Bám bản, 'gieo chữ' nơi vùng cao Chiềng Công

Bất kể nắng mưa, khó khăn, những năm qua, nhiều thầy, cô giáo vẫn miệt mài với công việc 'gieo chữ' nơi vùng cao Tây Bắc.

Cô Lò Thị Tươi cho biết, sự bất đồng về ngôn ngữ gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và truyền đạt kiến thức đến các em học sinh

"Gieo chữ" ở Chiềng Công

Chiềng Công là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mường La (Sơn La). Kinh tế của người dân xã Chiềng Công chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Từ trung tâm thành phố Sơn La đến Chiềng Công không xa nhưng những con đường gập ghềnh sỏi đá như muốn làm nản lòng bất cứ ai có ý định đến với xã vùng sâu, vùng xa này.

Đường đến các điểm trường luôn thường trực những nguy hiểm rình rập đối với các thầy cô giáo.

Khó khăn là vậy, thế nhưng nhiều năm qua, nhiều thầy, cô giáo vẫn cần mẫn bám bản, gieo chữ cho bao thế hệ học trò nơi vùng cao Tây Bắc này.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chiềng Công có hơn 800 em học sinh người dân tộc Mông và La Ha đang theo học. Theo chia sẻ của cô Lò Thị Tươi (giáo viên nhà trường) thì khó khăn lớn nhất đối với những người làm công việc "gieo chữ" ở nơi đây ngoài đường xá cách trở, điều kiện vật chất thiếu thốn còn là sự bất đồng về ngôn ngữ gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và truyền đạt kiến thức đến các em học sinh.

"Ngoài điểm trường nằm ở trung tâm xã, Chiềng Công còn có 15 điểm trường ở 17 bản. Để đến được những điểm trường này, các thầy cô chỉ còn cách là băng qua những con đường mòn trơ đầy sỏi đá, xuyên qua rừng. Khi trời nắng còn đỡ vất vả chứ khi trời mưa gió, đường trơn trượt nên các thầy cô thường xuyên phải đối diện với sự nguy hiểm rình rập", cô Tươi chia sẻ.

Không chỉ là những người truyền đạt kiến thức cho học sinh, các thầy, cô giáo cắm bản phải kiêm luôn công việc của những người bạn, người mẹ và có khi là cả những y bác sĩ của học sinh.

Cô Lò Thị Xuân là một trong những giáo viên trẻ đang ngày ngày bám bản, gieo chữ ở xã vùng cao Chiềng Công.

"Khoảng cách giữa các điểm trường rất xa nhau, ví dụ như điểm trường gần nhất là Kéo Hỏm cũng cách trung tâm xã Chiềng Công 5km. Xa hơn nữa là điểm trường Hán Cá Thệch thì quãng đường lên đến 30km. Dân cư ở những nơi này chủ yếu là đồng bào dân tộc, chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc học nên để trẻ có thể đến lớp, ngoài các giờ dạy, các thầy cô phải đến tận nhà để động viên phụ huynh các em.

Khi phía phụ huynh đã xuôi, để trẻ có động lực, tích cực đến lớp học tập, các thầy cô giáo phải tự bỏ tiền túi ra để mua sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi và bánh kéo phát cho các em", cô Lò Thị Xuân (phụ trách điểm trường Kéo Hỏm - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chiềng Công) tâm sự.

Vượt khó để bám bản, bám lớp

Bám bản, "gieo chữ" cho những đứa trẻ ở vùng cao được nhiều năm nhưng với cô giáo Lê Thị Nga, nỗi ám ảnh lớn nhất khi thực hiện thiên chức "trồng người" của mình là quãng đường di chuyển giữa các điểm trường. Cô Nga chia sẻ, bên cạnh khoảng cách xa, đường đi lại cheo leo và lởm chởm đá tai mèo sắc lạnh và có thể ngã bất cứ lúc nào. "Nhiều khi mưa bão, nước lũ chia cắt đường xá, việc các thầy cô phải ngủ lại bản cả tháng không phải là chuyện hiếm gặp", cô Nga chia sẻ.

Với nhiều thầy cô mới về giảng dạy, do chưa quen với nguồn nước và khí hậu lạnh giá nên có khi bị ốm cả tuần. Để đến được các điểm trường, đều đặn mỗi ngày, các thầy cô phải dậy từ khi trời mới tờ mờ sáng. "Những yếu tố ngoại cảnh dần dần có thể khắc phục được chứ ở nơi vùng cao heo hút này, nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Tuy nhiên, cũng bởi yêu nghề, mến trẻ và phải lòng với đất và con người nơi đây nên các thầy cô mới có đủ dũng cảm, tình nguyện lên đây công tác", cô Nga bộc bạch.

Ở Chiềng Công, cô Đặng Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Tiểu học Chiềng Công vẫn luôn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ nhà giáo công tác tại đây. Mặc dù đã hơn 50 tuổi nhưng người nữ hiệu trưởng vẫn nhiệt huyết cống hiến, bám trường, bám lớp truyền thụ kiến thức cho bao thế hệ học sinh nơi vùng cao khó khăn này.

Theo như cô Tâm chia sẻ, dẫu công việc giảng dạy vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô giáo luôn động viên nhau cùng cố gắng để khắc phục, mang con chữ đến với những đứa trẻ ở nơi đây.

Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn bám bản, "gieo chữ" cho nhiều học trò ở Chiềng Công.

Cô Tâm cho biết, năm học 2023 - 2024, nhà trường có 841 học sinh, trong đó có 426 em trong chế độ bán trú. Cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản đảm bảo, đáp ứng công tác dạy và học dẫu còn nhiều khó khăn.

"Là giáo viên vùng cao thì có muôn vàn nỗi trăn trở nên rất mong muốn các cấp chính quyền, các "mạnh thường quân", cơ quan đơn vị… quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh vùng cao xã Chiềng Công. Nhất là đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường như Kéo Hỏm, Hán Cá Thệnh. Đặc biệt, tài trợ thêm sách vở, quần áo, dụng cụ học tập… để học sinh nghèo vùng cao có động lực, vững bước tới trường", cô Tâm chia sẻ.

Nguyễn Tuấn Khang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bam-ban-gieo-chu-noi-vung-cao-chieng-cong-20231124213146288.htm