Bài toán khó ở 'hòn đảo của các vị thần'

Indonesia đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào điện than. Tuy nhiên, nước này sẽ phải đối mặt những thách thức không hề nhỏ.

Khi lái xe băng qua những ngọn núi lửa chạy dọc Bali, người ta sẽ thấy cảnh đẹp kỳ vĩ giúp "hòn đảo của các vị thần" trở thành viên ngọc quý của ngành du lịch Indonesia.

Tuy nhiên, khi đi xuống bờ biển phía bắc, cảnh tượng lại hoàn toàn khác.

Một ống khói cao, sọc đỏ, trắng mọc lên từ quần thể các tòa nhà xám và xanh lam, với dải băng chuyền chạy dài ra biển. Bên cạnh đó, một khối lượng than lớn được chất đống trên các dàn khoan ngoài khơi.

Đó là nhà máy điện Celukan Bawang - một trong các nhà máy nhiệt điện than đang phát triển ở Indonesia.

Mạng lưới nhà máy nhiệt điện than hiện là chủ đề lớn trong các cuộc đàm phán phức tạp nhằm cắt giảm lượng khí thải.

Nhưng con đường dẫn đến năng lượng sạch có thể rất khó đối với những nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là khi các nước vẫn đang loay hoay phục hồi sau tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Indonesia, quốc gia 275 triệu dân đang phát triển nhanh chóng, cũng đối mặt tình cảnh tương tự, theo BBC.

 Nhà máy điện Celukan Bawang ở Singaraja, phía bắc Bali, Indonesia vào năm 2018. Ảnh: Reuters.

Nhà máy điện Celukan Bawang ở Singaraja, phía bắc Bali, Indonesia vào năm 2018. Ảnh: Reuters.

Thay đổi

Nhà máy điện Celukan Bawang được khánh thành vào năm 2015 - năm mà ông Joko Widodo tuyên bố chiến dịch "Thắp sáng Indonesia".

Tại thời điểm đó, tổng thống Indonesia đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất điện thêm 35.000 megawatt trong 4 năm tới để giải quyết tình trạng thiếu hụt dai dẳng. Điều này được thực hiện chủ yếu bằng cách xây dựng hàng chục nhà máy điện chạy bằng than đá, thứ mà Indonesia có rất nhiều.

Vào thời điểm nhà máy Celukan Bawang được lên kế hoạch, Bali đang phải chịu đựng tình cảnh thiếu điện - vấn đề có nguy cơ gây tổn hại cho ngành du lịch. Vì vậy, nguồn cung cấp điện đáng tin cậy là ưu tiên hàng đầu.

Nhưng kể cả vậy, nhà máy điện gây tranh cãi ngay từ ban đầu. Một số tranh chấp đã nổ ra với người dân địa phương về việc thu hồi đất và khiếu nại ô nhiễm.

“Kể từ khi họ bắt đầu hoạt động, chúng tôi không còn tìm thấy một số loại cá nữa”, Supriyadi, một ngư dân sống cách nhà máy vài trăm mét dưới bãi biển cho biết. "Cá đã bơi xa hơn ra biển và mọi người không muốn mua những gì chúng tôi đánh bắt".

Các nhóm môi trường đã vận động chống lại Celukan Bawang, đệ đơn kiện kế hoạch tăng công suất của nhà máy.

"Cho đến một năm trước, có một số từ không thể nói trong giới chính phủ. Khí hậu là một và loại bỏ dần than đá là hai", Adhityani Putri, người điều hành Cerah - tổ chức hoạt động vì quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững, nói.

"(Thế nhưng), tua nhanh một năm, chính phủ cuối cùng cũng thực hiện chuyển đổi khí hậu và năng lượng một cách nghiêm túc”, bà cho biết. “Tổng thống Widodo đã nói vấn đề này trên trường quốc tế và chuyển đổi năng lượng được coi là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên của G20".

Trên thực tế, sự thay đổi đã diễn ra từ COP26 - hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow vào năm 2021 - khi Indonesia tuyên bố sẽ loại bỏ dần năng lượng điện than trước năm 2050.

Kể từ đó, chính phủ đã đưa ra một loạt thông báo, mới nhất là sắc lệnh chặn cấp giấy phép cho các nhà máy đốt than mới.

Tổng thống Joko Widodo tại hội nghị G20. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần lưu ý.

Các dự án đã được phê duyệt vẫn có thể tiếp tục. Các cơ sở cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp thiết yếu, như những mỏ khổng lồ ở miền Đông Indonesia cung cấp phần lớn niken để sản xuất pin cho ô tô điện, vẫn có thể được xây dựng.

Và Indonesia sẽ sản xuất nhiều điện than hơn trong vài năm tới, trước khi nước này bắt đầu cắt giảm sản lượng vào cuối thập kỷ này.

