Bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực: Tính thế nào?

Nguồn lực của Việt Nam đang rất khan hiếm mà sử dụng lại chưa hiệu quả...

Đề cập tới vấn đề huy động phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong cải cách kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu sử dụng hiệu quả các nguồn lực, VN có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 9-10%/năm, tương đương Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời kỳ kinh tế cất cánh.

Nguồn lực của Việt Nam khan hiếm nhưng sử dụng lại chưa hiệu quả. Ảnh minh họa: Zing

Từ góc nhìn chuyên gia, TS Bùi Trinh cho rằng muốn sử dụng hiệu quả các nguồn lực thì trước hết phải xác định cho rõ đó là những nguồn lực gì và thực trạng của các nguồn lực chúng ta đang có hiện như thế nào.

Ông Trinh nói thẳng, nguồn lực của Việt Nam hiện rất khan hiếm nhưng lại chưa được chắt chiu, sử dụng chưa hiểu quả.

Cụ thể với nguồn lực chính sách, được xem là nguồn lực quan trọng nhất thì hiện đang chảy ngược (chảy không đúng chỗ).

Chính sách xuất nhập khẩu nói là hỗ trợ sản xuất trong nước nhưng thực tế lại đang hỗ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài vì nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là nền kinh tế gia công.

Trong 10 năm, xuất khẩu tuy làm tăng sản xuất khoảng 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng vào GDP lại giảm (âm 13.3%) và lo ngại hơn nó là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%).

Điều này khẳng định nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao.

Theo ông Trinh, đỉnh điểm là năm 2008, tổng mức nhập siêu hàng hóa là trên 18 tỷ USD, các loại hàng hóa nhập khẩu cho khu vực FDI hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… Nhưng mặt hàng xuất khẩu lại mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Từ năm 2000 đến 2015, FDI luôn xuất siêu và khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng từ 57% tăng lên 67%. Nhưng tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của FDI trong 10 năm chỉ tăng 3%.

Vì thế, dù xuất siêu hay nhập siêu đều là của FDI, không liên quan gì đến doanh nghiệp trong nước.

Về chính sách thu hút FDI cũng được cho là không phù hợp. Khu vực FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn các thành phần doanh nghiệp trong nước nhưng đóng góp không đáng bao nhiêu.

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011-2016, khu vực DN FDI có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực DN ngoài nhà nước hơn 181%. Lợi nhuận này của khu vực FDI là lợi nhuận đã khai báo với cơ quan thuế, tức là lợi nhuận sau khi đã trừ đi các khoản chi phí nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu có thể bị nâng giá trị (chuyển giá) để làm giảm lợi nhuận, tránh thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thế nhưng, thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước. Thuế bao gồm cả thuế gián thu và trực thu.

Khoản thuế gián thu về bản chất không phải của khu vực FDI đóng góp vào ngân sách mà đấy chính là khoản người dân Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua tiêu dùng sản phẩm của khu vực FDI. Khoản thuế không bao gồm thuế gián thu của khu vực FDI nộp vào ngân sách chỉ bằng 51% khu vực ngoài nhà nước. Điều này theo ông Trinh là một nghịch lý.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, luồng tiền ra thuần năm 2017 khoảng 10,6 tỉ đô la, chiếm khoảng 5% GDP, tăng 28% so với năm 2016 theo giá hiện hành và tăng gần 24% so với năm 2016 nếu loại trừ yếu tố giá. Tốc độ tăng của luồng tiền ra cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khá nhiều (hơn ba lần). Như vậy, có thể thấy tăng trưởng GDP dựa vào khu vực FDI như hiện nay khiến nguồn lực của nền kinh tế yếu đi.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp trong nước khó lại chồng thêm khó bởi những quy định được cho là kìm hãm sự phát triển.

Ví dụ quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế tại Nghị định 20, quy định này có tính bất hợp lý và làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp nội. Trong khi, doanh nghiệp FDI sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do họ không phải đi vay.

Ông Trinh dẫn chứng từ kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%.

Đến năm 2017, theo sách trắng của thống kê tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đã lên tới 4,2/1.

Như vậy có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.

Còn nếu nhìn vào hai nguồn lực cơ bản là vốn và lao động thì cả hai đều không hiệu quả.

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Lào nhưng hiện rất thấp so với các nước trong khu vực. Còn nguồn vốn thì chủ yếu vay về để chi tiêu và đầu tư nhưng cũng không hiệu quả, để thất thoát.

Khối DNNN là khu vực nhận được nhiều ưu đãi thì làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, hàng nghìn hec-ta đất đai cũng bị sử dụng không hiệu quả, lãng phí.

Sử dụng nguồn lực hiệu quả, có thể tăng trưởng 9-10%?

Nếu nói chính xác thì nguồn lực của Việt Nam đang rất khan hiếm mà sử dụng lại chưa hiệu quả. Do đó, trước khi tính tới việc sử dụng được hiệu quả nguồn lực thì trước hết phải tìm kiếm cho được nguồn lực, phải xác định cho được thế mạnh của Việt Nam là gì.

Theo đánh giá của chuyên gia Bùi Trinh, nguồn lực tiềm năng nhất của Việt Nam hiện tại vẫn là phát triển nông nghiệp. Cũng theo vị chuyên gia này, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản có hệ số lan tỏa lớn nhất cho nền kinh tế, cũng tạo ra sự lan tỏa cho thu nhập nhưng lại chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/bai-toan-su-dung-hieu-qua-nguon-luc-tinh-the-nao-3392681/