'Băm nát' Phú Quốc: Yêu cầu không được rào đường xuống biển

Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), yêu cầu chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương không được rào chắn đường trong quá trình thi công dự án để người dân và du khách xuống biển tắm và tham quan khu vực này.

Liên quan đến việc báo Tiền Phong phản ánh việc người dân phản ứng việc doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án nhưng "ngăn sông, cấm biển" gây bức xúc, ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vừa có công văn về việc xử lý vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc rộng 205 ha tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương của Công ty cổ phần Sài Gòn Sovico.

Theo công văn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc yêu cầu chủ đầu tư là Công ty bố trí vốn để thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Đặc biệt là phải giữ nguyên tuyến đường xuống biển, không rào chắn lại để người dân và du khách đi lại, tham quan, tắm biển. Đối với các hộ chưa bàn giao đất thì chủ đầu tư không được tác động đến.

Chỉ đạo "mở đường xuống biển" của lãnh đạo huyện Phú Quốc xuất phát từ việc hàng chục người dân ở xã Cửa Dương kéo về ấp Ông Lang căng băng rôn, phản đối doanh nghiệp lập hàng rào chặn đường xuống biển trong quá trình thi công dự án. Người dân cho rằng, đây là đường dân sinh, họ cần đi ra biển để đánh bắt hải sản cũng như ra tắm biển.

Hàng chục người dân bức xúc căng băng rôn, phản đối doanh nghiệp lập hàng rào chặn đường xuống biển ở xã Cửa Dương (huyện Phú Quốc). Ảnh: Việt Tường.

Hàng chục người dân bức xúc căng băng rôn, phản đối doanh nghiệp lập hàng rào chặn đường xuống biển ở xã Cửa Dương (huyện Phú Quốc). Ảnh: Việt Tường.

Ông Trương Văn Buôl, nguyên Trưởng ấp Ông Lang, cho biết nơi doanh nghiệp lập hàng rào “ngăn sông cấm biển” là đường mòn để người dân trong vùng đi xuống biển Cửa Dương và đi qua Cửa Cạn. Hơn nữa nhiều hộ dân ở đây chưa được đền bù. "Con đường xuống biển này hình thành qua hai cuộc kháng chiến. Tôi là thương binh, từng làm trưởng ấp nên rất rõ chuyện này. Đền bù đất mới có mấy hộ mà anh rào đường của người ta là không thể chấp nhận", ông Buôl bức xúc kể.

Trước đó, trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh việc người dân phản ứng việc doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án nhưng "ngăn sông, cấm biển" gây bức xúc, ông Phạm Văn Mận (Tư Mận), nguyên Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự và là nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Quốc cho biết: " Ở vụ này doanh nghiệp đã sai khi tự ý làm hàng rào chắn con đường chính và huyết mạch của người dân Ông Lang đi xuống biển. Tuy nhiên, trong vụ này chính quyền cũng sai, đó là chưa cấp chỗ tái định cư cho người dân", ông Mận nói.

Theo ông Mận, khu vực bị rào chắn là đường dân sinh có từ lâu đời và là đường xuống biển liên xã Cửa Dương đi Cửa Cạn. "Đường nhựa ở trên sau này mới có, còn trước đây người dân chỉ đi đường này. Dọc theo đường xuống biển còn có nhiều mồ mã của người dân địa phương...., nên việc cư dân ở đây phản ứng là có cơ sở", ông Mận phân tích.

Đình Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/dia-oc/bam-nat-phu-quoc-yeu-cau-khong-duoc-rao-duong-xuong-bien-1291432.tpo