Bàn chuyện sản xuất, xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững

Nhận diện những rủi ro của nền kinh tế, xác định các nhóm ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để sản xuất và xuất khẩu là chiến lược của nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong thời gian sắp tới.Đây là nội dung được các chuyên gia kinh tế bàn thảo tại Hội thảo 'Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030' do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/8.

Sàn giao dịch thương mại điện tử Exocomets - trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh là nơi giao thương và xuất khẩu hàng Việt của nhiều nghiệp nghiệp hiện nay

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thành phố cũng là cửa ngõ để giao thương hàng hóa với quốc tế. Vì vậy việc định vị sản phẩm và chiến lược xuất khẩu theo hướng bền vững là nhu cầu bức thiết đã được chính quyền thành phố đề ra chủ trương từ lâu nhưng chưa thực hiện được và kế hoạch này tiếp tục thực thi quyết liệt.

Theo ông Hòa, chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng sản xuất các mặt hàng chất lượng, có tính cạnh tranh cao là đề án đã được thực hiện từ những năm 2000 với 4 ngành công nghiệp mũi nhọn và 9 nhóm ngành dịch vụ. Theo đó, chính quyền thành phố đã giao cho Sở Công Thương phối hợp với Viện Chính sách công (Trường Đại học Kinh tế TPHồ Chí Minh) và các chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright xây dựng đề án.

Nhóm tư vấn nghiên cứu, xác định sản phẩm xuất khẩu của thành phố có lợi thế, sử dụng dữ liệu của gần 14.000 doanh nghiệp xuất khẩu; khảo sát gần 200 doanh nghiệp thuộc 14 nhóm ngành hàng để xác định lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu. Cùng với các chuyên gia Đại học Havard (Mỹ) xây dựng bản đồ liên kết các cụm, ngành công nghiệp của thành phố nhằm tìm ra những sản phẩm mới có khả năng phát triển trong thời gian tới và tạo hành lang pháp lý, chính sách phù hợp để thức đẩy việc sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên chi đến nay, chiến lược này vẫn chưa định hình một cách bài bản nên cần những ý kiến của các chuyên gia gia đầu ngành trong và cả ngoài nước góp ý, xây dựng.

Hiện tại TP. Hồ Chí Minh đang là trung tâm sản xuất hàng hóa và xuất khẩu đứng đầu cả nước, nhưng việc sản xuất ra những mặt hàng chất lượng, mang tính chất tiêu biểu vẫn chưa lộ diện, tính bền vững trong khâu xuất thấp. Tiến sĩ Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phân tích, cơ cấu xuất khẩu trong giai đoạn 2008-2015 của TP. Hồ Chí Minh, mô hình tăng trưởng xuất khẩu đang tăng theo chiều rộng, doanh nghiệp phần đông chạy theo thị trường và thiếu định hướng về chiến lược phát triển. Nền sản xuất lẫn hoạt động xuất khẩu năng lực cạnh tranh thực tế rất thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ông Khải, nhìn chung trong giai đoạn này tăng trưởng xuất khẩu của thành phố bị dẫn dắt từ những biến động thị trường thế giới, dẫn đến việc triển khai hiệu quả các chiến lược phát triển sản xuất, chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu đạt kết quả không cao.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, có hai vấn đề cần làm rõ trong bức tranh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của thành phố là hàng xuất khẩu từ TP. Hồ Chí Minh hay thành phố sản xuất một sản phẩm cụ thể để xuất khẩu. Ông Lịch cho rằng, thành phố nên tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu, tốt hơn là đứng ra sản xuất. Dứt khoát phải thay đổi tư duy về hàng hóa xuất khẩu, vì ngay cả 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 lĩnh vực dịch vụ đã được chọn để phát triển cũng cần phải được định vị lại xem có còn phù hợp trong giai đoạn mới.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nam Thái Sơn cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2018 tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 200 doanh nghiệp ngành nhựa cao su, hiện đã có tới 100 doanh nghiệp chuyển đi nơi khác và sự dịch chuyển này vẫn còn tiếp tục xẩy ra. Theo ông Trần Việt Anh, việc gắn kết sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trong vùng kinh tế với TP. Hồ Chí Minh là phù hợp trong tình hình hiện nay những thành phố cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định lâu dài.

Trong chiến lược phát triển nền sản xuất hàng hóa có chất lượng và xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh mang tính chất bền vững. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài định vị được những mặt hàng có giá trị gia tăng cao và nhu cầu tiệu thụ của thị trường lớn nền kinh tế của thành phố cần có hạ tầng tốt để kết nối với cảng, kho bãi, các địa điểm thông quan hàng xuất nhập khẩu. Hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành theo hướng đồng bộ hóa (cơ khí chế tạo và điện tử; công nghiệp phần mềm, hóa chất, dệt may...). Xây dựng trung tâm giới thiệu hàng xuất khẩu, tổ chức hội chợ, triển lãm hàng xuất khẩu, lập ra những sàn giao dịch hàng hóa thương mại điện tử hoạt động chuyên nghiệp và mang tầm quốc tế để giao thương và gia tăng kích cầu.

Thế Vĩnh- Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/ba-n-chuye-n-sa-n-xua-t-xua-t-kha-u-ha-ng-ho-a-theo-huo-ng-be-n-vu-ng-108119.html