'Bài toán' khó?

Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 bất chấp mong muốn của những quốc gia tham gia khác và công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế là một cú sốc cho vấn đề hạt nhân của Tehran nói riêng và các mối quan hệ giữa các bên liên quan.

Trước hết, giữa Mỹ với Iran, hai bên bước vào cuộc đối đầu trực tiếp và toàn diện cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Mỹ quay trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, trong đó tâm điểm là xuất khẩu dầu mỏ, sản phẩm “xương sống” của nền kinh tế nước này, nhằm làm cho quốc gia này kiệt quệ, buộc phải ngồi vào bàn thương lượng với Mỹ. Ngoài ra, còn có những lời đe dọa từ Washington nhắm vào Tehran rằng “phải hứng chịu những cơn bão khủng khiếp” về kinh tế và quân sự.

Đáp lại, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng nước này sẽ sẵn sàng đương đầu một cuộc chiến tranh với Mỹ cả về kinh tế và quân sự. Thậm chí ông Ali Khamenei còn cho rằng nếu Iran không xuất khẩu được dầu thì các nước khác trong khu vực cũng sẽ không bao giờ xuất khẩu dầu được.

Hơn thế, Iran sẽ tăng cường hoạt động làm giàu urani lên mức độ cao hơn ngay lập tức nếu thỏa thuận hạt nhân với Iran trở lại con số không.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Tổng thống Iran Mahmoud Vaezi đề cập sau khi kết thúc phiên họp Nội các Iran hôm 18/7 cho hay Mỹ cũng có ít nhất 8 lần đề nghị cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Iran để thảo luận về vấn đề hạt nhân.

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc gặp với các quan chức Bộ Ngoại giao Iran ngày 21/7, ông Khamenei nhấn mạnh: "Lời nói và thậm chí là chữ ký của những người Mỹ đều không thể tin được, nên các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ không mang lại kết quả gì".

Hai là, giữa Iran với các nước còn lại, nhất là Anh, Pháp, Đức sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Hai bên bước đầu đã có được tiếng nói chung là tìm mọi cách để duy trì thỏa thuận này. Muốn vậy phải tiến hành đàm phán lại về cách thức duy trì và các biện pháp để tránh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran cũng như các doanh nghiệp các nước làm ăn với Iran.

Ngày 6/7, Anh, Pháp, Đức cùng với Nga và Trung Quốc khẳng định trong một tuyên bố chung với Iran rằng họ vẫn giữ cam kết duy trì quan hệ kinh tế với Iran, trong đó có "việc Tehran tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt" cũng như các sản phẩm năng lượng khác.

Còn Tuyên bố chung tại cuộc gặp thượng đỉnh Trung Quốc-EU ngày 17/7 nêu rõ EU và Trung Quốc cho rằng thỏa thuận là một yếu tố then chốt trong cấu trúc quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân. EU và Trung Quốc tái khẳng định cam kết trong việc tiếp tục thực thi thỏa thuận một cách đầy đủ và có hiệu quả.

Sau đó một ngày, trong buổi tiếp nghị sĩ Đức ông Thorsten Frei, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại thuộc Quốc hội Iran Heshmatollah Falahatpisheh nhấn mạnh vai trò chính của EU trong việc cứu thỏa thuận nói trên và lưu ý rằng Iran sẽ chỉ tiếp tục ở lại thỏa thuận nếu các cuộc đàm phán với các nước châu Âu chứng minh có hiệu quả.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết một cách rõ rằng, châu Âu cần thực hiện những cam kết mà họ đã đưa ra trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân Iran, nếu không thì nước này quay lại làm giàu uranium.

Theo các nhà phân tích khu vực, nếu các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại, việc nối lại hoạt động làm giàu urani của Iran là “gần như chắc chắn” và sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ “cảnh báo”. Khi ấy, những nỗ lực nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa khu vực Trung Đông cũng như ngăn chặn việc phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng “đi vào ngõ cụt”.

Đây là bài toán phức tạp mà cả Iran cùng với Anh, Pháp, Đức phải nhanh chóng giải quyết.

Ba là, quan hệ giữa Mỹ với Anh, Pháp, Đức. Có thể nói quyết định của Mỹ đẩy các đồng minh châu Âu vào thế bị động hoàn toàn. Vì châu Âu coi thỏa thuận là nhân tố để đảm bảo an ninh của lục địa này cũng như ở khu vực Trung Đông kế cận. Ngay sau khi thảo thuận hạt nhân với Iran được ký kết, nhiều tập đoàn kinh tế hùng mạnh của châu Âu nhảy vào làm ăn với Iran, trong đó có lĩnh vự dầu mỏ, hàng không và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Một khi Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt thì các doanh nghiệp châu Âu phải đối diện thách thức hoặc là rút lui hoặc là chấp nhận .

Tuy vậy, ngày 16/7, EU đã bác yêu cầu của Mỹ về cô lập kinh tế Iran. Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini cho biết các nước châu Âu đã thông qua việc triển khai một công cụ pháp lý nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn tại Iran. Tuy nhiên, bà Mogherini thừa nhận việc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ là rất khó khăn do "vị thế của Mỹ trong nền kinh tế thế giới".

Những nỗ lực của EU do đó sẽ không thể đảm bảo đáp ứng đủ các đòi hỏi của tình hình, nhưng bà Mogherini nhấn mạnh EU "sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh dẫn tới sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran, bởi những hệ lụy của nó sẽ là thảm họa đối với tất cả chúng ta".

Như vậy có thể thấy, EU đang cùng một lúc đối diện với Mỹ trong vấn đề trừng phạt kinh tế Iran, lại phải chịu gánh nặng về áp thuế nhôm, thép và có thể là ô tô mà Mỹ đe dọa nhằm vào khối này. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đến nay.

Có thể nói, “số phận” thỏa thuận hạt nhân với Iran hiện giờ đang nằm về phía Anh, Pháp, Đức và dư luận đang trông chờ một tín hiệu tốt để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran theo đúng những gì mà các bên liên quan kỳ vọng, trừ Mỹ./.

Tuyết Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/bai-toan-kho/342006.vgp