Bàn giao Chi cục Quản lý thị trường trên cả nước về Bộ Công Thương: Băn khoăn mô hình hoạt động sau sáp nhập

Bộ Công Thương vừa thông báo về việc sáp nhập các Chi cục Quản lý thị trường trên cả nước về Tổng cục Quản lý thị trường. Nhiều người trong cuộc và ngay cả giới thương nghiệp tại một số tỉnh Tây Nguyên băn khoăn rằng sau khi sáp nhập, mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức và việc quản lý thị trường giữa địa phương và trung ương có bị chồng chéo?

Một hội nghị của Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk. Ảnh: P.V

Người dân còn lắm băn khoăn

Bộ Công Thương vừa ban hành công văn về việc ký biên bản bàn giao Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) ở địa phương về bộ. Thời gian tổ chức lễ bàn giao từ ngày 2 - 4.10 theo kế hoạch cụ thể: Khu vực phía Bắc (28 tỉnh) bàn giao vào ngày 2.10 tại TP.Hà Nội; khu vực miền Trung - Tây Nguyên (14 tỉnh) bàn giao ngày 4.10 tại Đà Nẵng và khu vực miền Nam (21 tỉnh) bàn giao sau đó vài ngày tại TPHCM.

Mặc dù Bộ Công Thương đã thông báo về chủ trương trên nhưng ở một số tỉnh Tây Nguyên, người dân và cả giới thương nghiệp vẫn chưa nắm rõ chủ trương này. Anh Nguyễn Văn Luyện - người dân tại TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - băn khoăn, việc sáp nhập Chi cục QLTT trên cả nước thuộc Tổng cục QLTT liệu có quá gấp rút, tại sao không cần thêm một thời gian để các địa phương triển khai sắp xếp, bàn giao.

“Tôi được biết, ngày 10.8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương. Đến ngày 18.9, Bộ Công Thương đã có văn bản về việc ký biên bản bàn giao Chi cục QLTT ở địa phương. Thời gian như vậy liệu quá có gấp rút? Tại sao Bộ Công Thương lại không cần thêm một thời gian để các địa phương lên phương án bàn giao” - anh Luyện thắc mắc.

Tại tỉnh Đắk Nông nói riêng và nhiều địa phương tại Tây Nguyên thời gian qua nổi cộm với tình trạng gian lận thương mại. Điển hình như vụ càphê “pin” hay hàng loạt các vụ phân bón giả bị phát giác. Từ thực trạng này, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại việc bàn giao Chi cục QLTT sẽ khiến công việc bị gián đoạn. “Chúng tôi lo lắng việc sáp nhập Chi cục QLTT sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống gian lận thương mại trên địa bàn. Từ đó, nạn hàng giả, hàng nhái sẽ tăng cao” - đại diện một doanh nghiệp phân bón lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói.

Vướng đến đâu, gỡ đến đó

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk - xác nhận, ngày 4.10 tới đây, đoàn công tác của tỉnh sẽ tiến hành bàn giao Chi cục QLTT cho Bộ Công Thương quản lý. Theo ông Dương, trước đó, Bộ Công Thương cũng có công văn thông báo cụ thể về quá trình bàn giao; biên chế, con người, tài sản. Tất cả đều đã được thống nhất. Trả lời câu hỏi quá trình bàn giao liệu có ảnh hưởng đến việc QLTT trên địa bàn tỉnh(?), ông Dương nói: “Tạm thời việc hoạt động của chi cục vẫn chưa có sự thay đổi nhiều nên công việc vẫn diễn ra bình thường”.

Ông Nguyễn Đào Chí - Phó Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk - cho rằng: “Mô hình nào cũng có thuận lợi và khó khăn. Các sự bất cập, vướng mắc trong quá trình sáp nhập thì tôi cho rằng Bộ Công Thương sẽ xem xét và tháo gỡ. Trước mắt, chúng tôi vẫn phải tham mưu tỉnh trong công tác phòng chống buôn lậu, thương mại, thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh”.

Còn ông Bùi Huy Thành - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông - cho biết, sau khi có thông tin, tâm lý làm việc của lãnh đạo, cán bộ tại chi cục vẫn bình thường. Dù vậy nhưng một số người chỉ băn khoăn về việc sau này cơ chế vận hành, công việc sẽ có sự thay đổi như thế nào. “Thay vì trực thuộc Sở Công Thương thì Chi cục QLTT sẽ trực thuộc Bộ Công Thương. Về mặt chức năng, nhiệm vụ sẽ không có gì thay đổi. Sau khi sáp nhập, chắc chắn Bộ Công Thương sẽ có văn bản hướng dẫn việc hoạt động của Chi cục QLTT trên địa bàn để tránh chồng chéo, bất cập” - ông Thành nói.

HỮU LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ban-giao-chi-cuc-quan-ly-thi-truong-tren-ca-nuoc-ve-bo-cong-thuong-ban-khoan-mo-hinh-hoat-dong-sau-sap-nhap-633757.ldo