Bàn giải pháp thúc đẩy và phát triển dự án công nghệ điện rác

Ngày 29-5, tại Đà Nẵng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”. Tọa đàm được thực hiện trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI); đại diện Hội đồng Tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam), Bộ ban ngành, đại diện các Hiệp hội ngành, các doanh nghiệp trên lĩnh vực môi trường.

Viện dẫn số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia cho biết: mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Rác thải được xem là một trong những nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, đốt rác phát điện được xem là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng công nghệ đốt rác phát điện chỉ phù hợp với những nước phát triển (rác được phân loại tại nguồn). Còn tại các quốc gia mà rác không được phân loại thì việc này sẽ có một lượng khí độc hại xả vào môi trường. Thực tế, tại Việt Nam, hiện có nhiều dự án điện rác đã và đang triển khai, nhưng không ít trong số đó chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, lượng rác còn lại không xử lý được khá lớn, khoảng 20% phải mang chôn lấp.

Nêu nguyên nhân nhiều dự án điện rác tại Việt Nam không phát huy hiệu quả, các chuyên gia cho rằng công nghệ HTC, biocarbon có thể sử dụng làm nhiên liệu sạch để đốt nhưng chi phí cao không dùng để sản xuất điện năng. Thứ hai, công nghệ thiết bị TF, cũng đòi hỏi rác thải được phân loại từ nguồn và chỉ xử lý rác thải hữu cơ để làm thành phân compost. Mặt khác, chi phí đầu tư thiết bị TF tương đối cao nhưng không sản xuất ra điện. Ngoài ra, công nghệ xử lý rác của Nhật Bản do tổ chức NEDO tài trợ đã dừng hoạt động vì chi phí quá cao và hiệu quả phát điện thấp. Công nghệ Trung Quốc có thể thấy tương đối lạc hậu, độ bền không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay nhà máy sản xuất dây chuyền xử lý rác thải theo công nghệ mới tối ưu, có thể xử lý triệt để rác thải chỉ còn dưới 2%, không xả thải ra môi trường, điện năng phát lên lưới gấp 3 lần công nghệ đốt rác thông thường. Đây cũng là công nghệ duy nhất đáp ứng điều kiện chất thải còn lại mang chôn lấp dưới 5%. Các bãi rác cũ sẽ được hoàn nguyên thành công viên cây xanh hoặc đất sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, công nghệ mới còn có thể cung cấp năng lượng xanh tái chế và tái sử dụng vật liệu hữu ích được phân loại từ rác, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Công nghệ này đang được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Tại sự kiện, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, góp ý về thực trạng, ô nhiễm rác thải, nhằm đưa ra giải pháp thúc đẩy và phát triển dự án công nghệ điện rác tại Việt Nam. Đây cũng là diễn đàn để doanh nghiệp cùng các cơ quan chức năng cùng hiến kế cải cách các thủ tục hành chính, góp phần làm xanh môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

ĐÔNG A

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_225707_ban-giai-phap-thuc-day-va-phat-trien-du-an-cong-nghe-dien-rac.aspx