Bài toán đào tạo nhân lực ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

Một số doanh nghiệp FDI đã chủ động đầu tư, phát triển nguồn nhân lực ngay từ khâu đào tạo tại trường học nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Ngành công nghiệp ôtô thế giới đang thay đổi từng ngày, đòi hỏi về trình độ và tay nghề nhân lực của các doanh nghiệp cũng ngày một cao. Tuy nhiên, việc đào tạo ở các trường của nước ta hiện còn gặp nhiều khó khăn cả về nội dung giảng dạy lẫn trang thiết bị thực hành. Chính điều này đã gây ra tình trạng học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp không được trang bị đầy đủ kiến thức, không có kinh nghiệp thực hành và không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Đứng trước tình hình đó, việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một nhu cầu cấp thiết nhằm mang lại lợi ích cho cả nhà trường, doanh nghiệp và các em sinh viên. Tại một số doanh nghiệp, sự hợp tác trên được triển khai tích cực và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nổi bật trong số đó là Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Toyota (viết tắt là T-TEP) được Toyota Việt Nam triển khai từ năm 2000 với mục tiêu hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng đào tạo kỹ thuật, dạy nghề chuyên ngành ô tô nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, kỹ thuật viên lành nghề, các học viên có cơ hội được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý của Toyota Việt Nam, cũng như đóng góp vào nguồn nhân lực dồi dào cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

 Bộ học cụ do Toyota Việt Nam hỗ trợ.

Bộ học cụ do Toyota Việt Nam hỗ trợ.

Năm nay, Toyota Việt Nam sẽ cùng với trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (Đà Nẵng) và Cao đẳng cơ điện Hà Nội cơ sở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) thiết lập và vận hành 2 Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Toyota (T-TEP), cải tạo cơ sở vật chất, trang bị mới nhiều thiết bị, dụng cụ hiện đại chuyên dụng của Toyota để nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nghề về kỹ thuật sửa chữa ô tô.

Đặc biệt, trong gói hỗ trợ lần này, Toyota Việt Nam sẽ chuyển giao tới Trung tâm T-TEP của 2 trường gói hỗ trợ đầy đủ cho 2 chuyên ngành: Kỹ thuật Sửa chữa Chung (GJ) và Kỹ thuật Sửa chữa Thân xe và Sơn (BP) với tổng giá trị là 160.000 đô la Mỹ. Gói hỗ trợ bao gồm xe và cụm chi tiết như 2 xe ô tô Corolla Altis và Vios (đã qua sử dụng), 2 bộ thân xe Corolla Altis và Vios, 06 động cơ Vios, 04 hộp số Corolla Altis và Fortuner, 10 bộ cánh cửa, tai xe và các bộ học cụ đặc biệt như mô hình cắt hộp số, bảng thực hành điện, các chi tiết cắt về điện ô tô, …. Cùng với đó là các bộ dụng cụ sửa chữa chuyên dụng của Toyota, dụng cụ đo và các trang thiết bị bảo dưỡng, sửa chữa Thân xe và Sơn để học viên có thể thực hành tất cả kỹ năng của kỹ thuật viên sửa chữa ô tô, đặc biệt là xe Toyota.

Lễ chuyển giao Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Toyota tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cơ sở Phúc Yên.

Ngoài các trang thiết bị và học cụ nói trên, Toyota Việt Nam còn cung cấp các bộ giáo trình về đào tạo Sửa chữa chung; bộ giáo trình đào tạo Sửa chữa Thân xe và Sơn Toyota. Đồng thời, Toyota Việt Nam cũng cung cấp các khóa đào tạo cập nhật và tập huấn để giảng viên nhà trường có đủ khả năng sử dụng, vận hành hiệu quả gói tài trợ và đào tạo cho sinh viên nghề sửa chữa ô tô, đáp ứng những tiêu chuẩn toàn cầu của Tập đoàn Toyota.

Đại diện từ các trường cũng đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của TMV trong thời gian qua. Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cơ sở Phúc Yên chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự khi có cơ hội hợp tác với công ty Toyota Việt Nam. Khi tiếp nhận chương trình chuyển giao kỹ thuật này, sinh viên, học viên sẽ được thực hành, áp dụng bài học theo chuẩn hóa chuyên ngành kỹ thuật về Sửa chữa Chung và kỹ thuật Sửa chữa Thân xe và Sơn. Về mặt xã hội, TMV đã tài trợ cho nhà trường đầy đủ các trang thiết bị, từ đó giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nghề về kỹ thuật sửa chữa ô tô, nâng cao chất lượng sinh viên ra trường. Nhà trường đánh giá cao sự hỗ trợ của Toyota Việt Nam và mong muốn Toyota Việt Nam và Cao đẳng Cơ điện Hà Nội duy trì, phát triển sự hợp tác toàn diện và sâu sắc hơn nữa”.

Học cụ nằm trong gói hỗ trợ kỹ thuật sửa chữa Thân xe và Sơn của Toyota Việt Nam.

Với việc mở rộng Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Toyota (T-TEP) tới trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cơ sở Phúc Yên, Toyota Việt Nam đã giới thiệu và triển khai thành công chương trình tới 9 trung tâm T-TEP trên cả nước. Sau 20 năm triển khai chương trình, đã có gần 3.000 sinh viên được đào tạo và sử dụng trang thiết bị tiên tiến hỗ trợ bởi Toyota, 708 sinh viên của Chương trình đã được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý Toyota trên toàn quốc. Tổng số tiền hỗ trợ cho Chương trình lên tới gần 1 triệu đô la Mỹ và 10 chiếc ô tô đã được trao tặng. Ngoài ra, Toyota Việt Nam còn đào tạo, cập nhật kiến thức và kỹ năng sửa chữa xe Toyota tới hàng trăm giảng viên các trường, cũng như bố trí thực tập cho hàng ngàn sinh viên học nghề tại trung tâm T-TEP.

Bên cạnh các hoạt động đóng góp về phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, Toyota còn chú trọng tới hoạt động đào tạo phát triển nhân sự nội bộ và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển lâu dài tại Việt Nam. Hệ thống đào tạo bài bản, quy củ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Toyota Việt Nam vừa đảm bảo đạt được kết quả cao nhất trong công việc, vừa xây dựng được một đội ngũ nhân sự mạnh. Nhờ đó, nguồn nhân lực được củng cố vững chắc, tạo tiền đề cho Công ty ổn định và phát triển lâu bền.

Dù gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo, thậm chí đã có doanh nghiệp rút lui nhưng Việt Nam vẫn còn những doanh nghiệp như Toyota tự đứng vững trong tâm bão, vươn lên bằng đôi chân của mình. Và điều đáng mừng nhất trong các mô hình trên là việc cung cấp những thợ bậc cao, kỹ sư lành nghề, nhân sự cấp cao và sâu xa hơn đó chính là hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững mà doanh nghiệp này mang lại.

Thảo Nguyễn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/o-to-xe-may/bai-toan-dao-tao-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-oto-viet-nam-1362146.html