'Bán điện cho Trung Quốc vào lúc đó là có tội với nhân dân miền Nam'

LTS. Như đã giới thiệu ở trang đầu chuyên đề, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại dấu ấn quan trọng trong buổi đầu mở cửa, đó là các công trình, dự án trọng điểm của đất nước hay thành quả chính sách mà giờ đây vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả. Người Đô Thị giới thiệu ý kiến của những người trong cuộc, các chuyên gia nhìn lại những thành tựu ấy...

Năm 1994, tình trạng cắt điện luân phiên ở miền Nam chấm dứt bằng việc đóng “cầu dao” đường dây tải điện siêu cao áp 500KV Bắc - Nam. Công trình này có chiều dài 1.487km từ tỉnh Hòa Bình đến TP.HCM, được Bộ Chính trị thông qua đầu năm 1992, và mấy tháng sau đó, ngày 5.4.1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công.

Ông Vũ Ngọc Hải. Ảnh: TL

Ở thời điểm mà chủ trương đã được Bộ Chính trị thông qua (trước Tết 1992), Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, một Việt kiều ở Pháp gửi kiến nghị tới các lãnh đạo Việt Nam phân tích những ngờ vực về sự thành công của dự án, khiến cho dự án vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều lãnh đạo cao cấp. Bản kiến nghị nêu ba nghi vấn về dự án: đường dây dài gần 1.500km, tạo ra chênh lệch 1/4 bước sóng cho nên không thể tải điện tới miền Nam được; hai là chưa có luận chứng mà đặt mục tiêu thi công trong hai năm là không tưởng; ba là giá thành sẽ rất cao, không có hiệu quả về mặt kinh tế.

Cần biết rằng, vào năm 1992, Nhà máy thủy điện Hòa Bình ở miền Bắc đang thừa điện mà miền Nam thì thiếu điện, dự báo trong hai năm sau đó miền Nam sẽ thiếu điện trầm trọng. Có hai phương án được đưa ra: một là làm đường điện để dẫn điện bán cho Trung Quốc, hai là làm đường dây siêu cao áp 500KV cung cấp điện cho miền Nam. Với một công trình lớn thì việc có nhiều ý kiến khác nhau trong những người lãnh đạo là lẽ thường tình. Đặc biệt, công trình này lại còn có cả ý kiến của nhà khoa học nước ngoài phân tích những khó khăn, không khả thi. Bởi vậy, quyết tâm thực hiện dự án của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi miền Nam thiếu điện mà miền Bắc lại bán điện cho Trung Quốc là mình có tội với đồng bào miền Nam, bởi vậy Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết tâm chọn làm đường dây 500KV.

Theo tôi, về kinh tế, có thể nói, dự án là một thắng lợi lớn. Hơn thế nữa, nó giúp sẻ chia Nam - Bắc, thống nhất lòng người, nên nó trở thành công trình của lòng dân, được cả nước ủng hộ.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất lo lắng về những khó khăn mà Giáo sư Nhẫn đã phân tích, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu, tôi nói với Thủ tướng rằng những khó khăn này tôi đều có giải pháp. Với chênh lệch bước sóng, tôi đưa ra phương án đặt năm trạm bù dọc và bù ngang để “gọt” sóng.

Khó khăn thứ hai là thời hạn hai năm phải hoàn thành công trình là thời hạn rất áp lực trong bối cảnh khó khăn chồng chất lúc đó. Nhưng tôi tự tin nói: “Chỉ cần Thủ tướng đảm bảo cho chúng tôi về vấn đề an ninh thì chúng tôi sẽ đảm bảo vấn đề kỹ thuật và tiến độ”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giữ đúng cam kết đảm bảo an ninh cho dự án và trực tiếp đứng ra chỉ đạo dự án này.

Trong một bối cảnh đặc biệt, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vào tận trại giam gắn huy hiệu đường dây 500KV Bắc-Nam cho ông Vũ Ngọc Hải. Ảnh: TL

Phải nói rằng nếu không có chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì khó mà làm được dự án này trong hai năm. Ngày 27.5.1994 hoàn thành dự án và chính thức đóng điện.

Ông đã có năm lần băng rừng trèo núi cùng tôi để đi khảo sát tình hình. Có lần lên khảo sát trên đồi Lò Xo, ngồi ô tô băng đường rừng hiểm trở, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với tôi: “Chúng ta đi ô tô mà còn vất vả thế này, các công nhân vất vả quá”. Nghe vậy tôi liền xin cơ chế riêng cho anh em công nhân và ngay lập tức được Thủ tướng đồng ý. Nhờ thế mà bữa ăn của công nhân ở đây có thêm thịt, cá.

