Bản Bay ngày mới

Về thôn Bản Bay, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng), chúng tôi như lạc vào khu du lịch đồng quê với đường nội thôn được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, hai bên là nhà cao tầng mọc lên san sát, ngập tràn sắc hoa. Đó là minh chứng sống động cho sự ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây.

Về Bản Bay hôm nay, những ngôi nhà xây khang trang mọc lên san sát.

Về Bản Bay hôm nay, những ngôi nhà xây khang trang mọc lên san sát.

Cái tên Bản Bay vốn dĩ do trước đây ngay đầu thôn có một cây bay (cây trám đen) lớn, người Tày coi đó là cây thiêng nên đặt tên cho vùng đất. Sau chiến tranh biên giới, thôn Bản Bay dần sầm uất bởi hàng trăm chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam tham gia xây dựng mỏ Apatit, xây dựng nhà máy tuyển quặng tại Tằng Loỏng (Bảo Thắng). Bản Bay được lựa chọn là khu nghỉ dưỡng của cán bộ, chuyên gia và công nhân mỏ.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bay nhớ lại: Bản Bay khi ấy là thôn đầu tiên của tỉnh Lào Cai có điện lưới quốc gia. Cứ tối đến, nườm nượp người dân ở các xã Gia Phú, Sơn Hà, Sơn Hải đến xem ti vi do các chuyên gia Liên Xô mang sang, tiếng cười, tiếng nói xôn xao cả khu nhà văn hóa...

Đến năm 1991, Liên Xô tan rã, các chuyên gia rút về nước, cả thôn Bản Bay “trầm lặng”, bắt đầu công cuộc xây dựng đời sống mới. Với quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít ỏi, người dân Bản Bay phải “lựa” cách làm kinh tế, người kinh doanh dịch vụ, người làm công nhân nhà máy…

Nhà văn hóa thôn Bản Bay được xây dựng với 100% sức dân.

Thời điểm năm 2019, Bản Bay trở thành thôn thứ 3 của xã Gia Phú đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân khi ấy đã đạt 40 triệu đồng/người/năm. Từ đó tới nay, thu nhập của người dân tiếp tục được nâng cao chính nhờ sự chăm chỉ, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Ông Đỗ Trọng Long, thôn Bản Bay, xã Gia Phú nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh tâm sự: Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, lựa chọn những cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao, cuộc sống gia đình tôi trở nên khá hơn. Gia đình tôi còn trồng hoa, cây cảnh làm đẹp từ nhà ra ngõ, góp phần xây dựng nông thôn Bản Bay “xanh, sạch, đẹp”.

Ông Đỗ Trọng Long, thôn Bản Bay, xã Gia Phú thành công với mô hình trồng hoa giấy.

Ngoài gia đình ông Long, thôn Bản Bay còn có nhiều hộ làm kinh tế giỏi, như hộ chị Đỗ Thị Dung với mô hình nuôi chim cút; gia đình cựu chiến binh Đỗ Thế Thắng phát triển mô hình nuôi lợn thịt; gia đình chị Nguyễn Thị Bích Phượng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh vật liệu xây dựng… Thôn có 170 hộ, gần 500 nhân khẩu thì chỉ còn 3 hộ nghèo.

Ông Nguyễn Quốc Thắng (bên phải), Bí thư chi bộ thôn Bản Bay thăm mô hình nuôi trứng chim cút của một hộ dân trong thôn.

Từ sự đồng thuận của người dân cùng sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, phong trào xây dựng thôn nông thôn mới trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả, diện mạo Bản Bay khởi sắc từng ngày, đời sống người dân ngày càng ấm no. Người dân trong thôn tự bỏ tiền thuê một tổ thu gom rác thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm và các khu công cộng, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Đường nội thôn rộng rãi, sạch sẽ với hệ thống đèn điện chiếu sáng do người dân đóng góp.

Đặc biệt, từ khi giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến Tỉnh lộ 152, người dân đã nhiệt tình hưởng ứng bằng việc tự nguyện phá dỡ tường rào, nhà ở, hiến hơn 500 m2 đất để làm đường. Hiện tại, tuyến đường liên thôn Bản Bay và 100% tuyến đường liên gia đã được đổ bê tông; nhà văn hóa thôn đang được cải tạo với kinh phí hơn 140 triệu đồng do người dân đóng góp, đặc biệt là hệ thống đèn điện chiếu sáng đường nội thôn với chiều dài 3 km được huy động 100% từ sức dân. “Không dễ dàng để có được sự đồng thuận, đoàn kết như vậy khi người dân sống “đời của phố” - ông Thắng tự hào khi nhắc về Bản Bay.

Sự trù phú hôm nay của Bản Bay mang dáng dấp của “phố trong làng”, nơi đói nghèo đã lùi xa, cuộc sống văn minh, hiện đại hiện hữu ở vùng quê nông thôn bên dòng suối Bo.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ban-bay-ngay-moi-post367595.html