khí cho những quan hệ hiện có.

Trong khi Nga ngày càng bị phương Tây cô lập và cuộc cạnh tranh trong khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ khiến nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương tìm kiếm đối tác chiến lược mới, Moscow đang sử dụng quân sự để tận dụng không ít cơ hội về ngoại giao và kinh tế tại khu vực. Trong tương lai gần, điều này có nghĩa là giành được những thị trường mới để xuất khẩu vũ khí, cơ hội sử dụng các hải cảng và sân bay mới cũng như sự hậu đãi dành cho doanh nghiệp Nga. Về dài hạn, những nỗ lực đó cũng giúp thúc đẩy tham vọng của Nga trở thành một cường quốc toàn cầu.

Trực thăng Nga tham gia cuộc tập trận Vostok 2018 tại vùng Chita hôm 11-9 Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Việc thúc đẩy ngoại giao quốc phòng của Moscow ở châu Á - Thái Bình Dương đáng chú ý bởi nó đi ngược lại hướng tiếp cận ít gây chú ý của Moscow tại khu vực trong vài thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ. Chỉ 6 triệu trên 144 triệu dân Nga sống ở miền Viễn Đông và mối bận tâm của Moscow đối với châu Á - Thái Bình Dương nhường chỗ cho châu Âu và Trung Đông trước đây. Tuy nhiên, khi các thị trường ở châu Á bùng nổ và các nền kinh tế ở phương Tây bị đình trệ, Nga tỏ ra quyết tâm hơn trong việc trở thành thế lực đáng kể ở phương Đông.

Một quân đội mạnh đóng vai trò quan trọng đối với chính sách đối ngoại độc lập. Về khía cạnh này, Nga đang có được lợi thế nhất định khi có quân đội được đánh giá là chỉ thua Mỹ về sức mạnh và công nghệ quân sự hiện đại. Khí tài quân sự ấn tượng cũng giúp ích trong việc cải thiện uy tín của Nga như một cường quốc tại phương Đông.

Về mặt kinh tế và chính trị, Nga sẽ phải gặp khó trong việc cạnh tranh trực diện với Trung Quốc và Mỹ. Vì thế, Moscow đã theo đuổi hướng tiếp cận thực dụng để tối đa hóa các cơ hội của mình. Nhìn chung, Moscow tránh đề cập việc lập các liên minh ở phương Đông mà xem mình như một lựa chọn thay thế đối với các nước không muốn đứng sau Trung Quốc hoặc Mỹ.

Không có gì lạ khi lập trường trên thuyết phục được Philippines, nhất là khi Tổng thống Rodrigo Duterte muốn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Ông Duterte muốn phát triển mối quan hệ với các đối tác phi truyền thống vì những lợi ích tức thì và cụ thể nên Nga là lựa chọn tự nhiên trong lĩnh vực quân sự.

Điều đáng nói là trong khi Mỹ thường áp đặt những đòi hỏi về chính sách lên các đối tác hoặc khách hàng tiềm tàng thì Nga ít khi đưa ra điều kiện tiên quyết liên quan đến chuyện nội bộ của nước khác. Với Indonesia, yếu tố này có sức hút không nhỏ. Quốc gia Đông Nam Á này đã đặt mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga trong khi Moscow thúc đẩy mối quan hệ với nước này, từ đó phát đi tín hiệu rõ ràng về bước đi mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.

Tóm lại, Nga không hề có ảo tưởng sẽ trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh tại Thái Bình Dương. Thế nhưng, người Nga cũng nhận thức rằng nếu muốn được cư xử như một cường quốc toàn cầu đáng gờm, trước tiên họ phải tăng cường sự hiện diện ở châu Á.

NGÔ SINH (lược dịch từ Báo South China Morning Post)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bai-toan-cua-nga-20180913202112951.htm