Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt

Chỉ chưa đầy một tuần, Triều Tiên đã thực hiện hai vụ phóng. Những động thái quân sự liên tiếp này khiến bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt sau một thời gian dài bình yên khi Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để tham gia các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, trước hành động này của Bình Nhưỡng, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.

Phản ứng trước động thái trên của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ tin tưởng rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ không từ bỏ các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa. Dù không hài lòng khi nghe báo cáo về các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên nhưng nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định mối quan hệ với Triều Tiên sẽ vẫn được duy trì. Về phần mình, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun nhận định, Washington vẫn để ngỏ khả năng nối lại đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng, bất chấp các động thái gần đây của Triều Tiên. Nhận định của ông Biegun được đưa ra trong cuộc gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha giữa lúc xuất hiện những lo ngại rằng, các động thái mới của Triều Tiên những ngày qua có thể làm chệch hướng nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 10-5 khẳng định, nước này không thay đổi lập trường trong việc hỗ trợ lương thực nhân đạo cho Triều Tiên.

 Hình ảnh cuộc diễn tập "tấn công tầm xa” của Triều Tiên dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong ngày 9-5. Ảnh: KCNA

Hình ảnh cuộc diễn tập "tấn công tầm xa” của Triều Tiên dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong ngày 9-5. Ảnh: KCNA

Lầu Năm Góc xác nhận các vụ phóng ngày 9-5 của Triều Tiên bao gồm nhiều tên lửa đạn đạo. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định: “Căn cứ vào các kết quả phân tích toàn diện, Chính phủ Nhật Bản cho rằng, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 9-5. Đây là hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)”. Ông Takeshi Iwaya cũng cho biết, các vụ phóng của Triều Tiên không gây thiệt hại đối với vùng nước và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, cũng như không ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh của nước này. Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho rằng, Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa tầm ngắn, nhưng không khẳng định liệu đây có phải là tên lửa đạn đạo, vốn bị HĐBA LHQ cấm hay không. Trong khi đó, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo, ngày 9-5 Chủ tịch Kim Jong Un đã giám sát một cuộc diễn tập "tấn công tầm xa". KCNA cho biết, "ở vị trí chỉ huy, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã xem xét một kế hoạch diễn tập tấn công bằng các phương tiện tấn công tầm xa và đã ra lệnh khởi động cuộc diễn tập này". Thông báo của KCNA không nhắc tới các từ "tên lửa", "rocket" hay "vật phóng đi tự động", song khẳng định, cuộc diễn tập đã được triển khai thành công nhằm kiểm tra năng lực phản ứng nhanh và sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị phòng thủ.

Vụ phóng ngày 9-5 của Triều Tiên là vụ phóng thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần trong bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ lâm vào bế tắc. Trước đó, ngày 4-5, Triều Tiên đã phóng một số vật thể bay với tầm bắn 70-200km trên biển. Sau đó, KCNA đã thông báo rằng, Triều Tiên vừa thử nghiệm các hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật. Bình Nhưỡng cũng khẳng định các hoạt động trên là diễn tập "thường kỳ" và mang tính "phòng vệ".

Chuyên gia Yang Uk thuộc Diễn đàn Phòng thủ và An ninh Hàn Quốc cho rằng: "Triều Tiên đã trở lại chiến thuật leo thang quen thuộc. Họ sẽ tiếp tục leo thang bằng cách sử dụng những vật thể bay dường như là tên lửa tầm ngắn, vốn không gây phản ứng của Mỹ". Trong khi đó, chuyên gia Hong Min của Viện Thống nhất Dân tộc của Hàn Quốc nhận định, với vụ phóng mới nhất, Triều Tiên đang gửi đi thông điệp rõ ràng rằng, họ sẽ không hài lòng với sự viện trợ nhân đạo mà Seoul đang cân nhắc, mà muốn các bảo đảm an ninh để đổi lại tiến bộ về phi hạt nhân hóa.

ANH LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/ban-dao-trieu-tien-tang-nhiet-573813