Bài toán khó giải khi quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng

Chuyên gia nhìn nhận vướng mắc lớn nhất khiến quy hoạch sông Hồng bị lỡ hẹn hết lần này đến lần khác là do việc trị thủy dòng sông phức tạp, nhiều rủi ro.

Hà Nội đang quyết tâm biến những khu dân cư xập xệ, tạm bợ 2 bờ sông Hồng thành những đô thị sinh thái, trục cảnh quan làm nổi bật nét văn hóa, đặc trưng lịch sử của thủ đô. Ý tưởng nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và người dân khu vực này.

Nhưng theo ông Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, sông Hồng là một dòng sông dữ, rất khó để chỉnh trị, điều khiển theo ý muốn của con người.

Nhiều ẩn số

Theo ý định quy hoạch trước đây, Hà Nội sẽ thu hẹp 2 bên sông, đưa những bãi ngoài sông vào trong đê và đưa đê ra phía ngoài để tạo quỹ đất xây dựng và thu hút các nguồn lực đầu tư.

Song ý tưởng này lập tức vấp phải nhiều trở ngại. Khoảng cách 2 bờ đê của từng đoạn sông rất khác nhau. Có nơi như xã Hải Bối (Đông Anh) 2 bờ đê cách đến 4 km, nhưng những đoạn ở gần cầu Long Biên chỉ hơn 1 km.

"Mùa lũ, dòng chảy phức tạp, chỗ xói chỗ bồi. Nếu khoảng cách 2 bờ đê rút ngắn lại, chắc chắn nước sẽ dâng cao lên, ảnh hưởng lớn đến hành lang thoát lũ", ông Xuân Hồng nói với Zing.

Ông cũng cho biết trước kia phía thượng nguồn ở Trung Quốc chưa có nhiều nhà máy thủy điện, Việt Nam mới có hồ thủy điện Hòa Bình. Dung tích của các hồ chứa từ Trung Quốc đến Việt Nam mới khoảng 9 tỷ m3 nhưng giờ đây cộng tất cả các hồ chứa của cả 2 nước, dung tích có thể lên 30-40 tỷ m3.

Lũ sông Hồng không thể được tính toán như trước nữa, mà trở thành bài toán khác với nhiều ẩn số, mức độ phức tạp lớn hơn.

Ông Hoàng Xuân Hồng

Thứ hai là vấn đề xói lở. Một khi chúng ta tác động vào dòng chảy, chắc chắn sẽ gây hiện tượng xói lở bờ sông nên cần tính toán mức độ xói lở thế nào để chỉnh trị cho phù hợp. Với sự xuất hiện và biến mất liên tục của các bãi bồi, Hà Nội cần tiên lượng được sự biến đổi ấy có ảnh hưởng đến 2 bờ sông hay không, hình thế dòng sông thay đổi thế nào.

"Như vậy, lũ sông Hồng không thể được tính toán như trước nữa, mà trở thành bài toán khác với nhiều ẩn số, mức độ phức tạp lớn hơn. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, nên điều kiện tự nhiên con sông cũng khó lường hơn", ông Xuân Hồng nói.

 Hà Nội quyết tâm thay đổi quy hoạch lộn xộn ở khu vực 2 bờ sông Hồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Hà Nội quyết tâm thay đổi quy hoạch lộn xộn ở khu vực 2 bờ sông Hồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Đê là hạng mục bất khả xâm phạm

Thông tin về đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh an toàn đê điều và tuân thủ quy hoạch về hành lang thoát lũ là mục tiêu số một của quy hoạch này. Cụ thể, đồ án không điều chỉnh chỉ giới thoát lũ; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ và nhấn mạnh đê hai bên sông Hồng là "bất khả xâm phạm".

Đây cũng là mục tiêu được Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhắc đến nhiều lần về quy hoạch phân khu sông Hồng. Bí thư Hà Nội cho rằng quy hoạch này sẽ tuân thủ Quyết định 257 của Thủ tướng về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Bên cạnh đó, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi lại ra.

