Bàn giải pháp thúc đẩy liên kết du lịch TPHCM – Đồng bằng Sông cửu long bền vững

Trong thời gian qua, du lịch TPHCM với Tây Nam bộ và Đông Nam bộ đã có sự liên kết. Song, mối liên kết này đã chưa phát huy hết tiềm năng của TPHCM với 13 - tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ ITE HCMC ngày 5/9.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ ITE HCMC ngày 5/9.

Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về liên kết phát triển bền vững, trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối du lịch TP HCM – ĐBSCL, tổ chức ngày 5/9 tại TP HCM.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là lần đầu tiên hội nghị kết nối du lịch TP HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL được tổ chức, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP HCM và các địa phương trong vùng. Thời gian qua, TP HCM có liên kết với một số địa phương ở miền Tây nhưng chưa tương xứng.

TPHCM có khoảng 10 triệu dân và trong năm 2018 đón 7,5 triệu lượt quốc tế khách. Trong khi đó, 13 tỉnh - thành ĐBSCL có khoảng 20 triệu dân và đón khoảng 3,4 triệu khách trong năm 2018.

Do đó, trong thời tới, TPHCM xác định một điểm nhấn cho thời gian tới là coi sự hợp tác của TPHCM với 13 tỉnh ĐNSCL là một giải pháp trọng điểm nhằm phát huy các lợi thế, tạo được sự phát triển về du lịch không chỉ riêng đối với TPHCM mà còn cho cả khu vực.

Theo đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL nên hình thành Hội đồng phát triển du lịch, xây dựng và đánh giá những chương trình hợp tác cho ngành du lịch.

Đại diện TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL ký kết hợp tác phát triển du lịch bền vững.

Một giải pháp khác được Bí thư Thành ủy TP HCM đưa ra là ngành du lịch ĐBSCL cần xây dựng, định hướng xây dựng thương hiệu du lịch để quảng bá chung cho cả vùng. Tuy nhiên, không chỉ ngành du lịch mà các bộ ngành khác cũng cần hỗ trợ như có chính sách kết nối du lịch và hàng không...

Ý tưởng về việc xây dựng thương hiệu quảng bá du lịch chung cho cả vùng ĐBSCL được lãnh đạo một số địa phương và doanh nghiệp tham dự hội nghị ủng hộ. Bởi một thương hiệu chung sẽ tạo thuận lợi trong xúc tiến, quảng bá cả trong và ngoài nước.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí thuận lợi để phát triển du lịch, với những nền văn hóa đặc trưng và hệ sinh thái tự nhiên. Với lợi thế này, đồng bằng sông Cửu Long có thể kết nối với TPHCM để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, ĐBSCL cần có chiến lược phân vùng, cơ chế thúc đẩy kết nối và lan tỏa du lịch với những tỉnh, thành trong cả nước, cụ thể là TPHCM.

Ở góc độ cụm liên kết, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cụm liên kết phát triển phía Đông – ĐBSCL có 6 tỉnh, gồm: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Cụm liên kết này đạt 10 triệu lượt khách/năm; 1,8 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu trên 4 nghìn tỷ đồng/năm. Đồng thời, đạt tăng trưởng bình quân 20%/năm số lượt khách, doanh thu 25%/năm. Tuy nhiên, cần có chính sách ưu tiên xây dựng, nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối TPHCM với 6 tỉnh trong Cụm. Về phía địa phương, mỗi tỉnh cần xây dựng chính sách đầu tư phát triển du lịch...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhìn nhận cần xây dựng thương hiệu chung, quảng bá và thu hút du khách tới vùng trước rồi mới đến từng địa phương. Đây là liên kết, kết nối cần thiết như trước đây ngành du lịch đã xây dựng thương hiệu điểm đến Việt Nam. Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong tổ chức diễn đàn kết nối du lịch. Để làm du lịch phát triển cần sự đồng bộ của các ngành, các cấp từ quảng bá, xúc tiến trong nước và quốc tế, đến thủ tục xuất nhập cảnh, hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực...

Ngoài ra, các tỉnh thành cần kết hợp chặt chẽ phát huy di sản văn hóa, con người... để có sản phẩm du lịch riêng; Tận dụng xu hướng của công nghệ để tăng cường kết nối, làm du lịch thông minh, từ đăng ký, đặt vé, đặt chỗ, đi đâu du khách chỉ cần mang theo điện thoại...

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ban-giai-phap-thuc-day-lien-ket-du-lich-tphcm-dong-bang-song-cuu-long-ben-vung-111077.html