Bạn đọc phản hồi về đồ án 'Đà Lạt quy hoạch khu Hòa Bình'

Sau gần một ngày Người Đô Thị đăng tải thông tin 'Đà Lạt công bố quyết định 'khai tử' khu Hòa Bình' và bài báo 'Đà Lạt quy hoạch khu Hòa Bình: Lời cảnh báo về một thành phố vô hồn!' - ngày 16.3, tòa soạn đã nhận được rất nhiều email trao đổi và ý kiến phản hồi liên quan đến bản đồ án quy hoạch mới khu Hòa Bình đang gây tranh cãi. Để rộng đường dư luận, chúng tôi lược trích những ý kiến này và mong tiếp tục nhận được những trao đổi khác của bạn đọc.

Đà Lạt sẽ nhận được gì?

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì phát triển là tốt nhưng không nên xâm hại đến các di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng của Đà Lạt. Đà Lạt sẽ ra sao khi mà những công trình mang tính lịch sử, văn hóa như Chợ Đà Lạt, dinh Tỉnh trưởng, rạp Hòa Bình, ấp Ánh sáng v.v… là những công trình, những nơi, những kỷ niệm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân Đà Lạt và du khách gần xa bị xóa bỏ rồi thay vào đó là những tòa nhà chọc trời, trung tâm thương mại, khách sạn v.v.…

Đà Lạt sẽ nhận được gì? Sẽ đi đâu và về đâu khi dần đánh mất bản sắc bấy lâu của mình? Liệu hi sinh những di tích kia có đáng để đánh đổi lấy những công trình chưa chắc được xem là dấu ấn hay hiệu quả về mặt kinh tế, du lịch không? Tại sao lại không dời quy hoạch ra những khu vùng ven như Đức Trọng, Đơn Dương v.v.. mà cứ chăm chăm vào trung tâm thành phố trong khi trung tâm thành phố đã trở nên quá tải vào những ngày lễ, tết? Phát triển phải đi đôi với đồng bộ thì mới có thể bền vững và lâu dài được.

Đô Đỗ Nguyên (dodnk36@….)

Bất cứ ai từng ở đó, tận hưởng sự hoang vu của màn đêm trên những cung đường Đà Lạt, tiếp xúc với nét chất phác, mộc mạc của người Lâm Đồng nói chung, người Đà Lạt nói riêng chắc chắn đều có chung một niềm tiếc nuối vô hình, đọng lại trước sự biến đổi ngoài dự tính của một thành phố mù sương.

Chẳng ai phủ nhận sự phát triển tất yếu của nền kinh tế, chẳng ai không muốn quê hương đi lên, nhưng những người yêu Đà Lạt làm sao không trách cứ việc quy hoạch thành phố của chính quyền khi dễ dàng nhìn thấy những mất mát di sản, cảnh quan thiên nhiên, trách những khách du lịch đến và đi để lại những đụn rác cùng nỗi buồn, trách hoạt động du lịch tàn phá Đà Lạt và trách Đà Lạt sao chóng thay đổi quá…

Ai đó đã nói tiếc nuối là một cảm giác vô ích, tôi nghĩ là tôi hiểu được điều đó, nhất là khi sự tiếc nuối đó lại là của những người dân với thân phận bé nhỏ. Nhưng tôi đã không làm sao thoát được cảm giác đó, tôi cứ phải buồn thương, xót đắng mãi cho những mất còn. Có lẽ tôi phải tự an ủi mình như nhà văn Nguyễn Đạt, là Đà Lạt xưa vẫn còn trong ký ức của bao con người. Những con người tồn tại lặng lẽ khuất lấp đâu đó với một tình yêu chân thành vô vụ lợi dành cho Đà Lạt. Những con người đang sống với những khát vọng tự do và tình yêu dành cho cái đẹp.

