Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị làm việc với cộng đồng doanh nghiệp

Chiều 15/9, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.

Đội ngũ doanh nhân tăng cả lượng và chất

Chiều ngày 15/9/2022, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI).

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ doanh nhân trong nước thời gian qua

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ doanh nhân trong nước thời gian qua.

Cụ thể, theo ông Trần Tuấn Anh, qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trên nhiều phương diện.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế.

“Nếu chỉ tính các hộ kinh doanh có mã số thuế, đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã có gần 4 triệu doanh nhân, còn nếu xét cả các hộ kinh doanh không có mã số thuế, Việt Nam đã có hơn 7 triệu doanh nhân” – ông Trần Tuấn Anh thông tin.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong sản kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...

“Chúng ta đã có 6 doanh nhân lọt vào tốp "tỷ phú USD" toàn cầu năm 2021. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới...” – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Cũng đánh giá cao về đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời gian qua, nhất là sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TW được ban hành, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng: Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, khiến số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng trưởng mạnh.

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước lũy kế đến hết năm 2021 là 1.699.194 doanh nghiệp. Trong đó, chỉ trong 11 năm (từ năm 2011- 2021) đã có 1.152.126 doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001-2011, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2021 có gần 104.739 doanh nghiệp được thành lập.

Cùng với số lượng, theo ông Phạm Tấn Công, chất lượng doanh nhân cũng ngày cày được cải thiện: Theo kết quả khảo sát năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân: Trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học…

“Năng lực hội nhập quốc tế của doanh nhân được cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu chủ động hơn trong việc hội nhập, nhất là việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu ngành có quy mô và nguồn lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực như năng lượng.” – Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thông tin,

Với những đóng góp của khu vực doanh nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

“Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo” – ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm.

Các đại biểu đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh về số lượng và cả chất lượng

Tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân bứt phá

Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị quyết số 09-NQ/TW được ban hành đã “mở đường” cho một loạt các chính sách tạo thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn 2011-2021. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 và 72 luật, pháp lệnh, nghị quyết có nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có những bộ luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… nhờ đó mà hệ thống pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, giúp phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt, lành mạnh các loại thị trường tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những hạn chế, tồn tại về số lượng, chất lượng. Doanh nghiệp Việt Nam đa số có quy mô nhỏ, thiếu tầm nhìn đột phá và thiếu sự liên kết với nhau. Trong khi đó, bối cảnh trong nước và quốc quốc tế hiện đang có những đổi thay phức tạp, khó lường, đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng.

Và với tinh thần chỉ đạo của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) là: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”. Trên cơ sở đó, ông Phạm Tấn Công cho rằng, cần tạo ra những cơ chế đột phá cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam thông qua việc xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, có cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế…

Cần tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, Đại hội XIII đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao… Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, yêu cầu phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước. Đòi hỏi, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, mà còn cần phải vươn ra tầm khu vực và quốc tế. Cần phát huy hơn nữa tính chủ động, năng lực sáng tạo, linh hoạt để không chỉ phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ, mà cần tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp khác, để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam, tạo thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tạo cơ chế bình đẳng, thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động.

Trong khi đó, doanh nhân Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam – cho rằng: Bên cạnh những cơ chế, chính sách của nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, để nắm bắt các cơ hội mới của nền kinh tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang đặt ra những thuận lợi và thách thức đối với nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Dựa trên những ý kiến của đại biểu, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo sẽ nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW làm cơ sở đối chiếu, so sánh với quá trình tổng kết của các ban, bộ, ngành khác và báo cáo Bộ Chính trị, nhằm phục vụ việc xây dựng Nghị quyết mới về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tới đây.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-chi-dao-tong-ket-nghi-quyet-09-nqtw-cua-bo-chinh-tri-lam-viec-voi-cong-dong-doanh-nghiep-220115.html