Bản án giám đốc thẩm có phải là cuối cùng?

Một độc giả ở Hải Phòng thắc mắc rằng thường chỉ nghe có án sơ thẩm và phúc thẩm, không biết đến phiên giám đốc thẩm sẽ làm gì, sau giám đốc thẩm còn cấp nào khác hay không.

Câu hỏi của độc giả Hoàng Anh (23 tuổi, ở quận Lê Chân, Hải Phòng) gửi đến Zing.vn sau khi Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên giám đốc thẩm, xem xét lại bản án của Nguyễn Khắc Thủy (ngụ TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) bị tuyên 18 tháng tù treo về tội Dâm ô đối với trẻ em.

Theo quy định tại Điều 370 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, để bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì theo quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, cần có 3 căn cứ.

Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy. Ảnh: Tiên Tiên.

Thứ nhất là kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Hai là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án và ba là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Đối với vụ án của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy mà TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên 18 tháng tù treo về tội Dâm ô đối với trẻ em, được TAND Cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên. Theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm là thủ tục cuối cùng.

Luật sư Trần Quang Bách - Giám đốc Công ty Luật TNHH Tuệ Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ban-an-giam-doc-tham-co-phai-la-cuoi-cung-post848007.html