Bài toán nào cho chợ truyền thống?

Chợ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa và là địa điểm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; kết nối, hợp tác, chia sẻ với nhau để đạt được mục đích chung, hình thành các mối quan hệ cả về văn hóa và kinh tế. Thế nhưng trước sự phát triển mạnh của hệ thống siêu thị, các chuỗi cửa hàng, đại lý, các chợ truyền thống đang bị thu hẹp và có nguy cơ bị 'xóa sổ'.

Một buổi sáng giữa tháng 5, chúng tôi đến một số chợ truyền thống trên địa bàn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) như: Chợ Giang (thị trấn Thổ Tang), chợ Bồ Sao (xã Bồ Sao), chợ Kiệu (xã Chấn Hưng), chợ Chục (xã Nghĩa Hưng) và nhận thấy ở những nơi này, người bán nhiều hơn người mua. Ngay cả chợ Giang, một chợ từng nổi tiếng về sự sầm uất, tấp nập, nay thưa thớt người mua, trong khi hàng hóa vẫn khá phong phú, đa dạng.

 Chợ Bồ Sao được xây dựng khang trang nhưng hiện các ki-ốt phải đóng cửa vì vắng khách.

Chợ Bồ Sao được xây dựng khang trang nhưng hiện các ki-ốt phải đóng cửa vì vắng khách.

Bà Tâm, một người có thâm niên bán hàng nhiều năm ở chợ Giang, tâm sự: “Trước đây, vào đúng phiên, chợ đông vui như ngày hội. Thế nhưng vài năm trở lại đây chợ trở nên vắng vẻ do các siêu thị, cửa hàng mọc san sát với đủ loại mặt hàng từ nông sản đến bánh kẹo, tạp hóa, vàng bạc, đá quý. Khách chỉ dừng ô tô hoặc xe máy ven đường, cần mua gì chủ hàng sẽ cho người mang ra tận xe. Do vậy, những tiểu thương như chúng tôi cảm thấy rất chán nản vì hàng hóa ế ẩm. Không ít người đã phải đóng quầy chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh”.

Tại chợ Bồ Sao, mặc dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng mới, các ki-ốt quy hoạch gọn gàng, sạch sẽ, nhưng khách đến chợ mua bán rất thưa thớt. Nếu như trước đây chợ có đủ các mặt hàng từ quần áo, đồ điện, đồ nhựa, đồ gia dụng... nhưng nay chỉ có một số ki-ốt nhỏ bán rau, hoa, quả, cá, thịt, bánh chưng, bánh rán… Một tiểu thương chia sẻ: "Khi chợ vừa xây mới, chúng tôi đăng ký đấu thầu thuê ki-ốt, nhưng chỉ buôn bán được một thời gian ngắn thì phải đóng cửa do vắng khách. Một số người đã phải đóng cửa ki-ốt chấp nhận lãng phí vốn đầu tư". Còn ở chợ Chục, xã Nghĩa Hưng, ngôi chợ có lịch sử hàng trăm năm, từng là nơi buôn bán lý tưởng của nhiều thương lái trong vùng với đủ các mặt hàng từ nông sản đến hàng tiêu dùng, thế nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, hoạt động buôn bán diễn ra đìu hiu. Bà Bùi Thị Thoa, một người kinh doanh tại chợ Chục cho biết: "Tôi đã buôn bán ở chợ này gần 20 năm. Trước đây hoạt động buôn bán rất nhộn nhịp, nhưng từ ngày chợ xây dựng lại quy mô, sạch đẹp hơn thì khách đến mua lại ít hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do các gia đình dọc tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đều mở cửa hàng bày bán đủ các loại hàng, cứ đà này chợ truyền thống sẽ bị "xóa sổ" trong thời gian gần".

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Khang, Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang cho rằng: "Chợ truyền thống sẽ không mất đi, nhưng chắc chắn đã và đang bị thu hẹp. Nhu cầu mua sắm đồ ăn uống, sinh hoạt của người dân cao, nhưng các chợ vẫn thưa vắng khách là do xu hướng của người tiêu dùng đang chuyển dịch đến các siêu thị, chuỗi cửa hàng, đại lý. Bởi ở đó, mua hàng đúng giá, không phải mặc cả, bảo đảm chất lượng và được bảo hành tốt. Tuy nhiên, tôi thấy chợ truyền thống có những mặt hàng mà các đại lý, siêu thị không thể có, như: Cây, con giống, đặc sản của địa phương... Theo đó, để duy trì chợ truyền thống mang tính bền vững, mỗi địa phương cần phải kiện toàn, quy hoạch lại chợ, theo hướng không xây nhiều ki-ốt mà tập trung vào điểm nhấn, chỉ bán những mặt hàng tiêu biểu của địa phương. Bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của vùng miền. Đã đến lúc chính quyền các địa phương, người hoạch định chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới cần có khảo sát, đánh giá cụ thể nhu cầu của người tiêu dùng. Trên cơ sở đó có kế hoạch xây dựng chợ truyền thống phù hợp, tránh tình trạng đầu tư xây dựng chợ gây lãng phí ngân sách của Nhà nước và nhân dân như thời gian vừa qua".

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-toan-nao-cho-cho-truyen-thong-575558