Ban công ngăn cách tình láng giềng

Phiên tòa kết thúc, hai người đàn bà về chung một lối, người hậm hực, kẻ vui mừng, mối thân tình chính thức đứt gãy

Theo lệnh triệu tập, bà C.T.B và bà N.T.T (cùng ngụ quận 4, TP HCM) có mặt tại tòa từ rất sớm. Họ lần lượt bước vào phòng xét xử, ngồi ở 2 đầu hàng ghế, tách biệt nhau cũng không nhìn nhau lấy một lần. Có vẻ sau những lần tranh giành, mâu thuẫn đến độ đưa nhau ra tòa, không còn ai muốn nhìn mặt nhau nữa.

Thương lượng không xong

Nhà họ đấu đuôi nhau. Bà B. có nhà trệt, bà T. có nhà lầu 1 tầng. Căn nhà bà B. do đã xây dựng lâu năm, hư dột nhiều nên bà có ý định tu sửa, nâng mái lên cao hơn. Tuy nhiên, không thể thi công như đã định do vướng phải cái ban công vượt ranh của nhà bà T. Nhiều lần thương lượng bất thành, mâu thuẫn mỗi ngày một tăng, đến độ cả hai bên gia đình luôn trong tình trạng căng thẳng. Cuối cùng, bà B. làm đơn kiện hàng xóm.

Có mặt tại phiên tòa nhưng không trực tiếp tham gia tố tụng, bà B. ủy quyền cho người đàn ông tên N. thay mặt nêu những yêu cầu của nguyên đơn.

Theo nội dung đơn kiện, bà B. cho rằng hàng xóm lấn chiếm không gian theo chiều thẳng đứng trên phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bà. Bà B. yêu cầu hàng xóm phải nhanh chóng tháo dỡ toàn bộ phần ban công vượt ranh. Để vui vẻ đôi bên, bà B. đồng ý hỗ trợ gia đình bà T. 5 triệu đồng; đồng thời chịu toàn bộ chi phí tháo dỡ.

Trình bày tại tòa, bà T. nhất quyết không chấp nhận yêu cầu của bà B. Ba lần được chủ tọa hỏi, bà T. đều khăng khăng mình không lấn chiếm nên sẽ không tháo dỡ ban công.

"Căn nhà tôi mua từ năm 2007, không có tranh chấp liên quan đến phần ban công với hàng xóm. Toàn bộ kết cấu căn nhà kể cả phần ban công đều được giữ nguyên hiện trạng từ khi mua đến nay. Hơn nữa, bên dưới ban công vốn có một rãnh nước trên dưới 1,2 m2 được hai nhà sử dụng chung. Thế nhưng, từ khi vướng vào vụ kiện lấn chiếm không gian, tôi mới được biết phần đất đó hiện thuộc sở hữu của gia đình bà B. Tôi yêu cầu tòa án tiêu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã cấp cho bà B." - bà T. nêu yêu cầu phản tố.

Minh họa: KHỀU

Minh họa: KHỀU

Hạ hồi phân giải

Hết giờ nghị án, sự căng thẳng hằn rõ trên gương mặt của nguyên đơn lẫn bị đơn. Căn cứ giấy CNQSDĐ của chủ cũ và văn bản trả lời của UBND quận 4 cũng như thực tế xác minh được, vị chủ tọa cung cấp thông tin trước năm 1975, khu vực này có nhiều rãnh nước thoát ra rạch lớn thuộc hai dãy nhà hơn 10 căn. Sau năm 1990, con rạch bị bít lại dẫn đến nhiều rãnh nước cũng bị san lấp theo. Năm 1999, các hộ dân tự kê khai, xác lập ranh giới đất sử dụng. Theo đó, giấy thỏa thuận xác định ranh giới đất không thể hiện giữa đất nhà bà T. và bà B. có đường rãnh thoát nước sử dụng chung.

Liên quan đến ban công, giấy CNQSDĐ thể hiện kết cấu nhà bà T. không có ban công. Từ khi được cấp GCNQSDĐ cho đến khi xảy ra tranh chấp và khởi kiện, chủ cũ của căn nhà cũng như bà T. chưa có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét yêu cầu về quyền sở hữu đối với phần ban công phía sau. Hơn nữa, hợp đồng mua bán nhà giữa bà T. và chủ cũ cũng không có phần ban công phía sau này. Từ đó, HĐXX kết luận phần ban công phía sau trên phần đất tranh chấp nằm ngoài diện tích đất của bà T.

Ngoài ra, bà T. không chứng minh được phần đất tranh chấp là hệ thống thoát nước chung, không chứng minh được phần không gian tranh chấp nằm trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của bà. Do đó, HĐXX yêu cầu gia đình bà T. tháo dỡ ban công trả lại không gian cho nhà bà B… Kết thúc phiên xét xử sơ phẩm, hai người phụ nữ̀ ra về. Dù chung một lối nhưng người hậm hực, kẻ vui mừng, mối thân tình chính thức đứt gãy. Ngẫm kỹ khoảng không gian làm ban công hay miếng đất 1 m2 nguyên là cái rãnh nước chung có thể giúp nhà họ rộng hơn một chút, có giá trị hơn một chút. Thế nhưng, chỉ vì thế mà phủi sạch tình láng giềng "tối lửa tắt đèn có nhau" mười mấy năm, liệu có đáng?

Do không chứng minh được những sai phạm trong quá trình cấp giấy CNQSDĐ của UBND quận 4 đối với việc cấp giấy chứng nhận cho bà B. nên phản tố của bà T. là không có cơ sở.

Ý Linh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/ban-cong-ngan-cach-tinh-lang-gieng-20190705220716883.htm