Bạn cần biết: Để chủ động tránh rét cho cây trồng vật nuôi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 11/1, không khí lạnh rất mạnh tiếp tục ảnh hưởng đến thời tiết Quảng Ninh. Trời rét đậm, rét hại. Nhiệt độ toàn tỉnh có khả năng giảm sâu dưới 10 độ C, có nơi nhiệt độ giảm xuống rất thấp. Đây là đợt rét kéo dài và giảm sâu nhất từ đầu mùa đến nay gây bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với đợt rét đậm, rét hại nhằm giảm tối đa thiệt hại đối với sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 8501/UBND-NLN3 (ngày 11/12/2020) về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, Sở đã ban hành kế hoạch triển khai và hướng dẫn công tác phòng, chống rét trên địa bàn tỉnh; đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan tới từng xã, thôn, khe, bản tại 14/14 địa phương để kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi trong điều kiện nhiệt độ giảm sâu. Trước đó, Sở NN&PTNT cũng đã tập huấn cho bà con cách dự trữ thức ăn cho gia súc như xây các cây rơm, trồng cỏ, ủ chua thức ăn... để chủ động đủ nguồn thức ăn cho gia súc trong thời tiết giá lạnh; hướng dẫn bà con nuôi trồng thủy, hải sản; các biện pháp bảo vệ hoa màu...

Người chăn nuôi đã có ý thức bảo vệ đàn gia súc không thả rông khi trời giá rét.

Người chăn nuôi đã có ý thức bảo vệ đàn gia súc không thả rông khi trời giá rét.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT hiện toàn tỉnh có 79ha nuôi thủy sản; 16.849 hộ, trang trại; diện tích cây vụ đông 7.180ha (hiện cây vụ đông đã thu hoạch được 1/2 diện tích trồng).

Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh và của ngành nông nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo, vận động, hướng dẫn đồng bào tại những nơi thường xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết rét trong những năm trước đây trên địa bàn Tiên Yên, Hải Hà, Bình Liêu. Hầu hết các địa phương đã chủ động phòng, chống đói rét cho cây trồng, vật nuôi, không còn tình trạng nuôi thả gia súc ngoài trời khi giá rét.

Trước tình hình thời tiết diễn biến xấu, tăng cường rét đậm, rét hại, Sở NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi trong mùa đông các hộ nuôi, gia đình cần lưu ý.

Đối với chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm:

- Sửa chữa chuồng trại, che chắn gió lạnh, giữ khô nền chuồng, kín, ấm và vệ sinh. Dùng các tấm bạt dứa, nilon, phên... che phủ chuồng trại. Dùng chăn bông, bao tải gai... làm áo khoác giữ ấm cho trâu, bò.
- Chuẩn bị đủ thức ăn dự trữ: Rơm, cỏ khô, cám... đảm bảo bình quân 5-7kg rơm, rạ hoặc cỏ khô/trâu, bò/ngày trong thời gian giá rét.

- Khi nhiệt độ dưới 12°C không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài đồng, bãi. Cho trâu, bò ăn thêm cám, ngô, cháo loãng và uống nước ấm có pha thêm muối.

- Đốt lửa chống rét cho trâu bò, tuy nhiên cần đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu bò và đặt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.

- Vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh phát sinh.

- Đối với nuôi trồng thủy sản: Trong thời gian rét đậm, rét hại tuyệt đối không thu hoạch tránh ảnh hưởng đến vật nuôi; sử dụng thức ăn có chất lượng cao, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi; áp dụng các hình thức tăng nhiệt phù hợp và sử dụng các biện pháp che chắn cho ao nuôi, lồng bè...

Phòng chống rét cho cây trồng

- Đối với mạ xuân chính vụ: Nhiệt độ xuống dưới 13 độ C, cần tưới đủ ẩm, giữ mực nước trong ruộng từ 3-5cm, rắc tro bếp một lớp mỏng (5kg/sào mạ) lên bề mặt luống mạ và dùng nilon trắng trùm kín cho mạ. Sau khi hết đợt rét, nhiệt độ ngoài trời trên 15 độ C, phải dỡ bỏ nilon ra ngay để chuẩn bị cấy cho kịp thời vụ. Tổ chức thu hoạch nhanh gọn cây vụ đông.

- Đối với rau màu: Bón phân cho rau màu cân đối, tưới đủ nước cho rau màu; đặc biệt trong thời tiết rét đậm, cần bón nhiều Kali có tác dụng làm giảm độ nhớt trong chất nguyên sinh của tế bào, giúp cho quá trình hoạt động sinh lý, sinh hóa trong cây được thuận lợi, hoạt động mạnh, cây hút được nước, dinh dưỡng tăng khả năng chống rét.

Đối với cây ăn quả: Ủ gốc nhằm giữ ấm cho cây, tưới đủ nước, bổ sung phân hữu cơ, phân lân, kali phù hợp...

Bảo An

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/ban-doc/202101/ban-can-biet-de-chu-dong-tranh-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi-2517005/