Bàn giải pháp thích ứng với sụt lún đất cho Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 22/11, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo sụt lún đất ở ĐBSCL.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Theo PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, với vị trí tương đối đặc biệt, rộng lớn như vùng ĐBSCL chiếm 12% diện tích và khoảng 19% dân số của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách và đã triển khai các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này. Đặc biệt, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển nơi được mệnh danh là vựa lúa, trái cây và thủy sản của Việt Nam.

Hiện ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường đi tới sự thịnh vượng và phát triển bền vững bởi đây là nơi rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. “Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì tình trạng sụt lún đất đang xuất hiện ở nhiều nơi của khu vực này đã và sẽ mang đến nhiều hệ lụy”, PGS.TS Mai Thị Liên Hương nói.

Ông Olaf Neusser thuộc Tổ chức GIZ cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tuổi địa chất còn rất trẻ, chỉ khoảng 6.000 năm và sụt lún đất đã xuất hiện trong suốt quá trình hình thành nên đồng bằng và mức độ sụt lún đó đã được bù lại từ nguồn phù sa, trầm tích do các cơn lũ mang lại hằng năm.

Vấn đề sụt lún đất ở ĐBSCL trong những năm qua nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Có thể kể đến như Việ Địa kỹ thuật Na Uy, Đại học Stanford Hoa Kỳ, Đại học Ustrecht Hà Lan và các đo đạc, đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Tổ chức GIZ đã nghiên cứu và hoàn thiện báo cáo “Vấn đề dưới mặt đất – Sụt lún đất tại ĐBSCL”. Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu đề xuất 5 bước quản lý sụt lún đất gồm: đo lường sụt lún đất, nguyên nhân gây sụt lún đất, tác động của tình trạng sụt lún đất, giảm thiểu tốc độ sụt lún đất và thích ứng với sụt lún đất.

Có chung quan điểm, PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, lún sụt và sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề cần quan tâm giải quyết hàng đầu. Theo ông Trung, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu phối hợp với Trường Đại học Utretch, Hà Lan cho thấy, độ lún trung bình ở khu vực ĐBSCL khoảng 2cm mỗi năm, nơi có độ lún lớn nhất là bán đảo Cà Mau.

Tại hội thảo, các chuyên gia từ Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Thiên nhiên Đức (BGR), các nhà khoa học của Đại học Utrecht, Hà Lan cùng các chuyên gia Việt Nam cũng đóng góp ý kiến trong những lĩnh vực khác nhau như: đo lường mức độ sụt lún, hiểu về những lý do địa chất và tác động của hiện tượng này đến cuộc sống của người dân, bằng cách nào đó có thể làm chậm quá trình này và thích ứng với nó nếu không tìm được giải pháp nào khác...

Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/ban-giai-phap-thich-ung-voi-sut-lun-dat-cho-dong-bang-song-cuu-long-tintuc452999