Bài toán dài hạn

Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 9-2017, cả nước đã có 536.864 lượt người hưởng trợ cấp BHXH một lần, đồng thời dự báo trong năm nay con số này có thể lên tới gần 700 nghìn lượt.

Không phải đến thời điểm này, mà trong những năm gần đây, thay vì chốt sổ bảo lưu và tiếp tục đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện về tuổi và năm đóng, số lao động đăng ký nhận BHXH một lần liên tục gia tăng. Nếu như năm 2007, cả nước có 129.156 người hưởng BHXH một lần thì đến năm 2012, số lượt người hưởng chế độ này đã lên tới con số hơn 600 nghìn. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cả nước có 2,5 triệu người lao động xin lĩnh BHXH một lần, trong đó, riêng năm 2016 có gần 679 nghìn lượt người hưởng chế độ này. Dù là một trong những chế độ BHXH đã được pháp luật quy định, nhưng việc số người hưởng BHXH một lần gia tăng với tốc độ khá cao là vấn đề rất đáng quan tâm.

Với người lao động, mặc dù việc xin hưởng BHXH một lần có thể mang lại khoản tài chính để giải quyết những nhu cầu cấp thiết trước mắt, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ không tiếp tục tham gia để được thụ hưởng sự “bảo vệ” bởi chính sách BHXH, nhất là khi về già sẽ không có lương hưu.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, trong đó chỉ có gần 30% được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội. Hơn 70% số người cao tuổi còn lại không nhận được trợ cấp, rất nhiều người vẫn phải tự lao động và kiếm sống khi tuổi đã cao hoặc phải sống dựa hoàn toàn vào con cháu. Bởi vậy, việc không có lương hưu sẽ trở thành gánh nặng đối với họ và người thân.

Xu hướng nhận BHXH một lần đang gia tăng với tốc độ cao hơn nhiều so với số người hưởng chế độ hưu trí, tương đương số người mới tham gia hệ thống BHXH đã tạo nên thách thức rất lớn trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH - một trong những mục tiêu quan trọng nhất nhằm bảo đảm an sinh xã hội quốc gia. Ngoài những khó khăn trước mắt trong thực hiện chính sách, việc nhiều người rời bỏ hệ thống BHXH chắc chắn sẽ tạo sức ép đối với Nhà nước nói chung, hệ thống an sinh xã hội trong tương lai gần, khi những người này hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động.

Như vậy, lợi ích trước mắt của người lao động khi nhận BHXH một lần chắc chắn sẽ không thể so sánh được với những tác động tiêu cực từ việc làm này đối với bản thân họ cũng như xã hội trong dài hạn. Đây không chỉ là những tính toán về lý thuyết, mà trên thực tế, chúng ta đã có những bài học không thể sửa chữa. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ việc hơn 72 nghìn lao động đã nhận chế độ “một cục” từ những năm 1990 theo “chế độ 176”, đến những năm 2000, khi tuổi đã già, không có thu nhập họ đã xin trả lại số tiền “một cục” đã nhận để được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, do pháp luật không quy định về việc hồi tố, cho nên họ không thể “quay ngược” thời gian để thay đổi quyết định của mình.

Qua những bài học như trên, người lao động nên cẩn trọng cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định chọn hưởng BHXH một lần hay tiếp tục đóng BHXH để tránh thiệt thòi. Để giúp người lao động hiểu rõ hơn những được - mất khi hưởng BHXH một lần, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cơ quan thực hiện chính sách là BHXH Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng tư vấn trực tiếp cho những người có nhu cầu hưởng BHXH một lần, giúp họ có sự lựa chọn, quyết định sáng suốt.

NAM THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34406602-bai-toan-dai-han.html