Công trình ban đầu dự toán tiêu tốn 5.713 tỷ đồng, cuối cùng chỉ mất 5.237 tỷ đồng. Và nó là công trình có chất lượng thi công rất tốt, nên sau này các mạng tiếp theo đều phải làm theo chất lượng ấy.

Hoàng Hương ghi

________________

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết:

Thuyết phục Bộ Chính trị - bước đầu tiên hội nhập

Trước khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có trưng cầu ý kiến của mọi người trong nước và nước ngoài, giới trí thức... và mọi người đều ủng hộ việc hội nhập kinh tế quốc tế bằng cách gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ (BTA). Sau khi tôi đi một loạt các nước về, vấn đề đặt ra là làm sao đưa vấn đề này ra Bộ Chính trị và biến nó thành chủ trương. Ông Võ Văn Kiệt với tư cách thủ tướng ra lệnh cho chúng tôi thành lập các nhóm chuyên viên về vấn đề này. Cuối cùng, tổng hợp ý kiến các bộ, chúng tôi đã hình thành ra đề án về việc Việt Nam tham gia WTO, đồng thời đàm phán ký kết Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ.

Ông Lê Văn Triết. Ảnh: TL

Đầu năm 1994, tôi sang Mỹ tham dự một hội nghị của Liên Hợp Quốc về phát triển, tổ chức ở thành phố Columbus, bang Ohio. Ông Boutros Boutros - Ghali, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hoan nghênh Việt Nam tham dự hội nghị, và ngập ngừng tiếp rằng có một người đồng cấp với tôi ở Hoa Kỳ muốn gặp tôi, nội dung chắc có lợi cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi nghĩ ngay nếu muốn xin phép phải nhờ Đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc điện về cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, rồi ông Kiệt phải xin ý kiến Bộ Chính trị, nếu được cho phép sẽ mất năm, sáu ngày, lúc đó tôi đã ở Việt Nam rồi. Tôi suy nghĩ rất nhanh là phải quyết định “vượt rào”, và nói đồng ý.

Ngay sáng hôm sau, khi hội nghị khai mạc, ông Ghali bố trí cho tôi gặp ông Ron Brown (Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ). Sau màn chào hỏi, ông Brown nói thẳng: “Tôi xin thông báo rằng trong tương lai ngắn sắp tới đây Tổng thống Bill Clinton sẽ tuyên bố xóa lệnh cấm vận Việt Nam. Xin hỏi ông nghĩ như thế nào về chuyện này”. Tôi trả lời ngay: “Thông tin này là một thông tin tốt lành với không chỉ cho cá nhân tôi”. Ông mừng quá, hỏi tiếp: “Ngài Bộ trưởng Ngoại giao và Ngài Thủ tướng sẽ nghĩ gì khi nghe tin này?” Tôi nói tôi không trả lời thay cho họ được. Ông lại hỏi: “Trên bình diện chung, nếu Hoa Kỳ xóa cấm vận, dư luận Việt Nam sẽ phản ứng thế nào?”. Tôi nói: “Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong gần hai thập kỷ nay, và lệnh cấm vận từ sau khi Việt Nam thống nhất càng làm cho chúng tôi khó khăn thêm nhiều, gây ra bế tắc trong quan hệ làm ăn với các nước. Nếu xóa cấm vận, nhiều người sẽ phấn khởi. Chắc có người không đồng tình, nhưng tôi nghĩ số người đó chắc ít thôi. Nói chung nhân dân và chính giới Việt Nam hoan nghênh”.

Ông hỏi sau khi xóa cấm vận, hai bên nên làm gì, tôi trả lời rằng bình thường hóa quan hệ ngoại giao sớm ngày nào thì tốt cho nhân dân hai nước ngày đó. Tôi hỏi lại: “Vậy ông nghĩ sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hai nước có nên bắt đầu mối quan hệ thương mại - đầu tư?” Ông ấy nói: “Chính xác. Tôi đang định hỏi ông điều đó”. Tôi bảo để thực thi chuyện này hai bên phải lập ra phái đoàn chuyên viên, đứng đầu là thứ trưởng, để bàn thảo và ký thỏa thuận tiến hành theo lộ trình đã cam kết. Ông ấy đề nghị giữa tôi và ông ấy nên gọi điện cho nhau để trao đổi ý kiến, tôi đồng ý.