Đà Lạt đã có một lịch sử và lịch sử Đà Lạt vẫn còn đó. Có thể nhờ vậy mà chúng ta mãi mãi vẫn hình dung được trong tâm trí một Đà Lạt vẹn nguyên. Một Đà Lạt xưa với đồi Cù với thông và sương và hoa dại. Một Đà Lạt với quán cafe Tùng và những huyền thoại vô cùng đẹp.

Bao giờ cho đến... ngày xưa?

Như Thúy

Tôi rất đồng tình với quan điểm của KTS. Ngô Viết Nam Sơn. Đà Lạt chật hẹp nhưng không phải là đã hết đất để xây dựng. Một diện tích đất khá lớn ở ngoại thành như khu vưc Vạn Thành và gần sân bay Cam Ly chỉ cách trung tâm Đà Lạt khoảng 3km hiện nay vẫn chưa có bất cứ một công trình nào mọc lên.

Từng được mệnh danh là tiểu Paris, “thành phố sương mù” bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình và khí hậu trong lành. Vì lẽ đó mà Đà Lạt đã chiếm được cảm tình của người dân xứ phương Nam, trong đó có tôi. Thế nhưng, trái ngược với trạng thái cảm xúc ban đầu, lần trở lại mới đây trước tết 2019 đã khiến tôi phải lo lắng và thất vọng. Đó là một sự lộn xộn giữa không gian kiến trúc và thiên nhiên...

Nguyễn Thế Mạnh

Người ở xa trách người Đà Lạt không giữ gìn miền đất này mà chỉ quan tâm thu lợi kinh tế, người Đà Lạt lại trách “người tứ xứ đến rồi xây dựng, xẻ đôi Đà Lạt của chúng tôi ra, các nhà đầu tư bỏ tiền thu lợi nhuận từ Đà Lạt, và những người đến Đà Lạt chơi mà không có ý thức”...

Cứ vậy, Đà Lạt xoay vòng, vần vũ, tổn thương trong sự phát triển thiếu định hướng và tranh cãi của con người.

Võ Dương Khanh

Đà Lạt được mệnh danh là “rừng trong phố, phố trong rừng” bởi sự phát triển hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc, nhưng ngày nay nó đã được thay thế bằng hình ảnh những biệt thự, những dãy nhà nhấp nhô, chi chít không theo quy luật nào. Bên cạnh đó là việc ngày càng có nhiều cánh rừng thông bị chặt phá hơn để nhường chỗ cho những dự án mới theo quy hoạch của thành phố.

Sự bê tông hóa đi kèm với việc triệt hạ những cánh rừng thông, không chỉ phá vỡ không gian thiên nhiên và kiến trúc, mà còn gây nhiều tác động tiêu cực cho khí hậu vốn rất độc đáo ở nơi đây. Chứng kiến những mặt trái của quá trình đô thị hóa với sự xuống cấp nghiêm trọng của cảnh quan thiên nhiên và biến đổi khí hậu đã khiến tôi tự hỏi, liệu trong tương lai Đà Lạt có còn mộng mơ như những gì mà người ta đã đặt cho nó khi bản quy hoạch khu trung tâm vừa công bố sẽ làm mất thêm một số giá trị đặc hữu của xứ lạnh này?

Võ Khương Vinh

Một bản quy hoạch gây tranh cãi đã được công bố bất ngờ với nhiều chuyên gia. Ảnh: Nguyễn Vinh

Một bản quy hoạch gây tranh cãi đã được công bố bất ngờ với nhiều chuyên gia. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chính quyền Đà Lạt cần nghe thêm góp ý của giới chuyên gia

Tôi ủng hộ sự phát triển nhưng mọi sự phát triển kinh tế đều sẽ phải trả giá nếu như không có sự tính toán để phát triển một cách bền vững giữa con người với môi trường.

