Bạn đã bao giờ hỏi con mình: 'Con có thích học môn này không?'

Ngày khai trường, tôi tình cờ được nghe câu chuyện của hai người mẹ. Một người bỏ ra cả ngàn USD để tìm một suất cho con vào trường điểm và một người phải tập đi tập lại cả trăm lần để con mình phân biệt được đâu là chữ O, đâu là chữ A.

Trẻ chơi với các màu tại Trường mầm non Mặt Trời Nhỏ - Ảnh: L.T

“Phải rèn từ trung học cơ sở thì sau này lên phổ thông mới không bị mất kiến thức, chọn trường cho dễ” – người mẹ thứ nhất khẳng định chắc nịch.

Chị có vẻ là một người nhiều tiền. Chị đưa con đi khai giảng bằng xe hơi, váy áo sang trọng. Trước khi gửi con vào trường, chị đã kịp tìm hiểu giáo viên nào dạy giỏi để gửi con.

Từ khi con chị bắt đầu học tiểu học, chị đã cho con đi học tiếng Anh ở các trung tâm mà học phí tính bằng USD. Gia sư dạy kèm cho con gái tận nhà.

Chị bảo, con gái chị thích vẽ và học văn nhưng chị cấm tiệt bởi vẽ vời không bao giờ ra tiền, phải định hướng học Toán, Lý, Hóa và tiếng Anh ngay từ nhỏ để sau này mới có cơ hội vào trường đại học tốt và có công việc tốt.

Suy nghĩ của chị là đa phần suy nghĩ của phụ huynh hiện nay, cách học của con chị cũng là cách học của đa phần học sinh hiện nay. Quần quật ngày đêm với những môn chỉ với mục đích “sau này có một công việc tốt”. Vậy có ai đặt câu hỏi: “Con mình học môn này vì thích chưa?”.

Câu chuyện của người mẹ thứ hai được kể với một giọng lặng lẽ hơn. Vợ chồng chị vốn là dân đi Tây về, du học ở Anh 7 năm. Anh chị đều đẹp người và có một công việc tốt. Đứa con đầu tiên của anh chị quả là bản sao của bố mẹ. Anh chị đã lên kế hoạch cho cuộc đời của con ngay từ khi con biết nói.

Khi con trai đầu 10 tuổi, anh chị có thêm đứa con trai thứ hai. Không như anh, cậu con trai thứ hai không chịu nói chuyện, mặt lúc nào cũng ngước lên trời, thờ ơ với mọi thứ. Anh chị đưa con đi khám thì được chẩn đoán trẻ mắc một chứng tự kỷ.

Chị bảo lúc ấy: “Trời đất như sụp đổ. Bố mẹ thông minh, sinh con tự kỷ”. Sau những giờ khóc lóc chị phải chấp nhận và kiên nhẫn với con. Nếu con người ta 9 tháng có thể nói “baba” thì con tôi phải gần 2 tuổi. Nếu con người ta chỉ cần chỉ đôi lần có thể biết được hình vuông, trái xoài, chữ A thì con tôi phải nói đi nói lại hàng trăm lần…

Nhờ can thiệp sớm nên con tôi dần trở lại với cuộc sống bình thường. Khi đó, tôi nhận ra, chỉ cần con là một đứa trẻ bình thường, có một cuộc sống bình thường, con biết đâu là những gì con thích, con biết lựa chọn… Với tôi đó đã là thành công”.

Có một câu chuyện về giáo dục, rất cũ, hẳn nhiều người đã đọc hoặc đã nghe, tôi cũng từng nghe ở đâu đó, đại khái: Ở một lớp học, sau khi cả lớp được giáo viên môn Toán trả bài kiểm tra, chỉ một vài học sinh đạt điểm A, số còn lại đạt điểm B, hoặc C, D… Học sinh lo lắng, ngơ ngác nhìn điểm của nhau.

Thầy giáo nói rằng: Trong số các em, có thể chỉ một vài bạn thực sự thích Toán học và sau này sẽ chọn những công việc liên quan đến Toán học, những em còn lại có thể trở thành nhạc sĩ, họa sĩ hay là một người làm vườn, vậy thì có nhất thiết phải đạt điểm 10 môn Toán không?

Cho nên, nếu sau này chúng ta không trở thành một nhà Toán học, một người giỏi Toán, Hóa học hay Vật Lý, không sao cả, chúng ta sẽ giỏi một môn khác, chúng ta sẽ có một nghề khác phù hợp với năng lực, khả năng của mình. Chỉ cần chúng ta thích, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc trong lựa chọn của mình!

KHÁNH NINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/ban-da-bao-gio-hoi-con-minh-con-co-thich-hoc-mon-nay-khong-563113.ldo