"Quan điểm của TP là không xâm phạm bờ đê sông Hồng. Đường hai bên đê được được coi như một đập tràn, hai đường chạy song song. Nếu xác suất 500 năm nước lũ vượt quá bờ đê, thì chỉ tràn vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng gì đến thành phố", ông Huệ nói.

Đánh giá về đồ án này, GS.TS Vũ Trọng Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi) cho rằng mục tiêu bảo vệ hành lang đê điều của Hà Nội là rất đúng đắn, song, cách triển khai thế nào thì cần phải nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng.

Quan điểm của TP là bất khả xâm phạm bờ đê sông Hồng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Theo ông Trọng Hồng, khi còn công tác, ông đã trực tiếp tham vấn và thẩm định nhiều đồ án quy hoạch 2 bờ sông Hồng. TP và các bộ, ngành đều vướng mắc khi bàn đến hành lang thoát lũ. Ông cho rằng quy hoạch này không chỉ đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy hoạch chung mà còn phải đảm bảo về Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai.

"TP có kế hoạch xây 2 tuyến đường 6 làn xe chạy dọc đê sông Hồng, đây là ý tưởng rất táo bạo, song cần cân nhắc kỹ xem có đảm bảo được điều kiện an toàn thoát lũ không, có ảnh hưởng đến kết cấu đê không. Nếu cho nước lũ tràn qua mặt đường, với tần suất 700 năm thì khu vực nào chịu ảnh hưởng, thiệt hại?", vị giáo sư nêu vấn đề.

Hà Nội có kế hoạch xây 2 tuyến đường 6 làn xe chạy dọc đê sông Hồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Lưu lượng thoát lũ tối thiểu phải đạt 20.000 m3/s

Đóng góp vào đề án này, GS Vũ Trọng Hồng nêu 2 câu hỏi lớn mà đội ngũ xây dựng đồ án sẽ cần trả lời. Thứ nhất, TP cần cụ thể hóa cam kết "bất khả xâm phạm" đối với đê sông Hồng bằng các nội dung, đề mục và chỉ dẫn cụ thể.

Thứ hai, TP phải đảm bảo được quy hoạch phân khu sông Hồng thỏa mãn 2 điều kiện là cốt đê phải cao 13,4 m và lưu lượng thoát lũ tối thiểu đạt 20.000 m3/s đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập.

Ông Hồng đề xuất quy hoạch cần khẳng định quan điểm không xây dựng tại các bãi giữa và trong lòng sông, đảm bảo chỉ giới thoát lũ và khả năng trữ nước lũ. Cùng với đó, đồ án có chiến lược cụ thể phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn nếu lũ lớn xảy ra. Với việc xây dựng 2 tuyến đường chạy dọc đê thì việc neo đậu của tàu thuyền có bị ảnh hưởng không.

Đây là dự án rất tốn kém, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ và tri thức của các nhà khoa học.

GS Vũ Trọng Hồng

"Tất nhiên đây là dự án rất tốn kém, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ và tri thức của các nhà khoa học. Quan trọng là cần có sự quyết tâm của thành phố, sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành và sự tích cực của đội ngũ nhà khoa học", vị chuyên gia nhìn nhận.

Ông Hoàng Xuân Hồng thì đưa ra đề xuất nhà khoa học, chuyên gia từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Cơ học lập các mô hình thử nghiệm vật lý, các mô hình toán để tính lượng nước chuyển từ các hồ chứa xuống hạ du. Các chuyên gia cần phải tính được với tần suất 500 năm hoặc 1.000 năm có trận lũ lớn nhất thì mực nước là bao nhiêu, khả năng chống chọi của đê thế nào để xây dựng quy hoạch cho phù hợp.

Ông cũng nêu ý kiến TP nên kè toàn bộ 2 bên bờ sông để ổn định dòng chảy, giữ hình dáng dòng sông để lũ nào cũng thoát được. Hà Nội muốn quy hoạch 2 bên bờ sông, cũng cần có các giải pháp di dân, tái định cư cho người dân khu vực ngoài đê.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-toan-kho-giai-khi-quy-hoach-thanh-pho-2-ben-song-hong-post1107025.html