'Bám đất, bám ruộng' làm giàu chính đáng

Phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên mảnh đất quê hương là mong muốn, nhu cầu chính đáng của mỗi nông dân. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, cần cù chịu thương chịu khó, 'bám đất, bám ruộng', ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho gia đình, cho quê hương.

Nông dân Lò Văn Hưởng, bản Nà Lấu, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) chăm sóc vườn cây ăn quả.

Nông dân Lò Văn Hưởng, bản Nà Lấu, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) chăm sóc vườn cây ăn quả.

Về xã Thanh Yên, huyện Điện Biên hôm nay, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, cuộc sống của người nông dân khá giả hơn nhờ tích cực áp dụng kỹ thuật vào thâm canh cây lúa, cho năng suất chất lượng cao, thu nhập ổn định.

Trên cánh đồng lúa chín đang chờ ngày thu hoạch, chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với anh Quản Bá Mười, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên. Anh Mười cho biết: “Thanh Yên là xã thuần nông nằm trong khu vực lòng chảo Mường Thanh có điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, thích hợp để canh tác cây lúa nước, cho sản phẩm gạo chất lượng thơm ngon. Nắm bắt những lợi thế đó, từ năm 2015, tôi mạnh dạn vận động người dân trong xã tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm bền vững. Những ngày đầu mới thành lập HTX, việc vận động nông dân gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là mô hình sản xuất mới, nông dân tham gia cần tuân thủ nghiêm quy trình, kỹ thuật canh tác và ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất. Nhiều người nghi ngại tính khả thi của mô hình và đầu ra sản phẩm nên từ chối tham gia. Để tạo lòng tin cho các hộ tôi đã cam kết khi tham gia liên kết, người dân được hỗ trợ 100% giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc lúa an toàn. Đặc biệt, HTX cam kết với nông dân bao tiêu toàn bộ đầu ra, giá cả ổn định và luôn cao hơn giá ngoài thị trường.”

Với sự kiên trì vận động của anh Mười, “mưa dầm thấm lâu”, cùng với sự vào cuộc của Hội Nông dân, các đoàn thể xã, vụ mùa năm 2016 có hơn 40 hộ nông dân tham gia HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7 trên diện tích tập trung 31ha. Đến nay, HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã thành công với mô hình sản xuất lúa gạo đặc sản giống Bắc thơm số 7. Sản phẩm gạo mang tên Tâm Sáng, duy nhất tại tỉnh Điện Biên được đóng tem truy xuất nguồn gốc, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ phương pháp sản xuất theo chuỗi an toàn. Qua đó đã thu hút thêm nhiều hội viên tham gia, hiện nay HTX đã tăng lên 105 thành viên với gần 80ha sản xuất lúa hai vụ theo hướng cánh đồng lớn. Bình quân mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường trên 500 tấn gạo đã qua sơ chế, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 300 triệu đồng/năm.

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Lò Văn Hướng, bản Nà Lấu, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư cải tạo, chuyển đổi hơn 1ha đất trồng ngô kém hiệu quả của gia đình sang làm trang trại trồng cây ăn quả (bưởi, xoài) kết hợp mô hình chăn nuôi lợn, gà thương phẩm.

Ông Hưởng chia sẻ: Từ năm 2017, sau nhiều năm bôn ba làm thuê tại Hà Nội, Bắc Giang, tôi nhận ra tại sao không làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, trong khi tư liệu sản xuất (đất) mình có mà lại để hoang. Nói là làm, cuối năm 2017 cùng với số vốn tích lũy của gia đình tôi đã vay thêm ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả. Thời gian đầu mới bắt tay vào làm gặp không ít khó khăn về kỹ thuật, đầu ra. Song tôi vẫn kiên trì học hỏi, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh phòng dịch cho đàn vật nuôi. Đồng thời liên kết sản xuất với các công ty, tiểu thương trong việc cung ứng thức ăn, phân bón nhằm giảm chi phí, giảm giá thành và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ đó mô hình kinh tế của gia đình ngày càng phát triển. Hiện nay gia đình tôi duy trì trên 30 con lợn thương phẩm, hơn 300 con gà thịt cùng hơn 1ha cây ăn quả (xoài, nhãn, bưởi). Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình có nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

Anh Mười, ông Hưởng chỉ là 2 trong số những nông dân “bám ruộng, bám đất” làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Dẫu biết lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng bằng tình yêu quê hương, lòng nhiệt huyết, những nông dân như ông Hưởng, anh Mười, và rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vươn lên làm giàu chính đáng, bền vững.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/205891/%E2%80%9Cbam-dat-bam-ruong%E2%80%9D-lam-giau-chinh-dang