Trước khi về, tôi nhờ đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc điện về báo cho ông Kiệt. Khi về, trên bàn làm việc của tôi có bức điện của ông Kiệt gọi tôi lên ngay văn phòng Thủ tướng. Tôi báo cáo tình hình, và sau khi tham khảo nhiều nước, cũng như nhiều giới trong nước, ông Kiệt bảo tôi chuẩn bị đề án gia nhập WTO và BTA với Mỹ. Tôi chuẩn bị cả hai đề án, và trước khi trình Bộ Chính trị phải báo cáo Thủ tướng để góp ý trước. Khi trình ra Bộ Chính trị, Tổng bí thư Đỗ Mười đã có những băn khoăn cho rằng Việt Nam chưa đủ điều kiện để gia nhập WTO.

Ông Kiệt đã trả lời: “Đúng Việt Nam không có nhiều hàng hóa, nhưng mình đâu có biết thế giới người ta cần cái gì, cho nên cần phải gia nhập để biết, và từ đó tổ chức lại cơ cấu nền kinh tế, từ đó mình sản xuất và bán đúng cái thế giới đang cần, và nhập từ nước khác những cái mà mình không có và không có lợi thế tự làm. Như vậy nền kinh tế Việt Nam mới “không bị thủng lỗ chỗ”. Thứ hai là xem ra 108 thành viên của WTO, có ba mươi mấy nước còn kém Việt Nam xa.

Vậy tại sao Việt Nam lại không dám làm, khi họ dám làm? Mình phải cử người đi học cái không biết để về mình làm. Thứ ba, mình không am hiểu luật pháp của WTO và các nước thành viên, thì cứ cử người tham gia vào đó để tìm hiểu, từ đó xây dựng luật pháp của mình tương thích với thế giới”.

Sau khi ông Kiệt phát biểu, cộng thêm với ý kiến ủng hộ của ông Phạm Văn Đồng và một số người khác, Tổng bí thư kết luận “đa số đã ủng hộ, vậy các anh cứ về chuẩn bị làm đơn xin gia nhập WTO”.

Huỳnh Phan ghi

________________

TS. Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ:

Nhìn lại chương trình “Thoát lũ ra biển Tây”

Sau khi đất nước thống nhất, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất trăn trở với việc phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng tứ giác Long Xuyên. Sau nhiều cuộc khảo sát, làm việc cùng các nhà khoa học từ trung ương và các cấp lãnh đạo tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, ông quyết định cho xây dựng hệ thống kênh “Thoát lũ ra biển Tây”.

TS. Dương Văn Ni. Ảnh: TL

Hệ thống chủ yếu nhằm thoát bớt nước lũ trên sông Hậu và phía biên giới giáp Campuchia, giảm ngập lụt các thành phố như Châu Đốc, An Giang, Cần Thơ; đồng thời dẫn nước ngọt và tháo chua, rửa phèn, khai hoang, phục hóa hàng trăm ngàn hecta đất khu vực tứ giác Long Xuyên. Chương trình thủy lợi lớn này đã mở ra được diện tích và tăng sản lượng lúa đáng kể cho hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, nhưng theo nhiều nhà khoa học, vẫn còn nhiều vấn đề cần nhìn lại.

Trước hết, nên nhìn lại bối cảnh ra đời của chương trình “Thoát lũ ra biển Tây”. Đó là: Một, chúng ta vừa thoát ra khỏi nạn đói, với cứu tinh là cây lúa, cụ thể là do mở rộng diện tích canh tác lúa, nên tổng sản lượng lúa tăng lên đáng kể. Vì vậy mọi chính sách, nguồn lực xã hội đều tập trung cho việc mở rộng diện tích trồng lúa và xuất khẩu gạo. Hai, chúng ta vừa chấm dứt cuộc chiến biên giới đẫm máu với Khmer Đỏ. Vì vậy, với một vùng đất rộng mênh mông như tứ giác Long Xuyên lúc bấy giờ chỉ có rất ít dân cư sống dọc kênh Vĩnh Tế, cũng là điều có thể đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt quan tâm.