Nhưng ngay cả khi đó, người ta vẫn nói về việc tiếp tục sử dụng than theo những cách khác, như khí hóa - chuyển đổi nó thành dimethyl ether (DME), một chất thay thế cho khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

Rõ ràng đây vẫn chưa phải là bước nhảy vọt để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không của Indonesia vào năm 2060.

Dù vậy, ông Luhut Binsar Panjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, cho biết nước này đang làm mọi thứ nhanh nhất có thể và là quốc gia dẫn đầu đàm phán về chuyển đổi năng lượng.

"Chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ chính sách nào gây nguy hiểm cho thế hệ tiếp theo", ông nói thêm. "Chúng tôi phải có công nghệ sạch với giá cả phải chăng. Và chúng tôi cần lịch trình phù hợp cho nền kinh tế của mình".

Ông Luhut lập luận rằng lượng khí thải carbon bình quân đầu người của Indonesia thấp hơn nhiều so với Mỹ và vẫn thấp hơn mức trung bình toàn cầu.

Thách thức

Chính phủ Indonesia đang đặt niềm tin vào các công nghệ như thu giữ carbon và nhiệt than siêu tới hạn để làm cho các nhà máy điện sạch hơn.

Tuy nhiên, các biện pháp này bị một số nhà môi trường hoài nghi. Họ cũng nói rằng ở những khu vực đông dân nhất, chẳng hạn Java và Bali, hiện dư thừa điện.

Khói và hơi nước bốc lên từ nhà máy nhiệt điện than ở Suralaya, tỉnh Banten, Indonesia, vào năm 2020. Ảnh: Reuters.

"Số lượng nhà máy họ dự định giải thể ít hơn số lượng họ muốn xây dựng. Tại sao họ nói cần tiền để giải thể các nhà máy cũ, nhưng họ vẫn chi tiền cho những nhà máy mới?”, Adlila Isfandiary, nhà vận động về khí hậu và năng lượng tại Greenpeace, nói.

“Nếu xây dựng các nhà máy điện than mới, sẽ không có không gian để phát triển năng lượng tái tạo", cô cho biết thêm.

Có những vấn đề khác đang kìm hãm Indonesia.

Nước này là một trong những nhà sản xuất than lớn nhất thế giới và các nhà môi trường lo ngại rằng lợi ích kinh doanh đang hạn chế tham vọng chuyển đổi năng lượng sạch của chính phủ.

Bên cạnh đó, kế hoạch chuyển đổi cũng vấp phải lực cản từ PLN, nhà cung cấp điện độc quyền thuộc sở hữu nhà nước.

PLN có hợp đồng dài hạn với các nhà thầu tư nhân để xây dựng nhà máy điện mới. Công ty cũng ngăn các doanh nghiệp và cá nhân ở Bali tìm nguồn cung ứng hơn 15% lượng điện năng từ các tấm pin mặt trời, khiến nguồn năng lượng tái tạo đó không khả thi về mặt kinh tế.

Nhưng có lẽ thách thức lớn nhất là các nhà máy điện của Indonesia còn quá mới.

Không giống như Nam Phi, nơi hầu hết nhà máy được đưa vào danh sách ngừng hoạt động đã gần hết thời gian hoạt động, tại Indonesia, chúng còn mới và được xây dựng bằng khoản tiền đi vay. Do đó, việc ngừng hoạt động sẽ rất tốn kém.

"Đây là lúc thế giới cần can thiệp và cung cấp nguồn tài chính giá rẻ, các khoản vay ưu đãi và thậm chí cả các khoản trợ cấp”, bà Putri nói. “Sự kết hợp đó sẽ giúp Indonesia trả hết các khoản vay sớm hơn, và sau đó họ có thể chuyển đổi sớm hơn 10 năm".

Trong bối cảnh đó, hôm 15/11, Mỹ, Nhật Bản, Canada và 6 quốc gia châu Âu đã ký hiệp định với Jakarta bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 để đảm bảo "sự chuyển đổi năng lượng công bằng", giúp nền kinh tế Indonesia không bị phụ thuộc vào than đá.

Nhà Trắng cho biết các quốc gia giàu có đã cam kết huy động ít nhất 20 tỷ USD để giúp Indonesia loại bỏ than đá và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, sớm hơn một thập kỷ so với kế hoạch, AFP đưa tin.

Theo New York Times, thỏa thuận này là nỗ lực tham vọng nhất của Mỹ và các nước châu Âu nhằm thuyết phục một quốc gia đang phát triển từ bỏ loại nhiên liệu hóa thạch này.

Những ánh mắt khắp thế giới đang tập trung vào Bali Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 15/11 đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20, nói rằng "những ánh mắt của thế giới" đang tập trung vào cuộc họp lần này.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-toan-kho-o-hon-dao-cua-cac-vi-than-post1375562.html