Theo tôi, chính quyền Đà Lạt nên cầu thị, mở hội thảo để nghe thêm góp ý, phản biện của giới chuyên gia rồi quyết cũng chưa muộn. Có thể quy hoạch vừa công bố sẽ làm cho Đà Lạt trở thành một thành phố hiện đại hơn trong tương lai. Nhưng nếu sự quy hoạch đó làm biến mất một thành phố lãng mạn từng là cảm hứng sáng tác của biết bao thi sĩ, nhạc sĩ, nhà văn thì rất cần cân nhắc thận trọng.

KTS. Phan Trọng Tài

Tôi sinh ra và sống gần 30 năm ở Đà Lạt, gia đình ba đời nhà tôi cũng ở đây, mà giờ tôi mới biết thông tin này. Tại sao chính quyền không tổ chức lấy ý kiến nhân dân Đà Lạt về bản quy hoạch này? Đà Lạt có được những giá trị nào thì đó chính là đóng góp từ chính các cuộc lưu dân đến vùng đất này.

Vậy nên, Đà Lạt là tài sản chung của công đồng, không chỉ là dân ở Đà Lạt mà còn là khắp Việt Nam nên không thể tùy tiện hành xử như thế này với một báu vật thiên nhiên của dân tộc. Mong chính quyền Đà Lạt xem lại quyết định vội vàng này.

Võ Trọng An

Tôi thấy các ý kiến của anh Ngô Viết Nam Sơn rất hay, đầy tâm huyết với Đà Lạt. Đà Lạt hiện mở rộng lớn gần bằng Hà Nội, mở ra một triển vọng đầy tươi sáng cho thành phố lãng mạn này. Nhưng tôi cứ phân vân, với thực trạng hiện nay, không biết các nhà quản lý liệu có khả năng dẫn dắt Đà Lạt vượt qua các thử thách nghiệt ngã và to lớn trong việc phát triển cùng với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường và bảo tồn di sản văn hóa để Đà Lạt mãi mãi là thành phố vườn, thành phố du lịch và nghỉ dưỡng hay không?

TS. Võ Thanh Hùng

Để phát triển Đà Lạt khó tránh khỏi những tác động phụ. Biết là thế, song một sự tiếc nuối, trách cứ, băn khoăn và cả bức xúc nữa cứ pha trộn trong tâm khảm người yêu Đà Lạt.

Vì sao ư? vì những hoạch định, triển khai chưa cho thấy được sự hiện diện của khoa học đúng nghĩa, của phản biện cẩn trọng, khách quan. Vậy nên, những dự án nhân danh làm đẹp Đà Lạt hình như lại chưa làm yên lòng người dân Đà Lạt và người yêu Đà Lạt. Những hoài niệm, tiếc nuối và trăn trở cứ thế mà dầy rộng thêm...

Thanh Hoa

Mời bạn đọc cùng trao đổi

Bên cạnh tiếp tục đăng tải ý kiến đa chiều của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Đà Lạt và những người Đà Lạt sống lâu năm ở thành phố sương mù, Người Đô Thị rất mong nhận được các trao đổi khách quan, đa chiều của độc giả về bản đồ án quy hoạch mới khu Hòa Bình – khu trung tâm của thành phố Đà Lạt đang gây tranh cãi: có thể làm mất đi một số giá trị đã được xác lập của Đà Lạt nhưng cũng có ý kiến cho rằng đồ án quy hoạch cần thiết để Đà Lạt có bước phát triển khác, tạo ra những giá trị mới.

Các ý kiến trao đổi, có thể gửi về email: toasoan@nguoidothi.vn

Đà Lạt quy hoạch khu Hòa Bình: Lời cảnh báo về một thành phố vô hồn!
Đà Lạt công bố quyết định “khai tử” khu Hòa Bình
Khu Hòa Bình - Đà Lạt: Lẽ nào chỉ còn trong ký ức?

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ban-doc-phan-hoi-ve-do-an-da-lat-quy-hoachkhu-hoa-binh-17789.html