Bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc-Nam: Hạ quyết tâm về đích

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được các sở, ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh Quảng Bình nơi có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. Tuy nhiên, trừ TP. Đồng Hới, còn lại các địa phương đều chưa hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công trong năm 2023 như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.Trong chuyến kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vào ngày 21/1/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh Quảng Bình cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt, để đẩy nhanh tiến độ GPMB của dự án. Trước mắt, phải tập trung đảm bảo công tác TĐC cho nhân dân. Các nhà thầu, tư vấn cần đẩy nhanh tiến độ với phương châm nơi nào có mặt bằng thì thi công cuốn chiếu, phấn đấu thông tuyến theo kế hoạch đề ra.

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tính đến ngày 23/1/2024, chiều dài các đoạn tuyến mà các địa phương đã bàn giao cho các ban quản lý dự án (QLDA) là 114,33/126,43km, đạt 90,43%. Cụ thể, huyện Quảng Trạch đã bàn giao được 22,4/25,3km, đạt tỷ lệ 88,54%; TX. Ba Đồn đã bàn giao 9,09/9,35km, đạt 97,23%; Bố Trạch đã bàn giao 26,79/29,04km, đạt 92,25%; TP. Đồng Hới đã bàn giao 9,87/9,87km, đạt 100%; Quảng Ninh đã bàn giao được 20,62/20,92km, đạt 98,57%; Lệ Thủy đã bàn giao 25,56/31,95km, đạt 80%.

Số mặt bằng còn lại mà các địa phương chưa bàn giao được cho chủ đầu tư để triển khai thi công trên toàn tuyến là 12,1km; trong đó, Quảng Trạch còn lại 2,9km (chiếm 11,46%); TX. Ba Đồn còn lại 0,26km (chiếm 2,77%); Bố Trạch còn lại 2,25km (chiếm 2,77%); Quảng Ninh còn 0,3km (chiếm 1,43%) và Lệ Thủy còn 6,39km chưa bàn giao được cho chủ đầu tư để triển khai thi công.

Các nhà thầu tập trung phương tiện, máy móc để thi công tại nút giao thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch).

Về giải ngân nguồn vốn, giá trị giải ngân từ đầu dự án đến hết năm 2023 đạt hơn 2.243 tỷ đồng, trong đó năm 2022 giải ngân gần 572 tỷ đồng; năm 2023 giải ngân 1.672 tỷ đồng và hiện nay các huyện đang tiếp tục giải ngân vốn năm 2024.

Giám đốc Sở GTVT Phạm Văn Năm cho biết: Tiến độ bàn giao mặt bằng của các địa phương còn chậm là do còn nhiều nội dung công việc chưa hoàn thành, như xây dựng khu tái định cư (TĐC), khu nghĩa địa, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và xử lý các vướng mắc về nguồn gốc đất đai.

"Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng dự án cao tốc cho các chủ đầu tư để triển khai thi công", ông Phạm Văn Năm cho biết.

Hiện nay, nguyên nhân chính dẫn đến các địa phương chưa bàn giao hết mặt bằng của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam cho chủ đầu tư là bởi, việc xây dựng các khu TĐC chưa hoàn thành. Vì vậy, người dân trong diện TĐC trên tuyến chưa có đất để làm nhà ở, nên chưa thể thoát ly khỏi nơi ở cũ để bàn giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư.

Thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, toàn tỉnh có 26 khu TĐC của dự án với diện tích 69,13ha, bố trí cho khoảng 551 hộ tại 19 xã bị ảnh hưởng buộc phải di dời tới nơi ở mới. Tuy nhiên đến thời điểm ngày 23/1, duy nhất chỉ có huyện Quảng Ninh là đã hoàn thành 2/3 khu TĐC. Bố Trạch có khu TĐC xã Liên Trạch vừa mới hoàn thành, người dân đã đến làm nhà, 11 khu TĐC còn lại có khối lượng thi công từ 60-90%. Các khu TĐC của các địa phương Quảng Trạch, Ba Đồn, Lệ Thủy vẫn đang trong quá trình thi công, khối lượng thi công đạt từ 50-80%.

Huyện Lệ Thủy đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư.

Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết: Toàn huyện có 3 khu TĐC với diện tích 7,21hacho 94 hộ tại 3 xã, thị trấn. Trong đó, khu TĐC Trường Thủy có diện tích 1,1ha, TĐC cho 10 hộ; khu TĐC Phú Thủy 1,92ha TĐC cho 32 hộ; khu TĐC Lệ Ninh 4,2ha, TĐC cho 52 hộ. Hiện nay, UBND huyện Lệ Thủy đang đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các khu TĐC, nỗ lực hết sức để sớm hoàn thành và triển khai cho người dân bốc thăm nhận đất làm nhà ở.

"Các khu TĐC của huyện hiện nay đang được nhà thầu tập trung thi công phần đường giao thông, san nền, hệ thống thoát nước. Tổng khối lượng đã thi công đến thời điểm ngày 2/2 đạt khoảng 80%. Địa phương đang rất tích cực để bàn giao mặt bằng đúng mốc thời gian tỉnh chỉ đạo, tuy nhiên, khối lượng GPMB quá lớn", ông Đặng Đại Tình nói.

Trước thực trạng công tác bồi thường, GPMB của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh, với tiến độ bàn giao mặt bằng như hiện nay, nếu không quyết liệt thì công tác GPMB của tỉnh sẽ không đạt yêu cầu và làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn quốc. Vì vậy, các địa phương cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ, GPMB, tạo sự đồng thuận trong triển khai dự án. Tập trung nhân lực, thời gian giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng.

Huyện Quảng Ninh là địa phương duy nhất đã thực hiện hoàn thành 2 khu tái định cư trong năm 2023.

Đặc biệt là, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" để nhanh chóng hoàn thành các khu TĐC và giao đất TĐC cho người dân xây dựng nhà ở. Mặt khác, hoàn tất các khu nghĩa địa để di dời hết lăng mộ; di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội... nhằm hoàn thành công tác bồi thường, GPMB của dự án chậm nhất vào ngày 28/2.

Với các vướng mắc đang gặp phải trong xác định nguồn gốc đất đai, thống nhất phương án đền bù, các địa phương tổ chức đối thoại, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của người dân. Trong trường hợp khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tế mà người dân còn không hợp tác, chống đối thì xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế.

Đối với các ban QLDA của Bộ GTVT, với trách nhiệm của chủ đầu tư, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC trên địa bàn, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, chủ trì, phối hợp với các địa phương có dự án đi qua hoàn thành việc đánh giá ảnh hưởng công trình nhà ở sát mốc GPMB và có thông báo chính thức cho các huyện, thị xã, thành phố tiến hành bồi thường, GPMB.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202402/ban-giao-mat-bang-cao-toc-bac-nam-ha-quyet-tam-ve-dich-2215740/