Bán đảo Triều Tiên: Vòng xoáy căng thẳng mới

Các động thái mới đây đánh dấu mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám quân sự và việc bỏ CMA từ hai phía đã dẫn đến vòng xoáy căng thẳng mới ở bán đảo Triều Tiên. (Nguồn: KCNA)

Từ vệ tinh do thám...

Trước hết, đó là câu chuyện phóng vệ tinh quân sự của Triều Tiên. Ngày 21/11, nước này đã phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1, trong nỗ lực được nước này coi là thực hiện “quyền tự vệ chính đáng” của Bình Nhưỡng.

Ngày 28/11, hãng thông tấn nhà nước KCNA (Triều Tiên) dẫn lời Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã bác bỏ lời lẽ chỉ trích của Mỹ và chín thành viên khác của HĐBA về vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Họ cho biết, động thái nêu trên là “một cách hợp pháp và công bằng để thực hiện quyền tự vệ, đồng thời là phản ứng thấu đáo và giám sát một cách cẩn thận… hành động quân sự nghiêm túc của Mỹ và những nước ủng hộ Mỹ”.

Nước này khẳng định: “Vệ tinh trinh sát quân sự mới phóng lên quỹ đạo của Triều Tiên đã chụp thành công hình ảnh tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson của Mỹ và cả căn cứ quân sự ở Hawaii”. Triều Tiên nhấn mạnh, Bình Nhưỡng có thể sẽ phóng thêm vệ tinh quân sự khác.

Trong khi đó, Hàn Quốc xác nhận vệ tinh đã đi vào quỹ đạo và cho biết cần thêm thời gian để xác định xem nó có hoạt động bình thường hay không. Tuy nhiên, một số suy đoán cho rằng, vụ phóng được thực hiện nhờ hỗ trợ công nghệ từ Nga. Quan trọng hơn, đáp lại Seoul đã chính thức đình chỉ một phần Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA), ký kết năm 2018. Ngay sau đó, ngày 25/11, Bình Nhưỡng đã hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này. Vậy CMA là gì? Tại sao nó lại quan trọng?

Tới dấu chấm hết cho CMA…

Ngày 19/9/2018, sau một loạt cuộc gặp lịch sử, Tổng thống Hàn Quốc bấy giờ là ông Moon Jae In và lãnh đạo Triều Tiên đã ký kết CMA. Hai bên đồng ý “chấm dứt hoàn toàn mọi hành động thù địch chống lại nhau” qua các biện pháp như chấm dứt tập trận quân sự gần biên giới, hạn chế tập trận bắn đạn thật, áp đặt các vùng cấm bay hay duy trì đường dây nóng. Mục đích của thỏa thuận là nhằm giảm bớt các căng thẳng quân sự trên bán đảo và xây dựng niềm tin lẫn nhau.

Viết trên The Diplomat, chuyên gia quan hệ quốc tế Kim So Young tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore nhận định vụ phóng vệ tinh do thám của Bình Nhưỡng, dù có vi phạm lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ do sử dụng các tên lửa đạn đạo tầm xa, song lại không vi phạm thỏa thuận CMA.

Theo bà, khi ngưng một phần thỏa thuận, Seoul đã đình chỉ Điều 1, Khoản 3 liên quan đến vùng cấm bay đối với tất cả các loại thiết bị bay qua Đường phân giới quân sự (MDL) có hiệu lực từ ngày 1/11/2018. Điều khoản này cấm máy bay cánh cố định hoạt động trong phạm vi 40km của MDL ở khu vực phía Đông và 20km ở phía Tây. Máy bay cánh quạt bị cấm trong phạm vi 10km tính từ MDL, cấm sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong vòng 10km của khu vực phía Đông và 25km ở phía Tây; bóng bay bị cấm trong phạm vi 25km tính từ MDL.

Những người ủng hộ CMA cho rằng thỏa thuận này đã làm giảm bớt căng thẳng quân sự dọc biên giới hai miền, cũng như nguy cơ xung đột quân sự. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol và đảng cầm quyền lại chỉ trích rằng văn bản này chỉ tồn tại trên danh nghĩa, vì Hàn Quốc là bên duy nhất ủng hộ và tuân thủ nghiêm túc. Theo đó, Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng 17 lần vi phạm CMA tính từ ngày ký. Hơn nữa, từ lâu phe chỉ trích thỏa thuận cho rằng CMA làm suy yếu khả năng giám sát Triều Tiên. Qua đó, việc đình chỉ điều khoản này sẽ cho phép Hàn Quốc tiếp tục các hoạt động theo dõi và trinh sát dọc theo biên giới.

Về phần mình, sau khi Seoul đình chỉ một phần CMA, Bình Nhưỡng đã hủy toàn bộ thỏa thuận và tăng hiện diện quân sự ở biên giới. Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc phá vỡ thỏa thuận và phải chịu trách nhiệm đã làm tăng nguy cơ đụng độ.

Ngày 28/11, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát hiện Triều Tiên đang xây dựng các trạm gác ở các địa điểm biên giới và triển khai quân đội cũng như vũ khí hạng nặng. Trong khi đó, The Guardian (Anh) cho biết, bức ảnh mà Bộ Quốc phòng Hàn Quốc gửi tới các nhà báo cùng ngày cho thấy binh lính Triều Tiên đang xây dựng trạm gác tạm thời và di chuyển thứ có vẻ là súng không giật, loại vũ khí chống tăng có thể xách tay hay pháo hạng nhẹ - đến một chiến hào mới xây.

Trước đó, theo CMA, hai bên đã dỡ bỏ hoặc giải giáp 11 trạm gác nằm bên trong khu vực biên giới được canh gác nghiêm ngặt, được gọi là Khu phi quân sự (DMZ). Hiện Hàn Quốc còn 50 trạm gác và Triều Tiên có 150 trạm. Trước thay đổi này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ: “Quân đội chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ các hành động của Triều Tiên trong khi vẫn duy trì sự sẵn sàng đầy đủ để có thể trả đũa ngay lập tức… dựa trên thế trận phối hợp tăng cường với phía Mỹ”.

Trong bối cảnh hiện nay, rủi ro xung đột giữa hai miền có thể sẽ còn tăng cao. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Hàn Quốc xem xét lại thỏa thuận với Bình Nhưỡng liên quan đến hoạt động quân sự trên bộ và trên biển? Chỉ thời gian mới có câu trả lời.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ban-dao-trieu-tien-vong-xoay-cang-thang-moi-252042.html