Đến năm 2000, những trận lũ lớn bắt đầu xuất hiện cho thấy, hệ thống đó chưa thoát được đủ lượng nước như người ta kỳ vọng. Cụ thể, thành phố Long Xuyên, Cần Thơ và những vùng phía dưới vẫn bị ngập; ngược lại, vào mùa khô, nước mặn theo các kênh đổ ra biển Tây xâm nhập sâu trong đất liền. Thứ hai, hiệu quả tháo chua rửa phèn cũng rất chậm.

Nhìn tổng thể, mục tiêu thoát lũ ban đầu của chương trình “Thoát lũ ra biển Tây” chưa đạt những điều chúng ta mong đợi. Tuy nhiên nếu nhìn ở mặt an ninh thì đây lại là điểm sáng. Xưa vùng này hoang vu không có dân ở, giờ dân ở rất đông.

Lê Quỳnh ghi

__________

“Ngồi với nhau” dù chưa đồng quan điểm

Đầu tháng 12.2006, các bạn ở Việt Weekly, một tờ báo rất non trẻ ở miền Nam California nhờ tôi tổ chức một cuộc phỏng vấn với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Việt Nam. Tôi liền đặt vấn đề với ông và cho biết lai lịch của tờ báo này: đây không phải là báo có “số má” ở Mỹ, song các bạn sáng lập là những người trẻ và họ muốn đi đầu trong việc làm cầu nối giữa những Việt kiều và chính quyền cũng như người dân trong nước. Họ bị cả hai bên đặt dấu hỏi, là nhóm này làm việc cho ai?

Nguyên Thủ tướng suy nghĩ một lúc và trả lời luôn: sắp xếp cho họ đến gặp sớm. Và dĩ nhiên tôi thông báo ngay để Việt Weekly thu xếp chuẩn bị cho cuộc gặp. Mấy hôm sau, nguyên Thủ tướng gặp trao đổi thoải mái tại căn nhà 33 Tú Xương của Văn phòng Chính phủ. Phía Việt Weekly có Lê Vũ, Vũ Hoàng Lân, Etcetera Nguyen, phía báo Thanh Niên có tôi và Hoàng Hải Vân, Võ Ba. Anh Trịnh thư ký của nguyên Thủ tướng cùng dự.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộc trò chuyện thân mật với các nhà báo Việt Weekly. Ảnh: TL

Trong năm 2007, tôi còn dự một cuộc phỏng vấn khác với ông dành cho đài BBC và Xuân Hồng, người phỏng vấn hôm đó đã “sững người” khi ông Kiệt nói rằng: “Gia đình tôi cũng là nạn nhân của cuộc chiến”. Khi nói về hòa hợp hòa giải dân tộc, ông nói: “Tại sao đối với người Mỹ, ta khép lại quá khứ mà người Việt Nam với nhau sao ta “khép” lại quá khứ khó khăn đến vậy?” Ông nói thêm rằng: Vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì làm chúng thêm rỉ máu. Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc này không lớn mạnh lên được. Ngay cả vấn đề tế nhị nhất đối với đời sống chính trị Việt Nam: Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam chưa để cho các đảng chính trị khác cùng hoạt động để có thể cạnh tranh như các nước, ông cho rằng, Đảng phải tự đổi mới để thích nghi với thực tế đất nước, với bước đi của dân tộc.

Trách nhiệm của Đảng Cộng sản không phải chỉ là những vấn đề ghi trong Hiến pháp, mà đòi hỏi Đảng phải làm được trong thực tế vai trò của mình đối với dân tộc để giữ trọng trách lãnh đạo đất nước, giữ được lòng tin của dân chúng đối với mình. Nếu không giữ được, không đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi đó, dân tộc sẽ quyết định.

Ông cũng cho rằng, bất cứ ai yêu nước, có đức, có tài, không nhất thiết là người trong Đảng đều có thể đảm nhiệm bất cứ cương vị gì trong Nhà nước. Tiếc rằng những trường hợp như vậy còn quá ít trong bộ máy hiện nay.

Có một điều rất vui cho tất cả chúng ta là, sau những bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng đã gợi ra những cuộc tranh luận sòng phẳng, có khi gay gắt, nhưng những người Việt ở hải ngoại hay trong nước thấy rằng mọi bất đồng giữa những người Việt Nam với nhau đều có thể giải quyết được, khi mọi người cùng xem quyền lợi của dân tộc là tối thượng.

Nhà báo Nguyễn Công Khế

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ban-dien-cho-trung-quoc-vao-luc-do-la-co-toi-voi-nhan-dan-mien-nam-13985.html