Bạn có nguy cơ bị lây bệnh gì nếu mua điện thoại cũ

Điện thoại là một trong những thứ bẩn nhất mà mọi người mang theo bên mình. Liệu những chiếc điện thoại cũ có tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe?

Hiện nay khi mua điện thoại, nhiều người vẫn chọn mua máy cũ để tiết kiệm tiền. Đây có thể là máy do người dùng trực tiếp bán lại hoặc máy do các cửa hàng bán.

Một yếu tố mà không nhiều người dùng để ý là máy đến tay mình có sạch hay không.

Smartphone bẩn như thế nào?

Trong những thiết bị mà chúng ta thường mang bên mình, smartphone gần như bẩn nhất. Từ nhà vệ sinh, nhà bếp, bàn làm việc đến chính khuôn mặt, smartphone có thể đến bất cứ đâu mà tay bạn tiếp cận được. Đó là lý do smartphone rất dễ dính vi khuẩn.

 Điện thoại được cho là bẩn hơn cả bồn cầu, do đó giữ bàn tay và điện thoại sạch sẽ rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Android Police.

Điện thoại được cho là bẩn hơn cả bồn cầu, do đó giữ bàn tay và điện thoại sạch sẽ rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Android Police.

Vậy bạn có bao giờ thắc mắc liệu smartphone cũ bẩn như thế nào, và có nguy cơ khiến chúng ta nhiễm bệnh không?

"Điện thoại đang là mầm bệnh di động. Bạn có vi khuẩn trên tay, cầm vào điện thoại. Sau đó rửa tay nhưng không vệ sinh điện thoại, và vi khuẩn vẫn nằm trên đó", tiến sĩ Charles Gerba, Giáo sư vi sinh tại Đại học Arizona cho biết.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo bạn có thể nhiễm Covid-19 nếu đưa tay lên miệng, mũi hoặc mắt sau khi chạm vào bề mặt mà virus SARS-CoV-2 bám lên. Do đó, CDC khuyên mọi người vệ sinh, khử trùng các bề mặt thường chạm tay vào mỗi ngày.

Nghiên cứu bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đăng tải ngày 24/3 cho thấy chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) hiện có thể tồn tại trên bề mặt nhựa và thép không gỉ trong tối đa 72 giờ (3 ngày).

Tuy chưa thử nghiệm với kính, chất liệu sử dụng trên màn hình nhiều loại smartphone, tablet và laptop hiện nay, các nhà khoa học cho rằng virus mới cũng có thể tồn tại trong khoảng thời gian tương tự chủng SARS-CoV trước đó.

Trên thực tế, bạn không thể "cách ly" điện thoại để phòng ngừa virus. Do đó, thường xuyên khử trùng, vệ sinh smartphone là điều rất quan trọng.

Tùy thuộc vào "tâm" của người bán

Cần phải nhìn nhận rằng mọi chiếc smartphone được sử dụng thường xuyên đều rất bẩn. Khi bán lại cho người khác, những người chủ thường sẽ vệ sinh sạch sẽ để điện thoại trông đẹp nhất, vừa mắt người mua.

Tuy nhiên, mua bán trao tay chỉ chiếm một phần. Tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam, số lượng lớn smartphone cũ được bán qua các cửa hàng. Hàng thường được nhập theo cả "lô" hàng chục chiếc, nhiều khi chỉ có máy trần và "ghép" phụ kiện vào sau.

Nguồn gốc nhập về của những lô điện thoại rất đa dạng. Ở Việt Nam, Trung Quốc thường là điểm "trung gian" trước khi máy nước. Thông thường, các thiết bị này đã qua tay 3, 4 khâu trước khi bán cho người dùng.

iPhone cũ thường được nhập với lô hàng chục máy một, và sẽ được vệ sinh trước khi bán cho khách. Ảnh: Vũ Duy.

"Thông thường tôi nhập nhiều máy về cùng lúc, và tùy loại hàng mà phân ra bán lẻ hoặc bán cho thợ. Hàng không đẹp, bán cho thợ thì họ có thể phải tân trang lại cho máy đẹp hơn, còn bán lẻ thì tôi chỉ bán máy đẹp thôi.

Tất nhiên máy khi bán ra tôi sẽ phải kiểm tra kỹ và lau sạch sẽ, nên cũng sạch lắm. Tôi lau bằng cả khăn lẫn bàn chải, đánh với cồn nên yên tâm là không còn gì bẩn", Chi Bảo, người kinh doanh iPhone lâu năm tại Hà Nội nói với Zing.

Khảo sát một số chủ cửa hàng điện thoại, hầu hết cho biết máy của mình luôn được làm sạch, lau kỹ trước khi bán tới tay khách. Máy sạch sẽ giúp người mua có cảm tình, tin tưởng hơn vào sản phẩm.

"Dù làm nhỏ lẻ, không thuê cửa hàng mà chỉ giao máy tận nơi thì mình cũng vẫn phải lau sạch máy trước khi bán cho khách", Minh Đức, hiện kinh doanh smartphone và phụ kiện bên cạnh công việc chính chia sẻ.

Trong sử dụng hàng ngày, bạn cũng nên giữ smartphone sạch sẽ, nhất là khi mang máy đi nhiều nơi. Để đảm bảo an toàn, hãy vệ sinh điện thoại sau khi dùng chúng ở nơi công cộng. Khi về nhà, rửa tay và khử trùng điện thoại đúng cách. Nếu không vệ sinh điện thoại, tay bạn vẫn có nguy cơ nhiễm virus như thường.

Dù là máy cũ hay mới, đã dùng lâu chưa thì bạn cũng nên thường xuyên vệ sinh điện thoại của mình. Ảnh: Cnet.

"Dù không phải nguồn chính lây lan virus, chúng ta cũng cần giảm tối đa rủi ro. Chúng ta đưa ra lời khuyên nên rửa tay thường xuyên, và với điện thoại cũng vậy", tiến sĩ Simone Wildes, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại New York nói trên ABC News.

Nếu có việc gấp cần ra ngoài lâu, hãy cân nhắc sử dụng khăn khử trùng để lau điện thoại, giống như việc bạn sử dụng nước rửa tay khô. Tránh chạm tay lên mặt ở nơi công cộng, hoặc sau khi sử dụng điện thoại mà chưa rửa tay.

Bên cạnh lây nhiễm qua bàn tay, màn hình smartphone cũng có thể chạm trực tiếp lên mặt mỗi khi bạn nghe điện thoại. Do đó, hãy vệ sinh điện thoại thường xuyên nhất có thể.

Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ban-co-nguy-co-lay-benh-gi-neu-mua-dien-thoai-cu-post1112271.html