Bài toán nào cho giáo dục nghề nghiệp?

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có sứ mệnh đào tạo lao động trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo điều kiện cho người học có khả năng học lên trình độ cao hơn. 6 tháng đầu năm 2019, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 1,08 triệu người. Tuy nhiên, bài toán này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có sứ mệnh đào tạo lao động trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo điều kiện cho người học có khả năng học lên trình độ cao hơn. 6 tháng đầu năm 2019, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 1,08 triệu người. Tuy nhiên, bài toán này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

6 tháng đầu năm 2019, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 1,08 triệu người. Ảnh: TTXVN

6 tháng đầu năm 2019, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 1,08 triệu người. Ảnh: TTXVN

Cần giải pháp để làm tốt công tác phân luồng

Tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề nên nhiều người chưa thấy được vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, việc định hướng, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học tại các cơ sở GDNN là rất quan trọng.

Một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt phân luồng được Tổng cục GDNN đưa ra, đó là áp dụng mô hình 9+ - mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới, điển hình là mô hình đào tạo kép tại Đức và Kosen tại Nhật Bản. Theo đó, học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm, tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại, được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16-18.

Lựa chọn khác dành cho các em tham gia chương trình đào tạo 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 để theo 8 bậc của Khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng Trung cấp, sau đó có thể học liên thông lên Cao đẳng, Đại học, không phải học lại những nội dung đã được học... Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại là một trong những cơ sở được Bộ Công Thương và Tổ chức Jica Nhật Bản lựa chọn áp dụng mô hình Kosen từ năm 2016.

Phải song hành cùng doanh nghiệp

TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhận định: Thời gian qua, sự gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành, vận hành tốt trong thực tiễn.

Nhiều cơ sở GDNN cũng thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Nhiều trường mời doanh nghiệp tham dự lễ tốt nghiệp để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Một số trường tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Tính trung bình, năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%, trong đó, tỷ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 87%, trung cấp đạt 82%.

Sự phối hợp giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp là cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của xã hội. Dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với các cơ sở GDNN vẫn còn ở mức khiêm tốn và chưa đó nhiều đột phá.

Để GDNN bắt kịp xu hướng hội nhập

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động đến toàn bộ đời sống con người cả về công việc, giải trí, kết nối thông tin. Theo đó, cuộc cách mạng này mang lại nhiều lợi ích lâu dài về hiệu quả, năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với xu hướng toàn cầu, Việt Nam đã, đang chuẩn bị các điều kiện để khai thác, tận dụng các lợi ích của cuộc cách mạng 4.0.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích: Thế giới việc làm 4.0 là thế giới việc làm trong đó con người cạnh tranh với robot trong một môi trường làm việc số hóa, tự động hóa. Để cạnh tranh được, người lao động không thể chỉ có các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể, còn phải có những kỹ năng rộng hơn, bao gồm các kỹ năng nền tảng tương đối rộng để ứng phó với sự thay đổi và những kỹ năng làm người (human skills) không thể thuật toán hóa, như giao tiếp, hợp tác, tư duy phê phán, sáng tạo, hiếu kỳ, kiên trì, bao dung. Điều đó bắt buộc GDNN phải đổi mới… Về lâu dài, cần đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp, hướng tới mô hình mới gọi là giáo dục nghề nghiệp 4.0. Đó là mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, liên thông, với mục đích cung cấp cho người học những năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm 4.0.

B.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_217718_bai-toan-nao-cho-giao-duc-nghe-nghiep-.aspx